15:45 | 16/05/2011
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết "Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước- Một trăm năm nhìn lại" của Giáo sư Song Thành, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Việt Nam , vào đầu thế kỷ XX, đã có một lớp thanh niên ưu tú rời nước ra đi, không phải vì mưu sinh mà vì khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và phẩm giá cho đồng bào. Họ nô nức Đông du theo lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Phan Bội Châu. Duy có một người thanh niên mảnh khảnh dám một mình tìm đường sang phương Tây. Đó là Nguyễn Tất Thành. Thành tựu chung cuộc đã làm cho việc ra đi đó trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước phát triển mới cho Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam . Chỉ có thể đánh giá hết ý nghĩa, giá trị và bài học của sự kiện này khi đặt nó vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc của phong trào cứu nước hồi đầu thế kỷ trước.
I. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX
1. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa vũ trang cuối thế kỷ XIX, tư tưởng của các sĩ phu yêu nước đã có sự chuyển biến. Họ cố thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến, đi tìm một con đường mới trong ý thức hệ tư sản Âu-Mỹ qua các tân thư được truyền vào từ Trung Hoa. Song những cố gắng ấy cũng đều lần lượt bị thất bại. Cuộc vận động chống sưu thuế bị đàn áp, Trần Quý Cáp bị xử tử, Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo. Vụ Hà Thành đầu độc thất bại, các nghĩa sĩ bị chặt đầu; Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa; căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây, đánh phá; phong trào Đông du bị tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật,…Những nỗ lực cuối cùng của các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ hầu như đều đã thất bại.
Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.
Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; được kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương và gia đình, khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc.
Nhưng bằng con đường nào? Liên minh với ai, dựa vào ai để chiến đấu? Cuộc tranh luận không phải về mục tiêu mà về con đường: dựa vào Pháp để cải cách như Phan Châu Trinh hay dựa vào Nhật để cứu nước như Phan Bội Châu? Mặc dù uy tín của hai chí sĩ họ Phan đều rất lớn, nhưng anh không đứng về phe nào. Trước khi đi đến quyết định, theo tinh thần “cách vật, trí tri”, anh cần tìm hiểu đến tận cùng thực chất của thời cuộc. Sau này, trong một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “ Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. [1] Điều đó cho thấy, Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý thức khám phá thời đại để tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.
2.Bước sang thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đã trở thành một hệ thống thế giới, mỗi thuộc địa là một mắt khâu của hệ thống đế quốc, do đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không thể chỉ là hành động riêng rẽ của một quốc gia này chống lại sự xâm lược và thống trị của một quốc gia khác như trước kia, mà đã trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Trong điều kiện lịch sử mới, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi, phải trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, như Lênin đã nói. Đây chính là đặc điểm mới của thời đại mà các sĩ phu trong nước thời đó chưa có điều kiện để nhận ra.
Với nhạy cảm chính trị của một trí tuệ hiếm có, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm nhất định về sự chuyển biến của thời đại. Kẻ xâm lược mới đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây. Muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác. Đó là con đường nào? Ở tuổi 20, người thanh niên ấy chưa thể trả lời ngay được, nhưng sự lựa chọn đầu tiên đã tỏ ra vô cùng sáng suốt: ngược với làn sóng Đông du, anh một mình đi sang phương Tây, nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ. Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào. Khát vọng đó của anh đã nảy nở từ rất sớm và lớn dần lên theo năm tháng.
Ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành ra bến Nhà Rồng liên hệ xin việc. Ngày 3-6-1911, anh được giới thiệu và nhận vào làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin . Ngày 5-6-1911, với tên mới Văn Ba, anh theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
II. QUÁ TRÌNH TÌM TÒI VÀ HÌNH THÀNH CƠ BẢN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM
1.Tiến hành cuộc khảo sát rộng lớn thế giới tư bản
Nguyễn Tất Thành nhận làm bồi tàu, thủy thủ để có điều kiện được đi. Từ cảng Nhà Rồng, anh đã đi qua Singapore, Colombo, vượt Hồng hải, qua Suez đến cảng Saïd, Marseille, Le Havre. Từ Pháp, anh trở lại Sai-gòn, rồi đi vòng quanh châu Phi, qua các nước Bồđàonha, Tâybannha, Algérie, Tunisie, trở lại các cửa biển Đông Phi, vòng qua Congo, Dahomey, Guinée, Sénégal, vượt Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ, vòng xuống Nam Mỹ, tới Arhentina,…Sau đó, trở lại Anh, về Pháp, qua Đức, tới Liên Xô, về Trung Quốc, sang Thái Lan…, tất cả hơn 30 nước.
Có thể nói, vào đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít các nhà cách mạng đương thời có điều kiện đi nhiều, có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng. Bản thân là người dân thuộc điạ, ra nước ngoài hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc, có gần 10 năm bôn ba, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp, Đức - từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la tinh, nên có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa. Nhờ vốn hiểu biết thực tế đó, cùng với một năng lực tư duy độc lập, tự chủ, đã giúp Người không rơi vào các khuynh hướng cơ hội nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận một cách giáo điều những công thức lý luận không phù hợp với thực tế các nước thuộc địa, nhất là ở phương Đông.
2.Bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vừa bùng nổ thắng lợi, mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử loài người. Nhân Hội nghị Hòa bình Versailles, cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, dưới tên ký Nguyễn Ái Quốc, anh thử nghiệm sử dụng pháp lý tư sản và hình thức đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đưa ra bản Yêu sách tám điểm , đòi quyền bình đẳng về pháp lý và các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách không được các đế quốc thắng trận để mắt tới, anh rút ra kết luận: Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ W. Wilson chỉ là một trò bịp lớn, “ muốn giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình” [2] .
Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa. Tuy nhiên, anh đã thất vọng, vì họ nói rất hay, “ thông qua những nghị quyết rất kêu, để sau đại hội đưa vào viện bảo tàng” [3] .
Giữa lúc đó, ai đã chìa bàn tay thân ái đối với anh, với các dân tộc thuộc địa? - Chính phái tả của cách mạng Pháp, Quốc tế 3, Lênin và Cách mạng Nga! “ Họ đã không vừa lòng với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những nghị quyết “nhân đạo ”… “ Mặc dù đang vấp phải những khó khăn trong nước và ngoài nước, nước Nga cách mạng không hề một chút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi” [4] .
Chính nhờ thắng lợi của cách mạng Nga, rồi đọc Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức. Đêm kết thúc Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (30-12-1920), Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế 3, đánh dấu bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời mở ra bước chuyển cho bao thế hệ người Việt Nam: từ người yêu nước thành người cộng sản.
3.Vừa hoạt động thực tiễn, vừa nghiên cứu lý luận, góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác
- Nguyễn Ái Quốc khởi đầu hoạt động đấu tranh cách mạng của mình bằng việc tố cáo những tội ác man rợ của bọn thực dân ở thuộc địa, nhằm làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới biết được sự thật về cái gọi là “chính sách khai hóa” của bọn thực dân, gây men căm giận, phẫn nộ, từ đó kêu gọi “ nô lệ thức tỉnh ”: “ Mọi chế độ thực dân đế quốc đều tiêu diệt hết các nòi giống bản xứ, muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc ” [5] . Sử dụng hình ảnh “chủ nghĩa tư bản là con đỉa 2 vòi”, nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả 2 cái vòi của nó đi, Nguyễn Ái Quốc nêu lên sự cần thiết phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, hai cuộc cách mạng đó phải phối hợp nhịp nhàng với nhau như hai cánh của một con chim.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng đó, sự ủng hộ của quốc tế là rất quan trọng, song nhân tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của bản thân nhân dân các dân tộc thuộc địa. Người viết: “ Vận dụng công thức của C. Mác, tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em, chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” [6] .
