Saturday, July 9, 2011

Thêm thông tin Wikileaks rò rỉ về Việt Nam

Cập nhật: 04:04 GMT - thứ năm, 13 tháng 1, 2011

Hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trong lễ khai mạc Đại hội XI
Ngoài dự báo liên quan tới chức Tổng Bí thư, điện tín của Sứ quán Mỹ tại Việt Nam mà Wikileaks rò rỉ đưa thêm nhiều thông tin về lãnh đạo và tình hình chính trị trong nước.
Bức điện ghi dấu Bảo mật của Đại sứ Michael Michalak đánh đi từ Hà Nội hồi tháng Chín năm ngoái viết bắt đầu từ giữa năm ngoái, cuộc chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI đã được xúc tiến, với Hội nghị Trung ương 10 hoàn toàn tập trung vào công việc này. Hội nghị 9 trước đó đã bàn về nhân sự và chính sách đường lối.
Một tiểu ban chuẩn bị về nhân sự đã được thành lập, chính thức do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì nhưng do ông Hồ Đức Việt, trưởng ban Tổ chức Trung ương, điều hành. Tiểu ban này có trọng trách đưa ra danh sách ứng viên cho Ban Chấp hành TW mới, và tiếp đó là Bộ Chính trị.
Quá trình chọn lựa lãnh đạo mới bắt đầu công bố chính thức trong dư luận từ hội nghị toàn quốc cuối tháng Tám 2010, khi lãnh đạo Đảng các địa phương được phổ biến yêu cầu tổ chức đại hội Đảng các cấp.
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội cũng cung cấp chi tiết về giới hạn tuổi tác, đưa ra từ Đại hội IX (2011). Đó là 60 tuổi cho ủy viên Bộ Chính trị mới vào lần đầu và 65 cho người tái đắc cử.
Theo bức điện, giới hạn này đã được nới ra tại Đại hội X trong trường hợp ông Nông Đức Mạnh, người tái đắc cử vị trí tổng bí thư.
Tuy nhiên, Đại hội XI sẽ duy trì giới hạn tuổi tác và do vậy, năm chức ủy viên Bộ Chính trị của các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Gia Khiêm và Trương Vĩnh Trọng sẽ cần có người thay thế.
Điện tín nhận xét, tuy vậy trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng trúng cử chức tổng bí thư, thì ngoại lệ có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Chi, trưởng ban Kiểm tra Trung ương, được nói trong bức điện là "sức khỏe rất kém".

Cuộc đua vào vị trí đầu bảng

Cho dù bị chỉ trích, ông thủ tướng đã hình thành một sự kiểm soát chặt chẽ hệ thống các cơ quan nhà nước. Quan trọng nữa, ông Dũng được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, sự ủng hộ này dường như còn tăng lên trong đợt trấn áp bất đồng chính trị mới đây.
Điện tín rò rỉ trên Wikileaks
Hai ông Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang được nhắc tới một cách khá đồng thuận, là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí tổng bí thư.
Ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư, chức vụ tương đương Phó Tổng Bí thư, là nhân vật vào thời điểm tháng 9/2010 được cho là có khả năng thay thế ông Nông Đức Mạnh hơn cả.
Bức điện của ông Michalak nói bản thân ông Mạnh thời gian gần đây đã rút lui khỏi việc làm quyết sách mà chuyển sang công tác xây dựng nội bộ Đảng.
Bức điện dẫn lời Đại sứ Nhật Bản lúc đó là Mitsuo Sakaba, người tháp tùng ông Mạnh sang Nhật hồi tháng Tư, nói rằng ông tỏ hờ hững trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Taro Aso, không nói chuyện nhiều mà chỉ đọc bằng một giọng đều đều từ đầu đến cuối diễn văn dài 30 phút đã được trợ lý chuẩn bị trước.
Nhưng sau đó khi đi thăm một cơ sở nông nghiệp ở ngoại ô Tokyo thì trông ông sinh động hẳn lên.
Lý do có lẽ là, theo nhận định mà sứ quán Mỹ có, ông Sang đã đảm nhận nhiều công việc của ông Mạnh. (Báo Nhật Asahi trong một bài đầu năm 2011 được BBC giới thiệu cũng nói ông Trương Tấn Sang là nhân vật "thân Nhật Bản".)
TBT Nông Đức Mạnh rời ghế tại Đại hội XI
Theo điện tín bị rò rỉ, nếu không vào vị trí Tổng Bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều khả năng giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ.
"Thực tế, đây có thể là mục tiêu của ông bấy lâu nay."
"Cho dù bị chỉ trích, ông thủ tướng đã hình thành một sự kiểm soát chặt chẽ hệ thống các cơ quan nhà nước. Quan trọng nữa, ông Dũng được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, sự ủng hộ này dường như còn tăng lên trong đợt trấn áp bất đồng chính trị mới đây".
Bức điện cũng nhắc tới việc trong những tháng trước đó, báo chí đăng tải rộng rãi việc ông Nguyễn Tấn Dũng đã đi thăm một số quân khu và phát biểu tại nhiều buổi họp của Bộ Công an.
"Ông Dũng cũng có quan hệ rất thân chặt với Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh."

