Tuesday, August 23, 2011

23/08 Huy động vốn trong nước - yếu tố quyết định phát triển kinh tế

07:31 | 23/08/2011
Theo CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ NỢ VÀ TÀI CHÍNH ĐỐI NGOẠI NGUYỄN THÀNH ĐÔ, nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì vẫn phải chấp nhận việc vay nợ nước ngoài vì chúng ta không đủ vốn. Khi kinh tế phát triển hơn, tiềm lực kinh tế dồi dào hơn sẽ giảm dần các khoản nợ vay nước ngoài và chuyển sang huy động vốn ở trong nước là chủ yếu. Đó sẽ là hướng đi đúng.

- Thưa Cục trưởng, Cục trưởng đánh giá như thế nào về tỷ lệ nợ công của nước ta khi đang dần tiến sát ngưỡng 60% GDP?
Về giới hạn nợ công trên GDP thì từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ xác định được giới hạn. Trước đây trong chiến lược tài chính, chúng ta chỉ xác định tỷ lệ nợ trần của nợ nước ngoài trên GDP. Theo kiến nghị của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ nợ công là không quá 50% GDP. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia có đặt ra ngưỡng nợ công. Ví dụ, các nước EU đưa ra ngưỡng là 60% GDP. Còn ở nước ta trong thời gian tới đây có thể Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quản lý nợ công trong 10 năm từ 2010 - 2020 và tầm nhìn 2030, sẽ đề ra nợ trần trên GDP. Tính đến hết năm 2010 thì tỷ lệ nợ công trên GDP của chúng ta là khoảng 56%. Tỷ lệ này có người nói cao, có người nói thấp. Tuy nhiên cao hay thấp phải đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau chứ không thể chỉ nhìn vào một con số, vì đây là một chỉ tiêu tổng hợp và có tính tương đối. Chúng ta có thể thấy ở các nước có nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản nợ công đều trên 100% GDP cả. Các nước EU như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tỷ lệ cũng rất cao cũng 90% tới xấp xỉ 100%. Nếu so sánh tỷ lệ nợ công như vậy thì nợ công của Việt Nam chưa phải quá cao. Cho nên phải đánh giá nợ công so với quy mô nền kinh tế, khả năng trả nợ của nền kinh tế như thế nào. Cho đến nay có thể nói khả năng trả nợ của nước ta đối với các khoản nợ nước ngoài cũng như các khoản nợ trong nước vẫn thực hiện đầy đủ và hàng năm có kế hoạch vay trả nợ bình thường.
- Trong mấy năm gần đây, tỷ lệ nợ công được cho rằng tăng nhanh. Vậy, theo Cục trưởng, với thực trạng nền kinh tế hiện nay, tỷ lệ nợ công đang phản ánh điều gì?
Nhìn về tỷ lệ tăng nợ công trong mấy năm vừa rồi có thể thấy rằng, tốc độ tăng nợ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cho nên tỷ trọng nợ trên GDP tăng lên. Tuy nhiên đây cũng là điều dễ hiểu, vì hiện nay nền kinh tế đang thiếu vốn đầu tư, ngân sách tiếp tục bội chi, cần phải đầu tư phát triển cho nên phải đi vay. Thông thường khi đi vay, chúng ta tập trung đầu tư trong những năm đầu. Những năm đầu, tốc độ tăng nợ sẽ nhanh hơn và sau khi đầu tư xây dựng xong về cơ sở hạ tầng, ngân sách chúng ta tiến dần tới cân bằng thì lúc đó trả nợ dần và nợ sẽ đi xuống. Lúc đó chúng ta mới đánh giá được là có cần thiết vay hay không vay. Chúng tôi cho rằng tốc độ tăng vốn vay như hiện nay là bình thường đối với những nước đang trong quá trình phát triển.
- Một số cảnh báo cho rằng tỷ lệ vay nợ tăng cao trong khi hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR cao là một sự lãng phí và rủi ro?
Đây chính là vấn đề cần quan tâm nhất. Hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn vay là vấn đề chúng ta quan ngại. Hiện nay, chỉ số ICOR của chúng ta cao, phản ánh chỉ số sinh lời của đầu tư của toàn xã hội, không chỉ là nguồn vay của Chính phủ. Chỉ số này thể hiện sự cạnh tranh của nền kinh tế chưa tốt. Sắp tới đây chúng ta cần phải tập trung để làm sao vay được 1 đồng, chúng ta phải làm ra được 2 tới 3 đồng. Khi chúng ta có tỷ lệ sinh lời tốt thì khả năng trả nợ sẽ được cải thiện. Còn nếu chúng ta sử dụng nợ không hiệu quả thì chắc chắn gánh nặng nợ nần sẽ tạo nên áp lực cho tương lai, cho ngân sách và cho thế hệ mai sau. Làm sao cho tất cả các dự án sử dụng vốn vay phải bảo đảm đúng tiến độ và đạt được mục tiêu, hiệu quả mà chúng ta đề ra. 


