Saturday, May 21, 2011

18/04 Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập với việc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa

15:52 | 18/04/2011

(ĐCSVN) - Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập vào Khánh Hòa những năm 1925 – 1926. Khi vào Khánh Hòa, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập vừa làm nghề dạy học, vừa tuyên truyền giác ngộ những người yêu nước ở địa phương, đặc biệt là trong tầng lớp trí thức, viên chức làm cách mạng theo tư tưởng Mác - Lê nin, góp phần rất quan trọng vào cuộc vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa vào ngày 24/2/1930.

Thầy Hà Huy Tập cùng học trò của mình tại Khánh Hòa (Ảnh tư liệu)

Trong những năm 1925-1926, cùng với thầy giáo Ngô Đức Diễn, thầy giáo Hà Huy Tập được cử vào dạy học ở Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, thầy Hà Huy Tập là một trí thức yêu nước, một trong số những người tham gia thành lập Hội phục Việt (7/1925) sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Tân Việt ở Nghệ Tĩnh.

Ở Khánh Hòa, thầy Hà Huy Tập dạy học ở Trường Tiểu học Pháp-Việt Nha Trang (nay là trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi), thầy Ngô Đức Diễn dạy ở huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Các thầy đã đem lập trường yêu nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin tuyên truyền vận động trong nhà trường và viên chức; tuyên truyền, giác ngộ được nhiều giáo viên, học sinh và thanh niên về công cuộc cứu nước theo tư tưởng cộng sản.

Ngoài việc dạy ở trường, thầy Hà Huy Tập và thầy Ngô Đức Diễn còn vận động tổ chức các lớp dạy ban đêm cho công nhân. Ở Nha Trang, thầy Tập tổ chức được hai lớp cho người lớn và một lớp tuổi trẻ, chia làm hai bậc học: người biết đọc, biết viết và người mới bắt đầu học chữ. Đồng chí Hà Huy Tập kể lại: “Vào tháng 3 năm 1926, tôi lập 3 lớp học buổi chiều cho công nhân ở Nha Trang. Những lớp này có hơn 150 công nhân thường đến học. Mục đích giả của tôi là đấu tranh chống nạn mù chữ, nhưng mục đích thật của tôi là tập hợp những công nhân để dễ dàng cho việc tuyền truyền bí mật. Những chi phí về thắp sáng hoặc mua sách vở phát cho công nhân đều do tiền của tôi và các bạn của tôi gom góp lại”. Đây là những người lao động và dân nghèo thị xã, có người làm thợ hồ, thợ mộc, thợ máy, thợ cắt tóc, thợ rèn, phụ lái xe, kéo xe. Bà con đều siêng năng, học tập chăm chỉ, mến phục các thầy, vừa học chữ vừa học các bài giảng thường thức. Trong lúc giảng, thầy nói đến quyền làm người, kể lịch sử nước ta, nêu gương anh hùng liệt sĩ, ca tụng giòng giống Lạc Hồng. Tình yêu đất nước, thương đồng bào, thương người nghèo ghi sâu vào lòng học sinh và những người lao động. Đồng chí Hà Huy Tập kể: “Cũng trong thời kỳ này, tôi là thành viên của Thư viện tỉnh. Trong một cuộc họp của Thư viện, tôi đề nghị mua một số sách viết về “Sự lật đổ” và những tờ báo Annam (Dân chủ), Người cùng khổ, Hồn Việt Nam (Báo cách mạng ở Pari). Khi đó, tôi bị viên công sứ kết tội là người chống Pháp. Từ ngày đó, tôi là đối tượng bị theo dõi bí mật và bị chính quyền ngược đãi” .

Trước những hoạt động sôi nổi của thanh niên, giáo viên, học sinh, chính quyền thực dân Pháp ở Khánh Hòa tìm cách đối phó với Hà Huy Tập. Năm 1926, công sứ Pháp tại Nha Trang ra lệnh trục xuất ông ra khỏi tỉnh. Tháng 8/1926, Hà Huy Tập chuyển ra Vinh hoạt động.

Thời điểm những năm 1925-1926 là thời điểm trong các phong trào hoạt động yêu nước có sự tác động của một chất lượng mới. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cộng sản, lấy tên là “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”. Nếu như trước đó, các phong trào yêu nước còn mang đậm màu sắc tư sản, tiểu tư sản, còn bó hẹp trong các tầng lớp trên, thì sau đó đã có tính chất giai cấp công nhân và đi vào quần chúng lao động. Tính chất này tác động vào những đảng viên Đảng Tân Việt như Hà Huy Tập và vào Khánh Hòa. Lớp thanh niên tiến bộ ngưỡng mộ tên tuổi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đón nhận ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga. Chính thời điểm này những thầy giáo như Hà Huy Tập đã tiếp thu tư tưởng cách mạng với chất lượng mới, đã truyền nhiệt huyết và kiến thức của mình cho những người mình dạy học và tiếp xúc.

