07:55 | 11/08/2011
- Tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII, QH đã phê chuẩn nhân sự Chính phủ mới. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ Khóa XIII đã có lời hứa đầu tiên trước QH. Phó chủ nhiệm thấy như thế nào?
Theo PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT TRẦN ĐÌNH LONG, nhiệm kỳ QH Khóa XII đã tìm được động lực phát triển trong sự thống nhất là bởi chúng ta đã đứng đúng vai. Một ĐBQH có khi kiêm nhiệm cả 3 vai vừa là ĐBQH, vừa là thành viên Chính phủ, vừa là đảng viên. Là thành viên Chính phủ phát biểu dưới góc độ nào? Là ĐBQH phát biểu dưới góc độ nào? Là đảng viên phát biểu dưới góc độ nào? Phải rất đúng vai thì vận hành của cả hệ thống chính trị mới mạch lạc, mới nhuần nhuyễn và đồng bộ. Với thành tựu đó, Phó chủ nhiệm tin tưởng, 5 năm tới sẽ là một nhiệm kỳ thực sự sung sức của QH, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Quốc hội có thể yên tâm…
Cá nhân tôi đánh giá cao sự chuẩn bị về nhân sự các thành viên Chính phủ của Thủ tướng. Thủ tướng đã lựa chọn và trình QH phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ đều là những người đã dạn dày kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong các lĩnh vực; cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này cũng có nhiều nhân tố mới, trẻ trung, có năng lực. Ngay khi được QH phê chuẩn, Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ phát biểu nhậm chức. Bản chất của phát biểu nhậm chức đó là lời hứa của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trước QH và trước quốc dân đồng bào. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm thực hiện những lời hứa của mình vì khi đã tuyên bố trước QH, trước nhân dân cả nước thì lời tuyên thệ đó không chỉ là trách nhiệm chính trị... Với tổ chức bộ máy được giữ nguyên như nhiệm kỳ Khóa XII, cùng với đó là sự nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm của Thủ tướng, của từng thành viên Chính phủ, tôi tin Chính phủ sẽ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó.
Với việc phê chuẩn nhân sự Chính phủ, QH Khóa XIII đã hoàn thành tốt đẹp trọng trách đầu tiên của mình là hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Tôi tin, 5 năm tới sẽ là một nhiệm kỳ thực sự sung sức của QH, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Ủy ban Pháp luật sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ đối với các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách.
- Thưa Phó chủ nhiệm, về cơ bản, cơ cấu bộ máy tổ chức của Chính phủ không thay đổi so với nhiệm kỳ Khóa XII. Vậy từ thực tiễn hoạt động của Chính phủ Khóa XII, Phó chủ nhiệm có lưu ý gì không?
Năm 2007, QH đã phê chuẩn để Chính phủ sáp nhập, sắp xếp lại một số bộ, ngành và tổ chức các bộ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thực tiễn 4 năm qua cho thấy, cơ cấu tổ chức Chính phủ đã được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn. Chủ trương tổ chức bộ máy Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thu gọn đầu mối đã cho thấy tính đúng đắn và đã bước đầu phát huy hiệu quả. Nhiệm kỳ Khóa XII, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức và điều chỉnh lại chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ. Song cũng còn một số hạn chế. Còn có tình trạng chồng chéo, trùng dẫm chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành. Việc hình thành các tổ chức trong nội bộ các bộ như Tổng cục, Cục... ở một số bộ cũng chưa hợp lý, có xu hướng phình ra. Bộ máy tuy có tinh gọn đầu mối cấp bộ nhưng trong nội bộ các bộ thì chưa giảm. Tình trạng khi một sự việc xảy ra thì không rõ trách nhiệm, bộ này đổ lỗi cho bộ kia vẫn chưa được khắc phục...
Khi thảo luận về cơ cấu tổ chức Chính phủ, QH cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó và Thủ tướng cũng đã giải trình, tiếp thu, hứa với QH sẽ chấn chỉnh nên tôi tin Thủ tướng và Chính phủ sẽ nỗ lực khắc phục được những tồn tại, hạn chế này, xây dựng một Chính phủ mạnh và bảo đảm hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống địa phương có sự phân công, phân cấp rành mạch. Ủy ban Pháp luật cũng đã khuyến nghị thêm một số vấn đề về tổ chức bộ máy mà Chính phủ cần tập trung xử lý trong nhiệm kỳ tới. Trong quá trình hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật sẽ giám sát việc thực hiện các nội dung này và những nội dung mà Thủ tướng đã có báo cáo tiếp thu giải trình tại Kỳ họp này trước khi QH phê chuẩn cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ mới.
- Phó chủ nhiệm vừa đề cập đến tình trạng không rõ trách nhiệm – vấn đề này khi chất vấn các thành viên Chính phủ Khóa XII hay khi thảo luận về các điều luật liên quan đến chức năng quản lý của các bộ, ngành, các ĐBQH khóa trước cũng đã nêu khá nhiều…?
