Tuesday, August 23, 2011

23/08 Việc quản lý phải thống nhất thu về một mối



09:14 | 23/08/2011
Những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Lưu trữ là việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ, tổ chức lưu trữ, Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ, thời hạn được phép sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử...
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Phải thống nhất thu về một mối
Thứ nhất, quản lý phông lưu trữ, còn có vấn đề là để phông Đảng riêng hay phông tài liệu khối Nhà nước riêng? Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Ủy ban Pháp luật, về trách nhiệm quản lý phải thống nhất thu về một mối, còn để tài liệu ở đâu, có thể để ở nhiều chỗ khác nhau và trách nhiệm quản lý gắn với trách nhiệm sử dụng và quản lý tài liệu đó trong thời hạn được phép. Cách đặt vấn đề như vậy rất đúng.
Vấn đề thứ hai, về cấp quản lý lưu trữ, đến nay, dự án Luật đã làm rõ thêm phần ở cấp huyện. Trước đây có đặt vấn đề huyện cũng là một cấp hành chính, vậy tại sao lại chỉ có cấp Trung ương và cấp tỉnh. Riêng cấp xã là cấp thực thi rất nhiều về hộ tịch, về việc này, việc kia liên quan đến hồ sơ cá nhân, lưu trữ cũng chỉ có thời gian ngắn, những tài liệu có giá trị lịch sử ở cấp xã thực tế đã đưa về tỉnh rồi. Tôi đồng tình cách đặt vấn đề đó là đối với cấp huyện những tài liệu nào có giá trị lịch sử để nghiên cứu và lưu trữ, cấp có thẩm quyền quyết định rồi sẽ đưa về tỉnh. Như vậy sẽ giao trách nhiệm và sẽ rõ hơn nữa trong trách nhiệm đó là cấp quản lý lưu trữ chỉ có cấp Trung ương và cấp tỉnh, riêng đối với cấp xã, tôi đề nghị trong nghị định hướng dẫn thực hiện luật sẽ có một số nội dung hướng dẫn cho cấp xã sử dụng các tài liệu được lưu lại tại cấp xã, sau đó xử lý sau khi đã hết thời hạn.
Về thời hạn Điều 38 vẫn giữ nguyên như trước đây là 40 năm, 60 năm. Tuy nhiên, có những tài liệu tuy đã đủ 60 năm nhưng vì lý do nào đó chưa thể công bố thì có thể cho gia hạn thêm và cấp có thẩm quyền quyết định việc đó...
Chủ tịch HĐDT K’Sor Phước: Cơ quan quản lý tài liệu có thể đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian bảo mật 
Cơ bản tôi đồng tình cao với Tờ trình của Ủy ban Pháp luật. Ở Điều 30, thời gian giải mật. Trong những lần cho ý kiến trước, tôi có ý kiến phân loại tài liệu mật theo ba dạng, ba cấp độ: mật, tối mật, tuyệt mật. Do vậy tôi đề xuất đối với tài liệu mật sau khi hết thời gian sử dụng khoảng 10 năm có thể công khai nếu nó ở cấp độ mật bình thường. Còn loại tuyệt mật... thì có thể ở cấp 40 năm hoặc 60 năm. Còn loại đặc biệt nữa là nếu còn giá trị sử dụng thì có thể khi đó cơ quan quản lý tài liệu đề nghị tiếp tục kéo dài ngoài thời gian đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Có thể hạn chế bớt tài liệu quản lý sau 40 năm và 60 năm
Về thời hạn được phép sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử, tôi thấy ý kiến cơ bản chung của Ủy ban Pháp luật như vậy là hợp lý để vừa bảo đảm khi giải mật các tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật để đưa vào lưu trữ lịch sử cho hợp lý. Nhưng tôi thấy quy định sau thời hạn 10 năm đối với một số các loại tài liệu thì phải nộp vào lưu trữ lịch sử thì chỉ quy định một số loại tài liệu. Còn các loại tài liệu nếu không thuộc nhóm đó thì sau bao nhiêu năm cũng cần phải nghiên cứu kỹ thêm.
