Monday, June 20, 2011

14/02 Áp lực cung - cầu gây khó vận tải biển


Thứ Hai, 14/02/2011 | 09:40
Sự phục hồi chưa bền vững, còn mang tính “mùa vụ” của thị trường vận tải biển của các doanh nghiệp trong năm 2010 khiến các chủ tàu trong nước chưa thể “yên lòng” trong năm 2011.
Cùng với những khó khăn do nguồn hàng hạn chế, thiếu ổn định, thị trường còn mang tính mùa vụ, giá cước hồi phục chậm, thất thường thì áp lực thừa tàu cũng đang đặt thêm gánh nặng lên vai các chủ tàu.


Thừa tàu không còn là nguy cơ
Căn cứ diễn biến thực tế trong năm 2009, 2010, Luật gia Tạ Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng hải Đông Đô nhận định khả năng hồi phục của thị trường vận tải biển vẫn kém hơn nhiều so với kỳ vọng và luôn chứa nhiều bất ổn, nhất là đối với những phân khúc thị trường mang tính chất dịch vụ trung gian cao như của Việt Nam. “Thị trường giá cước năm 2011 sẽ còn rất đen tối, tiếp tục bấp bênh và thiếu ổn định, nhất là trong 6 tháng đầu năm. Cũng theo ông Bình, các số liệu thống kê còn cho thấy nguy cơ dư thừa trọng tải toàn cầu đã và đang đến đúng như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo từ những năm trước.
Theo báo cáo của RS PLATOU OSLO, đến cuối tháng 12/2010, đội tàu biển thế giới đã có tới 412,5 triệu DWT tàu chở dầu, hóa chất cơ từ 10.000 DWT trở lên (trong đó 40,6 triệu DWT mới xuất xưởng); 553,5 triệu DWT tàu chở hàng khô cỡ từ 10 nghìn DWT (80,6 triệu DWT mới xuất xưởng); 14,7 triệu TEU tàu container chuyên dụng cỡ từ 1.000 TEU/chiếc trở lên (1,33 triệu TEU mới xuất xưởng).
Tổng Giám đốc CTCP Vận tải và thuê tàu (Vitranschart) Trương Đình Sơn cũng cho rằng, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm 2011, thấp hơn dự báo 3,6% trong năm 2010. Sự phục hồi kinh tế thế giới đã bắt đầu mất đà từ giữa năm 2010.
Các nước không phối hợp tốt chính sách tiền tệ là một nguyên nhân khiến thị trường trở nên bất ổn, tình trạng thất nghiệp cao, nợ công, lạm phát, giảm phát và hệ thống các ngân hàng suy yếu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự tăng trưởng toàn cầu. Sự hồi phục yếu ớt của nền kinh tế thế giới đã làm cho ngành công nghiệp vận tải ngày càng khó khăn. Thêm vào đó, một số lượng lớn tàu đóng mới đang dần tham gia vào thị trường càng làm cho cung cầu mất cân đối.
Cùng chung quan điểm với 2 người trên, ông Trần Thiện - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin cho rằng trong thời gian tới, vấn đề cốt lõi mà ngành vận tải biển cần giải quyết là sự tái cân bằng cung cầu năng lực vận tải. Cán cân cung - cầu này đã bị mất thăng bằng trong giai đoạn 2007 - 2008. Ông Thiện cung cấp số liệu thống kê của Maersk Brokers, theo đó, tổng trọng tải tàu đã được giao trong nửa đầu năm 2010 là 34,8 triệu tấn. Khoảng 55 triệu tấn được giao tiếp trong nửa cuối năm. Trong năm 2011, theo Maersk Brokers dự báo sẽ có gần 120 triệu tấn trọng tải tiếp tục được giao. Và với bối cảnh “ảm đạm” chung của ngành vận tải biển, số tấn trọng tải gia tăng này sẽ gây áp lực “thừa cung” lên thị trường.
Gỡ khó cách nào?
Khó khăn là không thể tránh khỏi song chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển không thể đóng cửa hay nằm chờ khó khăn đi qua. Vấn đề đặt ra là làm gì để giảm bớt khó khăn hiện tại, chuẩn bị lực cho tương lai khi thị trường đã trở nên sáng sủa hơn?
Ông Vũ Hữu Chinh - thành viên HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết theo đánh giá của các hãng vận tải lớn tại Diễn đàn chủ tàu châu Á diễn từ hồi cuối năm 2010 thì phải sau năm 2011 - 2012, đến năm 2013 - 2014, thị trường tàu hàng dời cỡ lớn từ 50.000 đến 100.000 mới có thể phát triển mạnh mẽ trở lại do cung cầu về loại tàu này đã dần được điều chỉnh hợp lý. Đối với vận tải container thì năm 2010, các chủ tàu khai thác cỡ trên 2.000 TEU hoạt động động trên tuyến vận tải xa giữa các châu lục đã cải thiện được kết quả kinh doanh sau một thời gian trầm lắng. Việc phát triển loại tàu container với sức chứa cỡ từ 2.000 - 3.000 TEU, hoạt động giữa các tuyến nội Á và Ấn Độ - vùng Vịnh, cỡ từ 4.000 - 6.000 TEU chạy thẳng giữa các châu lục như châu Á đi Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương... là một định hướng hợp lý trong thời gian tới.
Đối với hoạt động vận tải dầu, thị trường vận tải dầu thô và dầu sản phẩm vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn cung ứng dầu thô vẫn hạn chế trong khi lượng cung các loại tàu dầu, đặc biệt là cỡ 50.000 - 80.000 DWT đang vượt khá xa so với nhu cầu. Vì vậy, ông Chinh nhấn mạnh cần nghiên cứu và theo dõi hoạt động vậi tải tàu dầu một cách chặt chẽ để có kế hoạch phát triển cho phù hợp.
Thanh Bình
GIAO THÔNG VẬN TẢI

No comments:

Post a Comment