Những bài báo đó của Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành lý luận về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản.
-Sau khi đến Liên Xô, tham gia một khóa học lý luận ngắn hạn, rồi được mời tham dự nhiều đại hội và hội nghị quốc tế lớn, Nguyễn Ái Quốc có cơ hội vừa lắng nghe, học tập, vừa vận dụng vốn lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của mình, tham gia vào cuộc tranh luận, đưa ra những ý kiến sắc sảo, những luận điểm riêng, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Lênin về cách mạng ở thuộc địa.
Thời kỳ sau khi Lênin qua đời, về mặt lý luận, phong trào cộng sản quốc tế có xu hướng bị “sơ cứng hóa”, còn tỏ ra chịu ảnh hưởng nhiều của thuyết “dĩ Âu vi trung”(Européo-centrisme=lấy châu Âu làm trung tâm), thường chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của cách mạng vô sản ở chính quốc mà coi nhẹ hoặc đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở địa vị phụ thuộc.
Sớm nhận ra tình hình này, tại các diễn đàn quốc tế đó, bằng những lời lẽ tâm huyết và lập luận thuyết phục, Nguyễn Ái Quốc đã “thức tỉnh” các đồng chí cộng sản châu Âu về tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa , rằng “ vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…” , rằng “ nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc,…Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, lại khinh thường thuộc địa…trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?” [7] .
Từ luận điểm đó, Nguyễn Ái Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Người yêu cầu giai cấp vô sản ở chính quốc và đảng tiên phong của nó “ không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức ” [8] ; “ cần nêu một tấm gương về những điều họ có thể và phải làm cho những anh em của họ đang bị áp bức” [9] , chỉ có sự hợp tác đó mới có thể đảm bảo cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng.
Trước khi rời Maxcơva đi về phương Đông, Nguyễn Ái Quốc thấy cần thiết phải chính thức phát biểu quan điểm của mình ( báo cáo bằng văn bản) với BCH quốc tế cộng sản. Người nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước . Người đặt vấn đề: “ Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? - Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” [10] . Đây không phải Nguyễn Ái Quốc phản biện Mác mà chỉ thể hiện sự phản ứng với khuynh hướng “lấy châu Âu làm trung tâm” vào lúc đó, vẫn coi châu Âu là mẫu mực, là điển hình cho sự phát triển của nhân loại, cho rằng khi nào cách mạng vô sản ở châu Âu thắng lợi thì các dân tộc thuộc địa đương nhiên sẽ được giải phóng,…(trong khi Nguyễn Ái Quốc, do đánh giá cao chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân thuộc địa, lại cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và bằng thắng lợi của mình mà góp phần “ giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”) [11] .
Xuất phát từ tư duy biện chứng và yêu cầu phải vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội các nước phương Đông và Việt Nam, trong báo cáo gửi quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đề xuất 3 luận điểm lớn:
+ “ Cuộc đấu tranh giai cấp ở đó (tức Việt Nam) không diễn ra giống như ở phương Tây”, do ở đó sự phân hóa giai cấp chưa triệt để và sâu sắc; sự đối lập về tài sản và mức sống giữa các giai cấp chưa thật lớn, do đó, “ sự xung đột về quyền lợi giữa họ được giảm thiểu” ; hơn nữa các dân tộc Viễn Đông không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ, nên cuộc đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây (tức phương Tây).
+ “ Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước ” - hơn nữa còn là động lực vĩ đại và duy nhất của họ, vì ở các thuộc địa đang đấu tranh giành độc lập thì mâu thuẫn dân tộc và đế quốc là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nhất , mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ dân tộc vẫn tồn tại, nhưng được giảm thiểu, vì dù là tư sản hay địa chủ (hạng vừa và nhỏ) cũng đều là người nô lệ mất nước.
