Tuesday, October 4, 2011

04/10 Kinh tế vĩ mô ổn định thì mới tăng trưởng

07:33 | 04/10/2011
Nghị quyết 11 của Chính phủ nhấn mạnh đến việc thắt chặt chính sách tài khóa, nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó cắt giảm đầu tư công là biện pháp rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ỦY VIÊN UB KINH TẾ, TS TRẦN DU LỊCH, cần thay đổi phương thức phân bổ nguồn vốn đầu tư, dựa trên nguyên tắc hiệu quả. Cách phân bổ vốn như thời gian qua không hợp lý.


Nguồn: 24h.com.vn

Thưa Ông, Ông nhìn nhận như thế nào về kinh tế Việt Nam sau 3 quý của năm nay?
Bước vào năm 2011 chúng ta đứng trước những thách thức rất lớn. Thách thức thứ nhất là đứng trước nguy cơ tái lạm phát cao mà ngay từ tháng 1 chỉ số giá bắt đầu tăng rất mạnh.Thứ hai là, đồng tiền mất giá, tỷ giá hối đoái tăng rất cao từ quý IV.2010. Thứ ba, bên cạnh nguy cơ lạm phát và mất giá VNĐ, là tình hình lãi suất cao. Thứ tư, chúng ta kéo dài quá lâu tình trạng bao cấp giá điện và đặc biệt là chậm điều chỉnh giá xăng dầu. Thứ năm, đầu năm 2011 thị trường giá lương thực thế giới tăng rất cao, nhất là giá thực phẩm tác động vào thị trường trong nước làm tăng giá.
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta thấy rằng sau 7 - 8 tháng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, xu hướng lạm phát, nhất là chỉ số tiêu dùng đạt cao nhất vào tháng 4 và bắt đầu giảm dần. 2 tháng vừa qua mỗi tháng tăng dưới 1%. Tỷ giá VNĐ đã ổn định sau khi điều chỉnh 9,3% về tỷ giá đầu năm, đã chống được đầu cơ và chống thị trường ngoại tệ chợ đen. Mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô đã đạt được những kết quả nhất định theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 khi chúng ta chống lạm phát, dùng các biện phát siết chặt việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng giảm dư nợ tín dụng giảm cung tiền để giảm tổng cầu nền kinh tế. Chúng ta cũng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP gần 5,8% trong 9 tháng đầu năm. An sinh xã hội cũng giải quyết được một bước. Tới thời điểm này, tuy còn nhiều khó khăn thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam bắt đầu một dấu hiệu vĩ mô khá hơn. Kỳ vọng có thể kiềm chế được lạm phát.
- Nhập siêu trong 9 tháng năm nay đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ông, đây có nên được cho là tín hiệu vui đối với nền kinh tế?
Hiện tượng nhập siêu giảm và dự kiến nhập siêu năm nay chỉ còn 13 - 14% so với xuất khẩu. Đây là một dấu hiệu khá tích cực nhưng chưa căn bản. Bởi, với chính sách giảm đầu tư, giảm đầu tư công, giảm chi, giảm tổng cầu thì đương nhiên nhập khẩu giảm theo. Giảm nhập khẩu không phải do chuyển biến tích cực của nền kinh tế, nâng giá trị gia tăng, giá trị nội địa lên làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn, xuất khẩu hiệu quả hơn dẫn đến giảm nhập siêu; mà vấn đề là do giảm tổng cầu, giảm đầu tư, giảm nhập siêu. Thành ra, nhìn hiện tượng thì mừng nhưng bản chất vấn đề thì không thể mừng. Bởi chúng ta chưa giải quyết căn cơ vấn đề nhập siêu. Nhập siêu vẫn còn là vấn đề phía trước.
- Dòng vốn FDI đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm chỉ bằng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người cho rằng, giảm vốn FDI thể hiện sự xấu đi của kinh tế vĩ mô Việt Nam và sẽ ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế trong những tháng cuối năm?
Tổng đầu tư xã hội năm nay giảm rất mạnh. Trước đây tổng đầu tư toàn xã hội là trên 44% GDP nhưng năm nay dự kiến chỉ còn 34 - 35%, năm tới tiếp tục giảm nữa. Trong tổng đầu tư toàn xã hội thì đương nhiên có một phần đầu tư của Nhà nước giảm, nhưng khu vực tư nhân và nước ngoài cũng sẽ phải giảm. Ở đây tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế thì nguồn vốn FDI cũng phải định hướng tái cấu trúc. Chúng ta phải đánh giá lại những cái được và chưa được trong lĩnh vực FDI để tính toán lại một cách tổng thể vấn đề, chứ không nên thấy hiện tượng tăng giảm để mà thiếu định hướng thu hút FDI.
- Ở một số địa phương xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp FDI vay vốn của các ngân hàng trong nước đầu tư, làm ăn thua lỗ rồi bỏ về nước. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Thời kỳ chúng ta thu hút nguồn vốn FDI bằng mọi giá đã qua. Ngay trong việc thu hút vốn FDI hiện nay, tôi đề nghị phải nên tính kỹ vì với danh nghĩa là doanh nghiệp FDI; nhưng chưa hẳn doanh nghiệp FDI đã mang tiền vào, mà họ vay vốn ngay trong nước. Vì vậy, khi chúng ta thống kê là doanh nghiệp FDI giải ngân thì cần làm rõ nguồn vốn là bao nhiêu % họ đưa vào, bao nhiêu % vay trong nước. Nếu như chúng ta hướng vào việc sử dụng FDI để giải quyết vấn đề công nghệ, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, nâng giá trị gia tăng hay là phát triển công nghiệp phụ trợ.... thì nguồn vốn FDI đưa vào đầu tư tuy là tiền của doanh nghiệp nước ngoài nhưng xét trên bình diện quốc gia vẫn là nợ quốc gia. Phải tính hiệu quả chung của nền kinh tế trong FDI. Cần một chiến lược FDI gắn với chiến lược 10 năm 2011 – 2020 mà chúng ta đang xây dựng. Quan điểm nhận thức về FDI phải thay đổi để có chính sách phù hợp.
