Saturday, May 21, 2011

07/05 Đặc sắc tư duy chiến lược của Đảng ta và Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

09:19 | 07/05/2011

Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

(ĐCSVN) - Nhằm đối phó với Kế hoạch Nava, tháng 9/1953, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 – 1954. Kết luận Hội nghị, Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng.

Tháng 10 năm 1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Hải Âu, đánh ra Tây Nam Ninh Bình. Trước tình thế đó, Đảng ta, một mặt, chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức chiến dịch tiến công, đập tan cuộc hành quân Hải Âu của địch; mặt khác, chỉ đạo kế hoạch tác chiến, đưa bộ đội chủ lực tiến quân lên Tây Bắc và tiến quân sang Trung Lào, phối hợp tác chiến với bạn. Phát hiện quân ta di chuyển lực lượng chủ lực lên Tây Bắc, tướng Nava buộc phải điều quân tăng cường bảo vệ Điên Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp khẩn cấp, sau khi nghe Quân uỷ báo cáo, đã quyết định mở chiến dịch Điên Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng quân uỷ. Với chủ trương nhằm vào chỗ địch mạnh nhất mà đánh là cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng ta đã thay đổi chủ trương chọn nơi địch sơ hở mà đánh (đề ra tháng 9 năm 1953). Đây là một quyết định sáng suốt, táo bạo, linh hoạt, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự, chính trị sắc sảo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ cách chọn này, ta đã phát huy được thế mạnh, hạn chế được chỗ yếu; đồng thời, chế ngự được mặt mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch. Với phương châm tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng các vùng đất và nhân dân; làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na va ở đồng bằng Bắc Bộ, quân chủ lực của ta được sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, đã mở nhiều đợt tiến công địch trên khắp chiến trường Đông Dương: từ chiến trường trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ đến các chiến trường phối hợp với bạn Lào và đã giành thắng lợi lớn; làm cho địch lún sâu vào thế bị động, cô lập, buộc phải phân tán đối phó với ta ở khắp các chiến trường. Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng và Bác Hồ thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của các chiến trường và kịp thời ra các quyết định điều chỉnh sách lược để biến quyết tâm thành hiện thực.

Khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (tháng 11 năm 1953), ta chủ trương thực hiện phương châm:“ đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng khi phát hiện thấy địch thay đổi, lực lượng của chúng được tăng cường, hệ thống phòng ngự được xây dựng kiên cố thì phương châm “ đánh nhanh, thắng nhanh” không bảo đảm chắc thắng nên Đảng và Bác Hồ đã quyết định chuyển sang phương châm mới: “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một chủ trương kịp thời, chính xác, thể hiện sự quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Bác Hồ “đã đánh là chắc thắng”. Để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm chỉ đạo quân đội, các cấp, các ngành, địa phương làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu thắng lợi; đồng thời, phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Những việc làm này đã có tác dụng động viên bộ đội rất lớn; quân ta ngày càng mạnh lên. Ngày 11 tháng 3 năm 1954, trong khi cả nước đang gấp rút chuẩn bị cho giờ nổ súng mở màn chiến dịch, Bác Hồ đã viết thư động viên và căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang...Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, nxb CTQG, H.1996, tr.265).

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, quân và dân ta chẳng quản hy sinh, gian khổ, sau 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt,máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm; ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ đỏ sao vàng bách chiến bách thắng đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Caxtri; quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương thời bấy giờ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối chính trị - quân sự sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu. Thành công nổi bật của đường lối chính trị - quân sự là Đảng và Bác Hồ là đã chọn đúng hướng tiến công chiến lược, nhằm đúng điểm huyệt yếu nhất của thực dân Pháp, buộc chúng phải tung quân lên Điện Biên Phủ, xây dựng nó thành tập đoàn cứ điểm mạnh nên đã phải phân tán lực lượng khắp chiến trường và do đó đã bị cô lập, không thể hỗ trợ cho nhau. Điểm yếu đó đã được Đảng ta và bác Hồ tận dụng triệt để, phát động tiến công, đánh địch trên khắp các chiến trường; làm cho chúng lâm vào tình thế hỗn độn, lúng túng, mất sức hợp tác chiến đấu, nhanh chóng suy sụp, đầu hàng. Việc dồn quân Pháp vào lòng chảo Điện Biên Phủ và có nhiều quyết sách táo bạo, kịp thời, sáng tạo, Đảng ta và Bác Hồ đã lãnh đạo và kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược bằng một Điện Biên lịch sử, chấn động địa cầu.

57 năm đã trôi qua kể từ ngày thực dân Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, rút quân về nước, thừa nhận nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Qua bao nhiêu thăng trầm, đổi thay; đất nước ta đã thống nhất, Nam Bắc xum họp một nhà; công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã dành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Mảnh đất, con người Điện Biên hôm nay cũng đang bừng lên sức sống mới, từng ngày thay da đổi thịt. Song, những gì đã xảy ra trên chiến trường Điên Biên Phủ năm xưa với những chiến công xuất sắc rất đáng để quân và dân ta tự hào, hãnh diện và chính điều ấy đã và đang nói lên bài học về chủ nghĩa yêu nước; ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược của Đảng và nhân dân ta, cho dù kẻ thù hung bạo, lắm tiền nhiều của, quân tướng hùng mạnh, vũ khí tối tân, hiện đại gấp ta nhiều lần.

Các từ khóa theo tin:

PGS.TS. Nguyễn Bá Dương (Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu I)

No comments:

Post a Comment