Nhân vật gây bất ngờ

Bức điện nói nếu dự đoán về hai ông Dũng-Sang mà trở thành hiện thực, thì đây sẽ là lần đầu tiên người miền Nam giữ hai vị trí quan trọng nhất của Đảng và Chính phủ.
Kể từ khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời năm 1986, vị trí tổng bí thư luôn do người miền Bắc nắm, vị trí thủ tướng trong tay người miền Nam.
Tuy nhiên điện tín dẫn lời một số bình luận gia cho rằng tính chất vùng miền càng ngày càng ít quan trọng, và ngay trong giới người miền Nam cũng có chia rẽ. Ví dụ ba ông Triết, Sang, Dũng đều từng làm lãnh đạo Đảng TP Hồ Chí Minh nhưng không nhất thiết họ là đồng minh của nhau.
"Song đánh giá của chúng tôi là việc hai vị trí thủ tướng và chủ tịch nước vào tay người miền Nam hồi năm 2006 đã khiến một số người miền Bắc vô cùng bức xúc."
"Mất cả hai chức tổng bí thư và thủ tướng (cho người miền Nam) là điều nhiều người không thể chấp nhận được."
Bức điện viết điều quan trọng cần nhớ là trong khi "chủ nghĩa vùng miền có thể gây chia rẽ, sự chia rẽ này càng ngày càng mất đi tính ý thức hệ mà chủ yếu về quyền lực, sự bảo trợ và tiền của."
Ông Nguyễn Sinh Hùng (bìa trái) trong cuộc họp Quốc hội
Ông Nguyễn Sinh Hùng liệu có gây bất ngờ?
Nhận định của sứ quán Mỹ là hai ông Sang và Dũng đều sẽ "không dễ bị loại ra khỏi cuộc đua" nhưng "nếu ai đó bị buộc phải từ bỏ tham vọng, thì có lẽ đó là ông Trương Tấn Sang".
Bức điện nhắc tới hai nhân vật được cho là có khả năng vào chức tổng bí thư trong trường hợp đó - Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa.
Còn nếu trong trường hợp ông Sang thắng thế trở thành tổng bí thư, thì chức thủ tướng có thể vào tay một người miền Bắc.
Số người phù hợp cho vị trí này từ nhóm người miền Bắc trong Bộ Chính trị còn ít hơn.
"Trong 20 năm qua, chức thủ tướng Việt Nam luôn được lấy từ các phó thủ tướng đương nhiệm. Trong số năm phó thủ tướng hiện nay chỉ có ba ông là ủy viên Bộ Chính trị."
"Trong ba ông đó, hai ông sẽ nghỉ hưu năm 2011, còn lại duy nhất Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng".
Điện tín của sứ quán Mỹ viết ông Hùng là người miền Bắc, nhân vật kỹ trị về kinh tế và là người ganh đua lâu nay với Thủ tướng Dũng.
"Thế nhưng bản thân ông Hùng cũng không được lòng nhiều người. Khi Quốc hội mới họp năm 2007 để chính thức bổ nhiệm các chức vụ trong Chính phủ, ông Nguyễn Sinh Hùng chỉ được 58% phiếu bầu, quá thấp nhất là khi 92% số đại biểu Quốc hội là Đảng viên Cộng sản.

No comments:

Post a Comment