Những hoạt động tích cực đó bước đầu đã cổ vũ, tập hợp được học sinh, thanh niên, đưa họ lên mặt trận đấu tranh mới. Trong hai năm 1925- 1926, trong giới giáo viên, học sinh, thanh niên Khánh Hòa đã có những hoạt động đấu tranh sôi nổi. Đáng chú ý là hai cuộc đấu tranh của giáo viên, học sinh, thanh niên mang tính chất toàn quốc là cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Trước những hoạt động sôi nổi của thanh niên, giáo viên, học sinh, chính quyền thực dân tỉnh Khánh Hòa tìm cách đối phó. Chúng điều động thầy giáo Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn ra các tỉnh phía ngoài. Bốn giáo viên khác ở Trường tiểu học Pháp - Việt Nha Trang cũng bị cách chức, một số học sinh bị đuổi học. Tuy hai thầy giáo Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn không còn hoạt động ở Khánh Hòa nhưng những tư tưởng cách mạng của các thầy đã thức tỉnh lòng yêu nước trong tầng lớp thanh niên, học sinh theo khuynh hướng cộng sản.

Từ những hoạt động tích cực của thầy Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn, những cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt đã bắt đầu nhen nhóm, gây dựng tại 2 địa phương trong tỉnh là thị xã Nha Trang và huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa). Ở Nha Trang, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt là các anh Bùi Giáo, nhân viên Sở Lục lộ; Nguyễn Khắc Tài nhân viên Sở Hỏa xa kiều lộ. Ở huyện Tân Định có anh Dương Chước, Lê Dung. Đây là những hạt giống cộng sản đầu tiên được gieo mầm trên đất Khánh Hòa.

Tháng 3/1927, Hà Huy Tập lại rời Vinh đi vào Nam và hoạt động ở Sài Gòn. Trong những năm 1927 - 1928, đồng chí liên lạc, tìm gặp những học sinh của mình ở Khánh Hòa vào Sài Gòn và trực tiếp làm giảng viên chính một số khóa huấn luyện chính trị do Kỳ bộ Nam kỳ tổ chức tại Sài Gòn. Đầu năm 1928, đồng chí Lê Dung được cơ sở của Đảng Tân Việt Khánh Hòa cử đi học lớp huấn luyện chính trị ở Sài Gòn. Khoá học này do đồng chí Hà Huy Tập làm giảng viên chính. Học xong đồng chí Lê Dung về lại Khánh Hòa làm nhiệm vụ truyền đạt lại cho các đảng viên ở tỉnh.

Trong những tháng cuối năm 1929, cả nước ta diễn ra cuộc đấu tranh để thành lập Đảng. Tổ chức Đảng Tân Việt ở Khánh Hòa nằm trong Liên tỉnh Ngũ Trang bao gồm 5 tỉnh cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên. Khi Tân Việt tự cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thì Liên tỉnh Ngũ Trang được chuyển thành một bộ phận của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Các cơ sở Đảng Tân Việt chuyển sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, củng cố các chi bộ, thành lập Tỉnh uỷ lâm thời do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư và gồm các đồng chí Lê Dung, Đỗ Long, Trương Hành - những đảng viên đầu tiên của Đảng Tân Việt ở Khánh Hoà khi Hà Huy Tập vào hoạt động ở Khánh Hòa.

Hệ thống tổ chức của Đảng bộ Tân Việt Khánh Hòa chuyển sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, rồi sau đó chuyển thành Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong thời gian ngắn và ngày thành lập chính thức của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa là ngày 24/2/1930 - ngày có quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906- 24/4/2011) là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường, trọn đời vì dân, vì nước. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại cho chúng ta bài học quý báu về lý tưởng cộng sản, tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu và phục vụ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa luôn luôn ghi nhớ công lao to lớn đồng chí Hà Huy Tập - Cố Tổng Bí thư của Đảng, người thầy giáo kính yêu đã góp phần to lớn trong thời kỳ đầu vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.

Các từ khóa theo tin:

Thu Hồng (CTV)


No comments:

Post a Comment