Ai là người giàu nhất Việt Nam? Kỳ 1: Từ chuyện một đại gia lịch lãm
Trong ấn tượng sâu đậm của tôi, Đào Hồng Tuyển là một ông chủ hào hoa. Ông bảo ông hào hoa theo nghĩa là một người rộng lượng, nhân ái, biết sẻ chia, cảm thông với người khác, nhất là những người thuộc phái đẹp
Ông thường mặc một chiếc áo sơ mi mầu hồng, lúc nào trông cũng trẻ trung, không có vẻ bận rộn, tất bật như nhiều ông chủ thời nay. Ông thường lái xe chở tôi đi, giới thiệu với tôi những nơi đang làm, đất đá còn ngổn ngang và những nơi sẽ làm trên đảo Tuần Châu.
Này là bến tàu du lịch có sức chứa 700 tàu; Này là sân Golf 36 lỗ (Liên doanh với Mỹ ); Đây là kênh nhân tạo dài 4 km giành cho các nhà tỷ phú và CLB du thuyền; Này là khu chung cư cao cấp; Hệ thống nghĩ dưỡng và Villa…
Mỗi lần đến đảo Tuần Châu , tôi lại nhớ cái lần bị bỏ lại trên hòn đảo hoang này.
Đó là vào đầu năm 1978 thì phải. Hồi đó tôi đang là phóng viên theo dõi vụ người Hoa ồ ạt ra đi …Tôi ra đảo Tuần Châu theo mấy quan chức địa phương, rồi vì mải mê hỏi chuyện người dân trên đảo, mấy quan chức địa phương tưởng tôi đã về đất liền theo tàu tuần tiểu của bộ đội biên phòng …
Một đêm ở lại trên hòn đảo hoang, bốn phía là sóng biển mênh mông. Đêm ấy tôi như không chợp mắt, nằm trong khoang thuyền của một người dân chài, tôi bị những con Dỉn cắn cho sưng tấy tay chân …Hôm sau người dân chài chở tôi vào bờ bằng con thuyền đánh cá của ông, phải đi mất già buổi sáng mới vào được trụ sở tỉnh đoàn Quảng Ninh.
Thế mà bây giờ, đảo Tuần Châu đã thành một khu du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới. Ra đảo Tuần Châu, được ngủ trong căn phòng của một trong những biệt thự sang trọng bậc nhất Việt Nam. Ngay cả trong giấc mơ lãng mạn nhất thời đó cũng không một ai có thể hình dung nổi.
Tôi thường nói với Đào Hồng Tuyển rằng, ông là người đầu tiên ở Việt Nam dám đắp một con đường nối đất liền với đảo.
Con đường đầu tiên nối giữa đất liền và đảo
Con đường ra đảo Tuần Châu nối liền với quốc lộ 18a dài 2.145 mét, rộng 15 mét với hai làn xe ô tô tuyệt đẹp. Ông “ Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển – chúng tôi thường gọi vui như vậy, theo tôi là người Việt Nam đầu tiên nghĩ đến các hòn đảo hoang, nơi sẽ là những “ Thiên dường du lịch” mà sau đó mấy năm nhiều đại gia đã “ Tiến quân ra đảo” biến những hòn đảo dọc bờ biển Việt Nam thành những khu nghỉ dưỡng tuyệt vời!
Ông cũng là nhà doanh nghiệp đầu tiên xậy dựng khu nhạc nước có vũ điệu và ánh sáng lade với 12.000 chỗ ngồi thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
Rồi câu lạc bộ Cá Heo, cá Voi trắng, Hải cẩu, sư tử Biển 2.500 chỗ ngồi với sân khấu đa năng cũng là một công trình có đầu tiên ở Việt Nam.
Đào Hồng Tuyển đã là người khai phá ra nhiều cái “ đầu tiên”, sau này dù có ai làm hơn ông, chắc thời gian cũng không thể quên người làm cái “ đầu tiên” trong làng doanh nghiệp. Lịch sử doanh nhân hẳn không quên ông về những ý tưởng đầu tiên này.
