Tuesday, October 4, 2011

04/10 Chuyên gia quốc tế ủng hộ Việt Nam tái cơ cấu đầu tư

ANH QUÂN
04/10/2011 14:57 (GMT+7)
pictureSẽ tiếp tục có nhiều công trình, dự án bị đình hoãn, giãn, cắt giảm để bố trí vốn tập trung cho các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành.
Tái cơ cấu là câu chuyện dài hạn và quá trình chuyển đổi phải có trả giá”, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) phát biểu tại hội thảo tham vấn ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 4/10.

Mức tăng trưởng GDP bình quân 6,5% cho giai đoạn 2011-2015 như kịch bản “khó khăn” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra được nhiều ý kiến đồng thuận hơn cả. Cũng có nghĩa, kịch bản thuận lợi với GDP bình quân tăng 7% hơi phải “kiễng chân”.

“Tăng trưởng 6,5% là hợp lý hơn. Con số đó có vẻ khiêm tốn nhưng Việt Nam cần quan tâm giai đoạn sau như thế nào nữa”, đại diện của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nêu quan điểm. Theo vị này, Việt Nam nên đặt mục tiêu tăng trưởng thấp cho các năm trước mắt để chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho tăng trưởng cao hơn giai đoạn sau 2020.

Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị đã 3 năm. Nhiều tổ chức quốc tế, đại diện các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế chia sẻ sự đồng tình với những quan điểm, định hướng và mục tiêu lớn mà Bộ đưa ra lấy ý kiến lần này.

Sự cần thiết phải có một bước chuyển đổi là quan điểm chung, tình hình thế giới và trong nước đều được tính đến, đồng thời, tái cơ cấu đầu tư là cụm từ được sử dụng ở nhiều ý kiến phát biểu của đại diện cả hai phía: quốc tế và trong nước.

Góp ý vào dự thảo, đại diện WB dẫn một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để lưu ý những người lập kế hoạch cho nền kinh tế 5 năm tới, tăng trưởng thực tế của Việt Nam gần đây đã vượt quá tiềm năng. Cụ thể là cao hơn khoảng 1,7 điểm phần trăm.

“Cầu vượt cung. Nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng và lạm phát là hệ quả mà Việt Nam phải đối mặt”, ông nói. 

Bình luận thêm, vị đại diện WB cho rằng, đây là điểm khiến lạm phát ở Việt Nam tăng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, dù cùng quy mô kinh tế và chịu chung tác động từ tình hình thế giới.

Không còn dư địa để “kích cầu”, nếu tiếp tục tăng trưởng dựa vào tín dụng và đầu tư lớn như giai đoạn trước thì hậu quả sẽ tiếp tục là lạm phát tăng cao. Bước chuyển đổi thời gian tới được nhiều ý kiến khuyến cáo: cần sử dụng nguồn lực vốn hạn chế hơn nhưng hiệu quả phải được nâng lên.

“Vấn đề hiện nay là hiệu quả đầu tư chưa cao, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần ưu tiên tái cơ cấu đầu tư, trong đó có đầu tư công”, đại diện WB nói.

Phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau những lần tham vấn ý kiến quốc tế, nhiều nguyên tắc cho quá trình tái cơ cấu đầu tư cũng đã được đề cập trong dự thảo kế hoạch 5 năm 2011-2015, đáng chú ý là những thay đổi ở tư duy.

Hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém - một trong những thách thức trong quá trình phát triển - đang khiến những quan điểm ủng hộ tái cơ cấu đầu tư cần nhiều hơn lòng dũng cảm. 

Nhưng nhìn thẳng vào những vấn đề nổi lên hiện nay của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian tới sẽ phải từng bước điều chỉnh cơ cấu theo hướng giảm dần đầu tư công. Và để bù lại phần cắt giảm này, các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước sẽ được tăng cường huy động.

Điều chỉnh lớn trong bức tranh đầu tư giai đoạn tới là sẽ tiếp tục có nhiều công trình, dự án bị đình hoãn, giãn, cắt giảm để bố trí vốn tập trung cho các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành. Cho nên, yếu tố hiệu quả được đặt ra trong bối cảnh chi đầu tư sẽ không còn “rộng rãi” như trước.