+Từ đó, Người mạnh dạn kiến nghị: “ Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ các Xô viết phải đảm nhiệm” [12] .
Những quan điểm trên đã thể hiện một năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc về lý luận, dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm biện chứng vốn là linh hồn của chủ nghĩa Mác. Tiếc rằng 3 luận điểm đó được đưa ra vào thời điểm sau khi Lênin đã mất, quan điểm “giai cấp chống giai cấp” đang thắng thế, “chủ nghĩa dân tộc” bị coi là rơi vào phạm trù tư tưởng tư sản, nên không được quốc tế cộng sản chấp nhận. Tuy vậy, các quan điểm đó vẫn được Nguyễn Ái Quốc kiên trì vận dụng để chỉ đạo cách mạng ViệtNam, vì nó đúng với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.
4. Từ Đường Kách mệnh đến Chính cương, Sách lược vắn tắt đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam
- Tác phẩm Đường Kách mệnh là sự phát triển các quan điểm lý luận đã được Nguyễn Ái Quốc sơ bộ nêu lên trước đó, nay được trình bày tương đối có hệ thống về con đường cách mạng Việt Nam.
+ Đường kách mệnh khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng Nga, tức là phải đặt nó trong quỹ đạo cách mạng vô sản.
+ Đường kách mệnh xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: dân tộc cách mệnh và thế giới cách mệnh, hai giai đoạn này có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi giai đoạn có mục tiêu và phương pháp vận động cách mạng khác nhau . Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đề cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trên nền tảng “công nông là người chủ cách mệnh”, “là gốc cách mệnh”, “còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ,…ba hạng ấy chỉ là bầu bạn của công nông thôi”.
+ Đường kách mệnh sớm chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết quốc tế, vấn đề phương pháp cách mạng như phương pháp tuyên truyền, giảng giải về lý luận, về chủ nghĩa, về giác ngộ và cách tổ chức-vận động quần chúng ra đấu tranh,…
+ Đường kách mệnh nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, “ Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững, phải có chủ nghĩa làm cốt…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”.
+ Đường kách mệnh chỉ rõ sức mạnh của đảng cách mạng là ở lý luận , ở tổ chức , đồng thời còn ở phẩm chất chính trị và đạo đức của mỗi đảng viên. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu vấn đề đạo đức cách mạng , nhắc nhở phải “ ít lòng tham muốn về vật chất, phải xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc,…” vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ, hận thù, chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.
Những nội dung trên cho thấy Đường kách mệnh đã đặt cơ sở cho sự hình thành đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản; nó đánh dấu sự chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 20 của thế kỷ XX.
- Chính cương, Sách lược vắn tắt và các văn kiện của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc thảo ra, đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam.
+ Về tiến trình của cách mạng Việt Nam, Chính cương nêu rõ “ làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng dể đi tới xã hội cộng sản”, nghĩa là tiến trình đó gồm 2 giai đoạn cách mạng như Lênin đã nói; vì thổ địa cách mạng cũng chỉ là một trong 2 nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn tư sán dân quyền cách mạng. Còn để “đi tới xã hội cộng sản”, đó là nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng sau (giai đoạn thế giới cách mạng, tức cách mạng vô sản).
Xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: đế quốc và phong kiến là 2 đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng không coi 2 nhiệm vụ đó phải thực hiện ngang nhau, song song, đồng thời, mà đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, cần tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhưng phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc. Đó là chỗ khác với quan điểm của Staline và quốc tế cộng sản.
+Về đường lối tập hợp quần chúng: Sách lược vắn tắt đề ra chủ trương mềm dẻo, nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp dân chúng, lôi kéo họ đi về phe vô sản giai cấp, còn đối với bọn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến,…) thì phải đánh đổ.