Đúng là các ĐBQH tiền nhiệm đã nêu nhiều nhưng chưa thể khắc phục được ngay. Là vì quy định chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, có khi thiếu, có khi lại chồng chéo. Có những hiện tượng, những lĩnh vực phát sinh trong thực tế thì do chức năng nhiệm vụ của các bộ chưa rõ nên chưa kịp thời phối hợp với nhau. Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng về cơ cấu tổ chức Chính phủ cũng đã lưu ý Chính phủ phải có cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, phải có nhạc trưởngthống nhất đầu mối quản lý. Thủ tướng cũng đã khẳng định trước QH, xem đây là một trong những yêu cầu quan trọng để kiện toàn tổ chức bộ máy Chính phủ, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và đầu mối chịu trách nhiệm theo nguyên tắc một việc do một bộ chịu trách nhiệm và tăng thẩm quyền để các cơ quan này thực hiện được chức năng quản lý nhà nước.
Cần nói thêm là, thời gian 4 năm của nhiệm kỳ Khóa XII là giai đoạn nền kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến rất phức tạp. Điều hành của Chính phủ cũng phải tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn và xoay chuyển tình thế, đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái nên QH, Chính phủ, các cơ quan hữu quan chưa có thời gian, điều kiện để rà soát, tổng kết, rút kinh nghiệm và nghiên cứu, sửa đổi kịp thời những tồn tại, hạn chế trong tổ chức bộ máy. Nhưng nhiệm kỳ Khóa XIII, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức HĐND và UBND... - có thể yên tâm là Chính phủ sẽ có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức bộ máy của mình vì tôi nghĩ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ là người mong muốn bộ máy của mình vận hành trơn tru, mạch lạc và mạnh mẽ hơn ai hết.
Đúng vai thì vận hành của cả hệ thống chính trị mạch lạc, nhuần nhuyễn
- QH cũng rất mong muốn bộ máy của cơ quan hành chính cao nhất của cả nước sẽ vận hành trơn tru, mạch lạc và mạnh mẽ, thưa Phó chủ nhiệm?
Tất nhiên, vì khi bộ máy hành chính thông suốt và mạnh mẽ sẽ đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, sẽ tạo nền tảng để đất nước ổn định và phát triển. Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất và quyền lực nhà nước cao nhất thuộc về nhân dân, là của nhân dân. Các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp là phân công, phân nhiệm nên không có tình trạng đối trọng về lợi ích, thậm chí là tranh giành về quyền lực như ở một số nước khác. QH mạnh, Chính phủ mạnh, các cơ quan tư pháp mạnh thì đất nước mạnh, nhân dân được nhờ. Nhìn lại QH Khóa XII sẽ thấy, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là QH và Chính phủ đã cộng đồng trách nhiệm để cùng với cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước thoát khỏi tình trạng suy giảm kinh tế, duy trì ổn định xã hội và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nếu cả hệ thống chính trị không cộng đồng trách nhiệm, không thực tâm chia sẻ khó khăn và chung lưng đấu cật với nhau thì có lẽ chúng ta cũng khó đạt được những thành tựu như vừa qua.
- Như Phó chủ nhiệm chia sẻ, không có tình trạng cát cứ về lợi ích. Phó chủ nhiệm nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng, một trong những thành quả độc đáo của nhiệm kỳ QH Khóa XII là chúng ta đã tìm được động lực phát triển trong sự thống nhất...?
Như tôi nói ở trên, các nước là tam quyền phân lập và có cơ chế kiểm soát quyền lực rất rõ ràng. Còn ta, Đảng lãnh đạo toàn diện. Quyền lực nhà nước là thống nhất. Nhưng thực tiễn cho thấy chúng ta không vì thế mà triệt tiêu động lực phát triển. Nhiệm kỳ QH Khóa XII tìm được động lực phát triển trong sự thống nhất là bởi chúng ta đã đứng đúng vai của mình. Một ĐBQH có khi kiêm nhiệm cả 3 vai vừa là ĐBQH, vừa là thành viên Chính phủ, vừa là đảng viên. Là thành viên Chính phủ phát biểu dưới góc độ nào? Là ĐBQH phát biểu dưới góc độ nào? Là đảng viên phát biểu dưới góc độ nào? Phải rất đúng vai thì vận hành của cả hệ thống chính trị mới mạch lạc, mới nhuần nhuyễn và đồng bộ.
- Đến thời điểm này, QH Khóa XIII đã hoàn tất một trong nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ là hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước. Với QH nhiệm kỳ này, Phó chủ nhiệm kỳ vọng điều gì?
Tôi nghĩ nhiệm vụ lớn của QH là ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách pháp luật để điều chỉnh các hoạt động kinh tế xã hội, khắc phục những hạn chế, khó khăn của cuộc sống, tạo nền tảng để đất nước phát triển, người dân no ấm và hạnh phúc. Thực tiễn cuộc sống chính là năng lượng sống của QH. QH không thể tách rời sự vận động của cuộc sống. Nhiệm kỳ Khóa XIII, QH phải lấy mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình để khi QH xây dựng luật, ban hành các nghị quyết, phân bổ ngân sách nhà nước... đều phải tính toán toàn diện những tác động của các quyết định đó đến đời sống KT-XH.
QH cần xác định rõ những bước đi cụ thể nhằm tạo nền tảng pháp lý đầy đủ để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược mà Đại hội Đảng XI đã thống nhất. QH bám sát mục tiêu chiến lược của Đảng nhưng phải thực hiện đúng vai của mình. Một nhiệm vụ quan trọng nữa của QH là phải tạo ra cơ chế mới đáp ứng yêu cầu vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Xin cám ơn sự chia sẻ của Phó chủ nhiệm!
B. Long thực hiện
No comments:
Post a Comment