11:31 | 11/08/2011
Chiếm tới 30% tổng ODA của Việt Nam, Nhật Bản được đánh giá là đối tác chiến lược của Việt Nam, là nhà tài trợ song phương ODA và là một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay với tổng số vốn đầu tư đăng ký chiếm khoảng 11% tổng FDI của cả nước. Một câu hỏi lớn đặt ra là với hậu quả nặng nề của động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản và nguồn vốn đầu tư sẽ chuyển dịch ra sao, Chính phủ Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì cho sự chuyển dịch đầu tư của đối tác chiến lược này - là những vấn đề đặt ra Hội thảo Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản và Xu hướng đầu tư ra nước ngoài vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Thực trạng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam
Có thể nói, Nhật Bản đã thoát khỏi thảm họa một cách rất ấn tượng. Tính đến thời điểm tháng 6.2011 sản xuất của Nhật Bản đã đạt 95%; xuất khẩu đạt 94%; tiêu thụ 98%. Dự kiến, 6 tháng cuối năm 2011 Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng dương. Đây là thông tin rất quan trọng đối với các nước thuộc khu vực đầu tư chiến lược của Nhật Bản trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam gần 1.500 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 21 tỷ USD, vốn thực hiện được gần 12 tỷ… Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì dự án chủ yếu có quy mô nhỏ, bình quân khoảng 7 triệu USD/1 dự án. Trong chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010, chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí chủ trương xây dựng Việt Nam trở thành một căn cứ gia công lắp ráp tại khu vực, gắn với chuỗi sản xuất của Nhật Bản. Với chủ trương này, 10 năm qua nhiều tập đoàn của Nhật Bản đã vào và tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở lắp ráp tại Việt Nam, từ đó cung cấp ra thị trường thế giới và khu vực. Hiện nay, Việt Nam cũng đã hình thành được một số khu công nghiệp chuyên sâu như Thăng Long 1 và 2 ở Hà Nội, Nomura Hải Phòng và ở TP Hồ Chí Minh. Các khu công nghiệp này hoạt động khá hiệu quả, nhưng chủ yếu thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực gia công, lắp ráp. Nhật Bản cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, phía Nhật Bản cử cố vấn chính sách doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức các khoá học thương mại tại Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản. Bên cạnh đó, cử tình nguyện viên cao cấp làm việc tại nước ngoài đến các doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp Việt Nam, tín dụng dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, tổ chức các buổi hội đàm thương mại liên quan đến cung ứng linh kiện…
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với những điểm yếu trong việc thu hút vào lĩnh vực gia công lắp ráp, đó là gia công lắp ráp đã làm cho nhập siêu tăng nhanh, giá trị gia tăng sản xuất trong nước thấp, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ rất hạn chế. Các nhà máy gia công lắp ráp quy mô lớn sử dụng nhiều lao động giản đơn dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động bắt đầu xuất hiện tại các khu công nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những chính sách thoả đáng nhằm phát triển mạnh khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước, vì vậy dẫn đến tình trạng mạng lưới lắp ráp trong nước đã hình thành mà không có doanh nghiệp phụ trợ bản địa cung ứng thiết bị phụ kiện đủ chất lượng nên họ vẫn phải nhập khẩu.
Giải pháp thu hút đầu tư Nhật Bản
Hiện nay, có một thực tế là một số doanh nghiệp đầu tư vào vào Việt Nam đang gặp khó trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp và một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến đầu tư vào Việt Nam là chất lượng nguồn lao động cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi và chưa thực sự tạo được các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư.
Về thực trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh để thành công trong thu hút các công ty của Nhật Bản phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế tạo, điều kiện cần có lúc này là nguồn nhân lực chất lượng cao, điều kiện hạ tầng phù hợp và phải chú ý phát triển các trường dạy nghề có chất lượng, đặc biệt cần phải đào tạo được nguồn lao động giỏi tiếng Nhật. Mặt khác, để phát triển các khu công nghiệp chế biến chuyên sâu đòi hỏi có sự hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản và Việt Nam, bảo đảm cung cấp mặt bằng và hạ tầng khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn và với giá thấp nhất để khuyến khích các doanh nghiệp của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đầu tư kinh doanh lâu dài.
Còn Giám đốc Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn thì cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có sự chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, tức là đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghệ cao do đó việc vận động tranh thủ cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng. Về phía Việt Nam cần phải tổ chức thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ ba khâu đột phá mà chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 2011 - 2010 của Việt Nam đã xác định. Trong đó 3 khâu đột phá gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết tốt các vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam nhằm tạo thêm lòng tin cho các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó cần tập trung chú ý đến giải quyết triệt để vấn đề cắt điện, đình công bất hợp pháp… Đồng thời, tiến hành vận động đầu tư tại Nhật Bản theo hình thức mới như hợp tác công - tư về cơ sở hạ tầng (PPP), chọn các dự án trọng điểm để vận động các tập đoàn cụ thể của Nhật Bản đầu tư. Hình thành các khu công nghiệp chuyên sâu về sản xuất chế tạo. Và một điều hết sức quan trọng là cần tạo ra các chính sách ưu đãi riêng, cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Có thể nói, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những cải tiến để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều hơn nữa và để nâng cao hiệu quả đầu tư cần phải có sự đổi mới hơn nữa trong đó có việc cải cách hành chính và nâng cao nguồn nhân lực.
Hà An
No comments:
Post a Comment