Nguồn: vtv.vn

Trong cơ cấu nợ công, nợ nước ngoài là vấn đề rất được quan tâm. Bộ Tài chính công bố con số nợ nước ngoài là 32,5 tỷ USD tính đến hết năm 2010. Như vậy là chỉ từ 2009 - 2010, nợ nước ngoài đã tăng 4 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng này quá cao. Là cơ quan quản lý nợ quốc gia, Cục trưởng có nhận định như thế nào về vấn đề này?
Số nợ tăng lên này cũng nằm trong kế hoạch mà Chính phủ phê duyệt. Trong năm vừa rồi, chúng ta khởi công nhiều công trình. Chúng ta vay được những khoản vay lớn và phát hành thành công trái phiếu Chính phủ trị giá 1 tỷ USD để đầu tư phát triển. Ở đây cũng phải thấy rằng quá trình vận động vay vốn ở nước ngoài phải mất một khoảng thời gian. Nhưng khi giải ngân người ta sẽ tập trung giải ngân vào một vài năm, khi mà những công trình của chúng ta giải ngân nhiều. Tốc độ vay của năm vừa rồi cao hơn chứng tỏ là khả năng giải ngân của chúng ta trong năm vừa rồi tốt hơn.
- Mức tăng này có gây ra cho chúng ta sự lo lắng gì không?
Vay theo Chính phủ là chúng ta đã có kế hoạch và mục đích sử dụng rồi. Tất cả số vốn vay đều được thực hiện theo kế hoạch. Có thể có ý kiến lo lắng. Nhưng cho đến nay  mức nợ nước ngoài so với GDP đang ở mức 42,2% GDP vẫn đang ở trong giới hạn an toàn.
- Theo số liệu của Bộ Tài chính từ nay đến 2015 mỗi năm Việt Nam phải trả cả gốc lẫn lãi gần 1,5 tỷ USD, đến năm 2020 thì mức trả nợ sẽ đạt đỉnh 2,4 tỷ USD. Vậy đây có phải là sức ép đối với ngân sách nhà nước hay không?
Chúng ta vay để đầu tư phát triển kinh tế thì không phải nền kinh tế đứng một chỗ. Nền kinh tế sẽ lớn lên, ngân sách cũng sẽ lớn lên, nên phải đánh giá theo tỷ lệ tương đối, tức là tỷ lệ trả nợ của năm đó so với GDP, so với thu ngân sách. Nếu tỷ lệ đó tăng quá cao mới quan ngại. Còn nếu tỷ lệ tương đối vẫn giữ ở mức dưới ngưỡng an toàn thì không có nghĩa là việc chúng ta tăng trả nợ là gây áp lực lên ngân sách. Ngân sách của năm 2020 sẽ lớn hơn rất nhiều so với ngân sách của năm nay.
- Trong vay nợ nước ngoài thì rủi ro tỷ giá là rất lớn. Đầu năm nay khi thay đổi tỷ giá hơn 9%, cán cân thanh toán nợ của ta đã thay đổi rất nhiều. Cục trưởng có lo lắng không?
Trong vay nợ nước ngoài bao giờ cũng chứa đựng rủi ro về tỷ giá. Nếu chúng ta không vay thêm mà điều chỉnh tỷ giá thì cũng sẽ ảnh hưởng tới dư nợ trên GDP và khả năng trả nợ. Thời điểm đầu năm khi thay đổi tỷ giá hơn 9% thì đã làm tăng dư nợ của chúng ta trên GDP khoảng 2% mặc dù không vay thêm. Còn rủi ro tỷ giá thì khi vay nước ngoài phải chấp nhận. Chúng ta phải có sự chuẩn bị và lường trước. Trong quản lý nợ, rủi ro tỷ giá là thành phần trong quản lý rủi ro. Bộ Tài chính đã phát triển một số nghiệp vụ để quản lý nợ, trong đó có quản lý rủi ro tỷ giá.