Thứ hai là trong nhóm tài liệu độ mật có 3 cấp mật: mật, tối mật và tuyệt mật. Đối với loại tài liệu mật mà sau 40 năm bắt đầu giải mật để lưu trữ lịch sử, tôi nghĩ loại tài liệu đã đóng dấu mật thì không nhất thiết phải có người quyết định để kéo dài thêm thời hạn 40 năm đối với tài liệu mật. Tài liệu mật thực ra cũng là quy định về độ mật của tài liệu mật cũng ở mức độ hạn chế, tức là hạn chế sử dụng, hạn chế đăng báo của một số nơi. Theo tôi có thể hạn chế bớt tài liệu quản lý sau 40 năm và 60 năm, chủ yếu là tập trung vào tài liệu tối mật và tuyệt mật. Sau thời hạn quy định thì cấp có thẩm quyền có thể kéo dài thời hạn không giải mật đối với loại tài liệu này. Tài liệu mật theo tôi đã 40 năm thì chắc là không đến mức độ phải xử lý, đương nhiên là theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật làm như thế này có thể nó sẽ “quét” được rộng hơn, xử lý được trường hợp nào đó đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ nếu đúng theo quy định thì 40 năm cho tài liệu mật cũng không lo vấn đề giải mật, có thể tự do để sử dụng và trong tự do sử dụng, trong quy định còn có một loại theo quy định của lưu trữ là dạng hạn chế sử dụng trong quá trình đã giải mật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Tôi băn khoăn về tổ chức lưu trữ
Về cơ bản, tôi nhất trí 5 vấn đề lớn mà Ủy ban Pháp luật đã trình. Tôi chỉ băn khoăn một chút về nội dung thứ hai, tổ chức lưu trữ. Cả nhiệm kỳ QH khi tôi tham gia đều thấy rằng khi có một luật thông qua thường thường sinh thêm tổ chức, riêng luật này lại ngược lại, giảm bớt. Phần giải trình trong này tôi thấy cũng chưa thực sự thuyết phục ở chỗ trong pháp luật trước kia quy định 3 cấp, bây giờ quy định 2 cấp, bởi vì nội dung ở cấp huyện chưa có nhiều và lâu nay chưa thực hiện được. Chẳng may sau này khoảng 5 năm, 10 năm nữa văn bản lưu trữ ở huyện nhiều lên thì lúc ấy lại phải sửa lại là cho cấp huyện tổ chức hay sao? Do đó theo tôi nếu đã quyết định một cách chính thức từ thời điểm này trở đi cấp huyện không có nữa thì giải trình một cách chặt chẽ hơn. Nếu không theo tôi cứ để 3 cấp, trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh và cấp Trung ương. Theo tôi nghĩ nên để ở 3 cấp nhưng không phải tỉnh nào, địa phương nào cũng đều thực hiện ở 3 cấp, tùy điều kiện cụ thể của địa phương có thể cho phép thành lập 3 cấp hay 2 cấp.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Nên quy định cụ thể thời gian kéo dài  
Tôi cơ bản nhất trí với các nội dung trong Tờ trình, tuy nhiên, tôi có ý kiến về thời hạn. Độ mật của thời hạn là 40 - 60 năm, đối với tài liệu mật cần thiết có thể kéo dài thêm. Việc không quy định thời lượng kéo dài thêm của thời gian đó tôi e rằng trong quá trình thực hiện có thể sẽ có cái kéo dài, thậm chí biết đâu có thời gian kéo dài quá mức. Theo tôi nên có những quy định về việc kéo dài thêm. Nếu để như thế này, không có một thời gian nào cả, kéo suốt thì nay mai làm thế nào, khai thác rất khó. Theo tôi nên cụ thể. Ví dụ, “anh” có thể kéo dài thêm nhưng không quá bao nhiêu năm. Phải có thời lượng, nếu không mở rộng quá nhiều khi các cơ quan lợi dụng vấn đề này thì không ổn.
Minh Vân lược ghi

No comments:

Post a Comment