Tôi đã có một bài phỏng vấn về ông đăng trên báo. Ông cho biết, ông không phải họ Đào. Gốc gác của ông là họ Lý, một dòng họ vua chúa, quý tộc vùng Kinh Bắc, sau do những biến thiên lịch sử đã phiêu dạt nhiều nơi
(Có cả những người họ Lý sang tận Hàn Quốc, lập nghiệp, trở nên giàu có, đã về Việt nam nhận tổ tiên, mà báo chí đã đưa tin)
Ông từng là một người lính tham gia những chuyến tàu không số vận chuyển lương thực, khí giới vào miền Nam. Ông đã từng mơ trở thành một vị tướng tài, từng thấm cái nghèo, cái khổ sau chiến tranh, tài sản của ông có lúc chỉ là cái ba lô cũ sờn với mấy bộ quần áo lính và một đôi dép nhựa Tiền Phong đã bị kẻ cắp lấy mất khi ông ngủ quên trong vườn hoa Tao Đàn ngày mới xuất ngũ. Ông đã từng đi làm thuê, quét chuồng lợn cho một vị “cán bộ” …Ông bắt đầu kinh doanh từ ý tưởng gom những nhân viên “Thu dung” có học của chế độ cũ để sản xuất những chai nước khoáng đầu tiên ở miền Nam sau giải phóng. Những sản phẩn như nước khoáng Đảnh Thạch, phân bón Bình Điền …một thời cũng nổi danh và đem lại tiền bạc cho ông.
Khi ông tiến quân “ ra Bắc”, trở thành ông chúa đảo Tuần Châu, ông đã có trong tay gần chục triệu đô la. Khi ông mang số tiền đó đắp con đường vượt biển nối đất liền với đảo Tuần Châu, để biến hòn đảo hoang thành khu du lịch quốc tế nổi tiếng có người đã bảo ông “ điên”!
Tôi biết ông từ khi ông về TW Đoàn làm phó giám đốc công ty thương mại.
Nhưng biết ông nhiều là khi ông cùng chúng tôi tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2004 trên đảo Tuần Châu. Đó là cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam đầu tiên được truyền hình trực tiếp tới hàng chục triệu khán giả trong và ngoài nước.
Tôi nhớ cái đêm, trước đêm chung kết của cuộc thi, hơn 12 giờ đêm, Đào Hồng Tuyển còn lái xe đến nơi tôi ở. Hình như ông đã biết có một vài đơn tố cáo thí sinh, trong đó có những thí sinh sáng giá. Lúc đó ông cũng lo lắng không kém gì chúng tôi. Tôi bảo ông rằng, các cuộc thi người đẹp thường có một vài trục trặc như vậy, nhưng ban tổ chức đã cẩn trọng xác minh, thường là không có vấn đề gì.
Trong đêm tổng duyệt, Đào hồng Tuyển ở ngoài sân khấu hàng giờ đồng hồ. Khi mọi người đã về nhà hết, chúng tôi vẫn ngồi lại giữa những hàng ghế trống trong màn đêm thấm lạnh, trao đổi với nhau nhiều vấn đề.
Tôi hỏi trong những người đẹp dự thi, ông “ Chấm” thi sinh nào làm hoa hậu? Ông bảo: Chấm người nào là quyền của ban giám khảo, nhưng riêng tôi tôi thấy có hai thí sinh sáng giá nhất là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân.
Tôi biết ông là người có trách nghiệm và rất tế nhị. Ông yêu cái đẹp, cũng như tất cả chúng ta, yêu cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của người phụ nữ. Ông cũng là người “chịu chơi” theo nghĩa tốt của từ này. Khi ban tổ chức đặt vấn đề muốn có một máy bay lên thẳng để quay từ trên cao đêm chung kết, ông đồng ý ngay và làm mọi cách để có máy bay. Ông còn hứng khởi cho các thi sinh và ban giám khảo lên máy bay, bay mấy vòng trên vịnh Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên thế giới. Cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004 tổ chức tại Tuần Châu thành công tốt đẹp trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ông.