- Vậy nên chăng là giảm vay nợ nước ngoài, thưa Cục trưởng?
Giảm vay nợ vẫn giữ được phát triển kinh tế là điều ai cũng mong muốn. Nhưng chúng ta phải đặt ra bài toán giữa tăng trưởng và vay nợ. Nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì vẫn phải chấp nhận đi vay nợ nước ngoài vì chúng ta không đủ vốn. Nếu chấp nhận giảm tốc độ tăng trưởng thì có thể giảm vay nợ. Tuy nhiên còn khía cạnh khác là cùng với số vay nợ đó là chúng ta quản lý tốt, chúng ta sử dụng hiệu quả hơn thì cũng giảm được vay nợ, tạo ra nguồn thu trả nợ tốt hơn. Chúng tôi cho rằng, cùng với sự phát triển kinh tế, sau này khi nền kinh tế phát triển bền vững thì nguồn tích lũy sẽ cao hơn và chúng ta sẽ chuyển sang huy động vốn ở trong nước là chủ yếu. Vay nợ nước ngoài sẽ dần dần giảm đi. Và đấy là hướng đi đúng. Vay nợ nước ngoài chỉ trong giai đoạn nào đó thôi còn vay nợ, huy động vốn trong nước dùng nội lực mới là vấn đề quyết định nhất trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
- Câu chuyện vay nợ của Việt Nam có thể rút ra bài học gì qua những gì xảy ra đối với nợ công ở Mỹ và châu Âu những ngày gần đây?
Mục tiêu vay nợ của Mỹ và châu Âu khác với ta. Chúng ta vay chủ yếu là để tập trung đầu tư phát triển. Còn các nước Mỹ hay châu Âu nhiều khi vay nợ để cho chi tiêu công của Chính phủ, chi tiêu thường xuyên, chi tiêu cho bộ máy hành chính. Tuy nhiên chúng ta phải thận trọng. Vay nợ quá nhiều là không tốt. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã thiết lập một hệ thống chỉ tiêu giám sát tình trạng nợ nước ngoài và nợ công ở tầm vĩ mô. Bộ Tài chính sẽ thường xuyên nắm số liệu giám sát, báo cáo, cảnh báo tình trạng nợ quốc gia. Nếu có những biến động hoặc có những sự mất cân đối lớn, chúng tôi sẽ cảnh báo và mục tiêu là luôn duy trì nợ ở ngưỡng an toàn.
- Vậy theo Cục trưởng đến thời điểm này đã cần phải cảnh báo gì hay chưa?
Chúng tôi nhận định rằng, hiện nay có một số khoản vay nợ sử dụng không hiệu quả cần phải có những biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ vay nợ của chúng ta vẫn ở dưới ngưỡng an toàn vẫn kiểm soát được. Chúng tôi đã trình lên Chính phủ chiến lược quản lý nợ công từ 2010 – 2020 tầm nhìn 2030, trong đó kiến nghị mức nợ trần về nợ công trong tương lai, sẽ cao hơn hiện nay. Sau này, qua mỗi thời kỳ chúng ta sẽ xem xét đánh giá lại quy mô của nền kinh tế, đánh giá lại sự hấp thụ của nền kinh tế đối với các khoản vay và đánh giá lại hiệu quả đầu tư thì chúng ta có thể điều chỉnh lại mức trần nợ công.
- Xin cám ơn Cục trưởng!
Tiến Đức thực hiện

No comments:

Post a Comment