Với quy chế phân cấp quản lý đầu tư, Bộ cho rằng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ở từng cấp ngân sách.

“Việc xác định nguồn và cân đối vốn phải được coi là nội dung quan trọng trong hồ sơ dự án và thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói thêm.

Cũng theo Bộ, Việt Nam sẽ tiến hành những cải tiến về xây dựng kế hoạch đầu tư. Cụ thể là sẽ cân đối nguồn vốn cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án, ít nhất từ 3-5 năm trong kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, thay vì bố trí kế hoạch vốn từng năm như hiện nay.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Trịnh Phúc Tuấn
    13:51 (GMT+7) - Thứ Tư, 5/10/2011
    Tái cơ cấu đầu tư bắt đầu từ đâu? Nó phải bắt đầu từ tái cơ cấu tư duy quản lý và tái cơ cấu chính trị. 


    Tất cả các quốc gia, các nền kinh tế hoặc ở cấp độ công ty khi gặp khủng hoảng đều phải tái cơ cấu. Mục đích của việc tái cơ cấu là đảm bảo cho việc hoạt động hiệu quả hơn, quản lý tốt hơn và minh bạch hơn. Các nền kinh tế mới nổi dù áp dụng mô hình phát triển nào, khi đến ngưỡng đều gặp phải khủng hoảng và phải tái cơ cấu để tiếp tục tăng trưởng, phát triển. 


    Tất cả mọi người đều đồng thuận ở câu hỏi tái cơ cấu để làm gì? Để hiệu quả hơn, minh bạch hơn, tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Nhưng có sự chia rẽ trong việc xác định ưu tiêu và thứ tứ thực hiện cũng như ngay cả xác định động lực của việc tái cơ cấu? 


    Vì sao tôi nói tái cơ cấu đầu tư phải bắt đầu từ cái cơ cấu tư duy và cơ cấu chính trị. Mọi người đều nhất trí là tái cơ cấu đầu tư phải bao gồm nhiều việc nhưng cụ thể phải gồm có: tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân sách, tái cơ cấu nợ quốc gia và đầu tư công. 


    Vậy nếu không làm rõ vấn đề tiếp tục thực hiện chủ trương bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (theo pháp luật trên mặt danh nghĩa văn bản) hay tiếp tục vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh (theo Nghị quyết Đại hội Đảng và Chiến lược phát triển), xác định tách bạch rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là quản lý, chiến lược hay bao hàm cả kinh doanh, xác định rõ vấn đề công hữu hay tư hữu các nguyên liệu sản xuất chủ yếu (đất đai, khoáng sản, công nghệ), tăng cường tính minh bạch của các cơ quan công quyền và chế độ trách nhiệm của quan chức trong vấn đề lập kế hoạch, phân bổ và thực hiện ngân sách, vấn đề vay nợ và quản lý đầu tư công thì việc tái cơ cấu đầu tư chỉ là một hình thức thay đổi bình mới rượu cũ.
  • Mai Thanh Tùng
    09:59 (GMT+7) - Thứ Tư, 5/10/2011
    Tái cấu trúc đầu tư như thế nào? 


    Thứ nhất: Phải giải quyết vấn đề con người. Chọn người có năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là tiền đề then chốt cho các bước tiếp theo. Người nào dám ký cam kết trách nhiệm sử dụng vốn với những chỉ tiêu hiệu quả cụ thể thì hãy ngồi vào ghế nóng sử dụng vốn. Nếu không thực hiện được thì xử lý cá nhân thế nào? 


    Thứ hai: Giải quyết vấn đề cơ chế quản lý vốn. Bao gồm hệ thống báo cáo minh bạch và giám sát liên tục chặt chẽ, công khai cho dân chúng có thể kiểm tra. 


    Thứ ba; Đầu tư kinh tế có chọn lọc. vốn có hạn mà nhu cầu đầu tư giường như là vô hạn, trước mắt nên ưu tiên một số lĩnh vực như: 


    - Kinh tế biển bao gồm hải sản và dầu khí 


    - Công nghệ thông tin bao gồm phần mềm và khai thác giá trị gia tăng internet 


    - Hạ tầng giao thông Hà nội và TP HCM 


    - Nâng cấp chất lượng du lịch gồm con người phục vụ và sản phẩm tour

No comments:

Post a Comment