Wednesday, August 31, 2011

31/08 Phản hồi bài viết Tiếng việt đang “dài” ra! “Dư thừa” có dư không?


Ngày 31.08.2011, 09:32 (GMT+7)

SGTT.VN - Bài viết về hiện tượng tiếng Việt ngày càng được sử dụng một cách dài dòng rối rắm của GS.TS Nguyễn Đức Dân trong số báo trước đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Trong các phản hồi này, có nhận xét của bạn đọc Chu Xuân Việt (vietubtn@...): “Bài rất tốt. Nhưng tác giả lại vô tình mắc phải lối nói dài này khi dùng “dư thừa” (dư nghĩa là thừa rồi)”…
Chúng tôi xin giới thiệu trả lời của tác giả bài báo về ý kiến này, vì trả lời của ông lại bắt sang một hiện tượng đáng chú ý khác trong tiếng Việt: từ ghép đẳng lập hai yếu tố đồng nghĩa!
GS.TS Nguyễn Đức Dân: Xin cám ơn bạn Chu Xuân Việt khi đọc bài Tiếng Việt đang “dài” ra! (SGTT, 29.8.2011) đã cho nhận xét về từ dư thừa liên quan đến một hiện tượng thú vị trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt có những từ ghép do hai từ đơn ghép lại. Từ ghép có nhiều loại:
Nhà gạch, nhà hàng, nhà máy… là những từ ghép chính phụ – tiếng đứng đầu là chính, tiếng thứ hai là phụ nhằm làm rõ nghĩa cho tiếng thứ nhất.
Nhà cửa, đường sá, chùa chiền, chợ búa, vợ chồng, ăn chơi… là những từ ghép đẳng lập – hai từ cùng loại ghép với nhau để tạo ra một từ cùng loại nhưng có ý nghĩa khái quát hơn. Tốt xấu, phải trái, trước sau, trên dưới, đi lại, thắng thua, được mất… cũng là những từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố trái nghĩa hợp với nhau thành một từ có ý nghĩa khái quát.
Trật tự những tiếng trong từ ghép là một hiện tượng rất thú vị liên quan đến triết lý của người Việt, đáng được thảo luận, nhưng chưa phải là đối tượng trình bày trong vài dòng ngắn ngủi này.
Tôi chỉ xin nêu một hiện tượng liên quan đến từ ghép đẳng lập hai yếu tố đồng nghĩa: có hàng loạt từ ghép hai yếu tố đồng nghĩa mà một thuộc phương ngữ Bắc bộ, một thuộc phương ngữ Nam bộ.
Có từ, tiếng Nam đặt trước, như dơ bẩn, chén bát, kêu gọi, dư thừa… Lại có từ tiếng Bắc đặt trước, như nông cạn, thứ hạng, tìm kiếm, đón rước… (tôi chưa giải thích được vì sao lúc thì tiếng Nam đặt trước, lúc tiếng Bắc đặt trước, ai biết xin chỉ giùm). Vậy những từ này không dư. Viết cho Sài Gòn Tiếp Thị là toà báo ở TP.HCM nhưng có bạn đọc cả ở Hà Nội. Vậy nên tôi có ý thức khi viết “dư thừa”. Nó không dư mà cũng chẳng thừa.
GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN
HÃY SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT CHO ĐÚNG
Xin nêu thêm một trường hợp nữa: khi báo cáo trong các phiên họp của Quốc hội, nhiều quan chức đã dùng từ tỷ trọng, như “Trong năm 2010 sản lượng lúa xuất khẩu đạt x triệu Mỹ kim chiếm tỷ trọng y% tổng số kim ngạch xuất khẩu”. Ở đây phải dùng từ tỷ lệ mới đúng, vì tỷ trọng là từ được dùng để so sánh trọng lượng riêng của một chất nào đó so với nước.
GS.TS.BS Hoàng Trọng Kim
Ngày nào tôi cũng lái xe và nghe VOV giao thông. Thật khó chịu khi nghe những cụm từ không chính xác tiếng Việt của nhà đài, như “các phương tiện tham gia giao thông”, “các phương tiện xe máy”, “các phương tiện ôtô”... Rồi biển báo giao thông “cấm các phương tiện rẽ trái”... Từ “phương tiện” được dùng sai với một mật độ dày đặc, chói tai.
Ngô Tuyến (ngotuyen1@...)
Đồng ý với phần lớn ý kiến của GS.TS Nguyễn Đức Dân, tuy nhiên câu hội thoại “Mục đích cô đến đây để làm gì?” rõ ràng là dư thừa, nhưng trong văn nói, sự dư thừa này là hợp lý và chấp nhận được. Nếu rút ngắn lại “Cô đến đây làm gì?” thì sắc thái của câu nói đã thay đổi, có thể sẽ không phù hợp trong đoạn hội thoại nữa.
Chu Văn Tài (chuvantai@...)

No comments:

Post a Comment