Sách lược vắn tắt của Đảng cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, cùng với Chính cương vắn tắt trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Lênin được Người đề ra trong Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Tuy nhiên, ở thời kỳ sau Lênin, nhất là sau Đại hội VI quốc tế cộng sản (1928), khi mà cuộc tổng khủng hoảng của CNTB đang đến gần, quốc tế cộng sản cho rằng thời kỳ bùng nổ và thắng lợi của cách mạng vô sản châu Âu đã tới, càng nhấn mạnh hơn khẩu hiệu “giai cấp chống giai cấp”, coi cách mạng giải phóng của các dân tộc phương Đông chỉ nằm ở vòng ngoài, hỗ trợ cho thắng lợi của cách mạng vô sản; lúc này mặt trận Quốc-Cộng hợp tác ở Trung Quốc cũng đã thất bại và tan vỡ,…nên Chính cương, Sách lược của Nguyễn Ái Quốc bị phê là “sặc mùi hợp tác giai cấp”. Chỉ sau những thất bại liên tiếp của cách mạng vô sản ở châu Âu cuối những năm 20 đầu 30, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và sự bùng nổ chiến tranh thế giới mới, Đại hội VII cách mạng vô sản (7-1935) mới thay đổi đường lối, mới trở lại với tư tưởng của Lênin về chính sách mặt trận, khi đó tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mới được thừa nhận và triển khai trong thực tế.
III. Trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng tháng Tám thắng lợi mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc
Đến với cánh tả của cách mạng Pháp rồi với Lênin và Cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Người nóng lòng trở về Tổ quốc, “ đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Sau nhiều năm dày công chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, để chủ động đón thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, ngày 28-1-1941, Người đã vượt qua biên giới Việt -Trung, đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thân yêu sau mấy chục năm xa cách.
Ba mươi năm trước, khi Người bước chân ra đi, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mù mịt, chưa thấy đường ra. Ba mươi năm sau, Người trở về với Chinh cương, Sách lược sáng trong lòng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), cùng với Trung ương Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp . Hội nghị nhận định: cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền …(mà) là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất , chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian, đề thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công,…Làm như vậy, như Hội nghị phân tích, không phải là bỏ mất nhiệm vụ điền địa, mà nhằm ngay nhiệm vụ bức thiết trước mắt là giải phóng dân tộc, vì “ Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được ” [13] .
Thi hành chính sách ‘dân tộc tự quyết”, Hội nghị cũng rút khẩu hiệu thành lập liên bang Đông Dương. Về vấn đề chính quyền, Hội nghị chỉ rõ: “ sau khi đánh đuổi được Pháp-Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới…Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp của chung cả toàn thể dân tộc…ai là người dân sống trên giải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền” [14] .
Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã lôi cuốn hàng chục triệu nông dân, dù chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ, vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Ngày 2-9 -1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.
Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái “cẩm nang thần kỳ”, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang, lập nên nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở châu Á. Bài học khảo sát tận cùng thời đại với một tư duy dộc lập, tự chủ, sáng tạo nhằm tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh từ 100 năm trước đây vẫn đang là tấm gương sáng mà chúng ta phải thấm nhuần, quán triệt, để tìm ra con đường phát triển phù hợp cho Việt Nam ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay./.
1 Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 18/5/1965.
[2] Hồ Chí Minh TT, 1995,t.1, tr.281
[3] Hồ Chí Minh TT,t.1, tr.281
[4] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr.298
[5] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr. 340
[6] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr.128
[7] Hồ Chí Minh TT, t. 1.tr. 273-275
[8] Hồ Chí Minh TT t,2, tr. 114
[9] Hồ Chí Minh, sđd, t. 1,tr.302
[10] Hồ Chí Minh, sđd, t. 1,tr. 466
[11] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr. 36
[12] Xem Hồ Chí Minh TT, t.1, tr. 466 - 467
[13] Văn kiện Đảng TT, t. 7 1940 -1945, tr.113.
[14] Văn kiện Đảng TT, t.7 tr.114
Các từ khóa theo tin:
(Theo TTXVN)
No comments:
Post a Comment