Sau đó ông còn tổ chức một cuộc gặp 100 người đẹp nhất thế giới và 100 người giàu của Việt Nam. Đêm đó tôi có dự, nó đã diễn ra thật hoành tráng, trên bãi biển tuyệt đẹp – bãi tắm được coi là đẹp và dài nhất Việt nam, dài 6 km trên đảo Tuần Châu.
Tôi nhận thấy ông là người dám nghĩ, dám làm, cả những điều mà người thường cho là viễn vông.
Văn hóa, văn nghệ trên đảo là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại
Ông cũng là người trong kinh doanh luôn chú ý đến yếu tố văn hóa. Trước đây ông còn nuôi cả một đội văn nghệ chuyên phục vụ cho khách đến đảo, và các bài hát chủ yếu là dân ca. Ngay cả kiến trúc của nhiều công trình trên đảo Tuần Châu ông cũng cho thiết kế theo kiểu truyền thống Việt nam.
Bên cạnh cái hiện đại, ông luôn chú ý đến truyền thống – những nét tinh hoa của nước Việt ngàn đời.
Tuần văn hóa ASEAN, cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc, nhiều cuộc thi Hoa hậu Việt Nam …đều được tổ chức ở Tuần Châu. Công ty Âu Lạc và khu Tuần Châu đã nhận được nhiều giải thưởng như: Khu du lịch đa năng số 1 Việt Nam, khu nghỉ dưỡng tốt nhất miền Bắc, giải thưởng kiến trúc Việt nam …
Ông cũng là đại gia có nhiều lời “ đồn thổi”! Tôi có đem một số điều thiên hạ đồn thổi hỏi ông. Người ta bảo ông nợ hàng ngàn tỷ đồng không trả được, rằng, ông đã bán đảo Tuần Châu cho Hàn Quốc?
Ông cười và khẳng định với tôi rằng hiện ông không nợ nần ai cả. Ông cũng cho biết, có một dạo ông thuê một công ty của Hàn Quốc quản lý và khai thác khu du lịch Tuần Châu, nhưng sau một thời gian, họ không làm được nên đã rút về nước.
Khi tôi hỏi Đào Hồng Tuyển rằng, có phải ông là người giàu nhất Việt nam không? Ông bảo, tài sản của ông là 2 tỷ đô la (Mỹ).
Buổi đầu tôi hơi ngạc nhiên! Hai tỷ đô la Mỹ đâu phải là nhỏ. Sao ông không lên sàn chứng khoán như nhiều đại gia khác?!
Ông nói rằng, ngoài đảo Tuần châu, với nhiều vila, biệt thự cao cấp, với nhiều công trình nghỉ dưỡng tuyệt vời bên bờ vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới, ông còn có nhiều đất đai ở thành phố Hồ Chí Minh và nơi khác. Ông có 14 công ty, 34 nhà máy, xí nghiệp với hàng vạn công nhân.
Ông có ba người con, cháu cả là Đào Anh Tuấn tu nghiệp ở nước ngoài về, hiện là tổng giám đốc công ty Âu Lạc. Hai cháu gái là Đào Thị Đoan Trang và Đào Thị Phương Thảo cũng đang công tác tại TP Hồ Chí Minh.
Tôi đã nhiều lần trò chuyện với chị Đỗ Minh Nguyệt, vợ ông, một người phụ nữ thật dễ mến. Người ta thường nói phía sau sự thành đạt của người đàn ông, thường có một người đàn bà. Vợ ông có lẽ là người phía sau ấy!
Có hai câu hỏi tôi định hỏi ông, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa hỏi!
Đó là ông sẽ quản lý thế nào để khai thác có hiệu quả nhất khu du lịch tuyệt đẹp Tuần Châu trong thời gian khủng khoảng kinh tế khó khăn này khi mà ở đây thời tiết không cho phép khách du lịch Việt nghỉ được 4 mùa như ở Nha Trang, Đà Nẵng?
Và, vì sao Á hậu Trịnh Chân Trân, người được trao danh hiệu NGƯỜI ĐẸP TUẦN CHÂU tại cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004, đã về làm phó tổng giám đốc cho ông ở Tuần Châu, đã sớm ra đi như vậy?
Theo Dương Kỳ Anh
Tamnhin.net
No comments:
Post a Comment