- Các doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước là trụ cột đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm nay hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhà nước lại thua lỗ tương đối lớn?
Tôi tin rằng kế hoạch 5 năm 2011- 2015 sẽ đề cập đến những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn nhà nước. Phải đặt lại đúng vai trò của các tổ chức kinh tế nhà nước. Tổ chức kinh tế nhà nước, vai trò của nó là để bổ sung những khuyết tật của thị trường chứ cách làm như lâu nay là không đúng. Yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện - phải công khai minh bạch, có cơ chế giám sát, tránh tình trạng không biết lời hay lỗ và khi xảy ra sự cố thì mới thấy thua lỗ, thất thoát.
- Tuy nhiên, tính tới tháng 8 của năm nay con số mà các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành là không nhỏ, khoảng 22.590 tỷ. Ông nhìn nhận chuyện này thế nào?
Đầu tư ngoài ngành hay trong ngành không phải là gốc vấn đề. Vấn đề là lập ra tổng công ty, tập đoàn nhà nước để làm gì? Nếu lập để thực hiện chức năng của Nhà nước thì cách làm khác, cơ chế khác. Còn nếu lập ra để kiếm lời và làm cái gì miễn là có lời thì quan điểm khác. Ở đây chúng ta dường như chưa rõ về vấn đề này. Hiện nay tự các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc về hướng phục vụ cho hoạt động chính. Nếu doanh nghiệp nào cảm thấy tự thân không tồn tại được thì nên xử lý. Nhà nước không dùng tiền ngân sách để can thiệp vào. Hiện nay một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước bảo lãnh vay nợ, Nhà nước phải tính toán rõ ràng về khoản này. Nhưng theo quan điểm của tôi, không bao giờ ủng hộ việc Nhà nước đi trả nợ thay cho doanh nghiệp nhà nước với tư cách là người bảo lãnh. Đây là vấn đề không thể chấp nhận được.
-Thưa Ông, trong Nghị quyết 11 của Chính phủ việc thắt chặt chính sách tài khóa, trong đó cắt giảm đầu tư công là biện pháp rất quan trọng. Vậy, theo Ông từ đầu năm đến nay hiệu quả thực sự của cắt giảm đầu tư công như thế nào?
Thực hiện Nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công, theo cách làm hiện nay chỉ là biện pháp tình thế. Cái cơ bản là thay đổi phương thức phân bổ đầu tư công. Nếu chúng ta cứ duy trì cách phân bổ đầu tư như lâu này thì năm nào cũng phải cắt giảm. Cắt giảm không phải là điều tốt nếu chúng ta đã bố trí đúng. Hiện nay chúng ta cũng chưa đánh giá được tác động ngược lại của việc cắt giảm những dự án vừa qua. Tôi đi thực tế, thấy có nhiều trường hợp là do việc cắt giảm đầu tư một cách máy móc làm cho những dự án, những công trình đang đầu tư lại thành công trình vốn chết không phát huy hiệu quả. Qua việc cắt giảm tình thế của năm 2011, theo tôi, chúng ta cần thay đổi phương thức phân bổ nguồn vốn, phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả, chứ cách phân bổ vốn như vừa qua là không ổn ngay từ cách phân bố vốn đầu tư.
- Vậy trong quý IV và năm 2012 thì câu chuyện đầu tư công cần phải thực hiện như thế nào?
Vấn đề là bố trí đúng, làm đúng kế hoạch mới là tốt. Bố trí sai, rồi cắt tràn lan mới sinh chuyện. Chưa kể nhiều công trình do không triển khai tiếp nên công trình sau không làm khiến công trình trước không hiệu quả. Cầu làm xong đường không có, nhiều nơi do trước đây làm tràn lan ra bây giờ cắt nên cái gì cũng thiếu. Đây là tác dụng phụ, cần phải tổng kết đánh giá.
- Vậy, khuyến nghị của Ông về nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2011 là như thế nào?
Những tháng còn lại sẽ không có vấn đề lớn nếu tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ. Chính sách tiền tệ chưa nới lỏng, cũng chưa thể nới lỏng chính sách đầu tư công. Chúng ta tiếp tục kiên trì các giải pháp này để lạm phát không tái diễn và mục tiêu lớn nhất chúng ta đặt ra là  đến  năm 2012 phải kéo lạm phát về 1 con số. Như vậy, chúng ta mới tính toán lại các chính sách khác để bảo đảm từng bước đi vào ổn định vĩ mô. Nếu kinh tế vĩ mô chưa ổn định thì chúng ta không thể bàn vấn đề tăng trưởng ở đây.
- Xin cám ơn Ông!
Nhất Nguyên thực hiện

No comments:

Post a Comment