07:57 | 11/08/2011
Do phát triển kinh tế nhanh, dân số đông với cơ cấu độ tuổi trẻ, nước ta có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực phân phối. Nhiều đại lý thương mại đã được lập nên, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Đây là một khâu quan trọng trong quy trình cung cấp hàng hóa cho người dân, nên rất cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, để tránh những tranh chấp thương mại và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại lý thương mại có vai trò quan trọng trong việc đưa hàng từ nhà nhập khẩu, từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của người dân từ nông thôn, thành thị đến miền núi trong mọi nơi, mọi thời điểm. Ví dụ như trong lĩnh vực xăng dầu, 11 doanh nghiệp đầu mối của nước ta đã có 3.800 đại lý trực thuộc và 240 tổng đại lý, đại lý trực thuộc… Tuy nhiên, phần lớn số đại lý thương mại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với vốn điều lệ thấp, chủ yếu vay ngân hàng, cơ sở vật chất kinh doanh sơ sài. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng đã diễn ra tại các địa điểm này. Ngoài ra, việc mua đi, bán lại giữa các đại lý khi thiếu nguồn hàng cung ứng, đẩy giá bán lẻ thị trường tăng lên, gây bất ổn về giá vẫn tiếp diễn. Hiện có trên 90% các doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ làm đại lý, nhưng phát triển không theo quy hoạch. Một số đại lý đã găm hàng, chờ giá tăng, không chú ý đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Những hiện tượng này xảy ra là do mô hình này chỉ được quy định tại một số điều của Luật Thương mại năm 2005 và một số nghị định, thông tư. Chuyên gia cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Hoàng Đình Cường đề nghị, cần có hành lang pháp lý cho đại lý thương mại. Bởi quản lý một khâu trong hệ thống phân phối có thể giúp ổn định thị trường, cũng như phục vụ tốt cho sản xuất, đời sống.
Nhiều chuyên gia thị trường cho rằng, nếu xây dựng Nghị định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đại lý thương mại thì cần giải quyết rất nhiều vấn đề. Mỗi nhóm hàng hóa có đặc điểm khác nhau nên cần đưa ra thiết chế, quy định hợp lý để quản lý việc phân phối. Trước mắt ưu tiên quản lý đối với một số mặt hàng liên quan đến sản xuất, tiêu dùng thiết yếu đối với đời sống của nhân dân như xăng dầu, phân bón, lương thực, muối, xi măng, sắt thép, thuốc bảo vệ thực vật, tân dược… Đặc biệt là quy định các điều kiện ràng buộc giữa bên giao đại lý và đại lý trong bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hoá từ thành phố đến vùng nông thôn. Theo Luật sư của Công ty Luật Russin & Vecchi Việt Nam Ngô Việt Hòa, Luật Thương mại 2005 chưa có quy định cụ thể cho hoạt động đại lý thương mại, chỉ dừng lại ở các quy định chung. Nhiều vấn đề pháp lý phát sinh trong quan hệ đại lý chưa được điều chỉnh như xúc tiến thương mại, sở hữu trí tuệ, hạn chế cạnh tranh trong đại lý. Vì vậy, cần có quy định của pháp luật tổng thể hơn, bảo đảm quyền lợi của bên giao đại lý, đại lý trong hợp đồng đại lý, cũng như quyền lợi người tiêu dùng.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang gặp vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động đại lý thương mại như ở nước ta. Nhưng Liên minh châu Âu đã ban hành chỉ thị về Đại lý thương mại, với mục đích bảo đảm cân bằng lợi ích giữa bên giao đại lý và đại lý; đại lý có thể thương lượng hoặc ký kết hợp đồng trên danh nghĩa của bên giao đại lý trong quan hệ với hàng hóa của họ. Các vấn đề pháp luật liên quan đến đại lý thương mại đều được ghi rõ trong hợp đồng giữa hai bên, các quy định đình chỉ, chấm dứt thực hiện hợp đồng… Và có xử phạt nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chuyên gia Dự án Mutrap John Downes cho biết, tại nhiều nước trên thế giới đã quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của cơ sở sản xuất giao hàng và đại lý, cũng như nghĩa vụ thực hiện hợp đồng nghiêm túc. Các cam kết trong cung cấp hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại, điều kiện bán hàng, thanh toán... được quy định cụ thể để thị trường hoạt động lành mạnh. Như vậy, cơ sở pháp lý cho đại lý thương mại cần có các quy định để vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa mang lại sự công bằng cho thương nhân trong hoạt động trao đổi hàng hóa.
Việc rà soát lại hệ thống pháp luật về đại lý thương mại, kết hợp với kinh nghiệm quốc tế sẽ hỗ trợ cho các nhà quản lý nước ta trong việc phát triển và quản lý hoạt động đại lý thương mại tại Việt Nam, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả hơn.
Xuân Lan
No comments:
Post a Comment