Monday, October 10, 2011

[HUYET-HOA] Trung Quốc ‘lật tẩy mưu đồ’ của Mỹ

Mặc cho những lời lẽ bóng bẩy của Mỹ về sự vui lòng đón nhận một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, giới học giả Bắc Kinh vẫn hoài nghi cho rằng, Washington không chỉ lo mà còn đang tìm "trăm phương ngàn kế" để chặn bước tiến của Trung Quốc. 

'Tấm chân tình' của Mỹ
Với những tuyên bố hùng hồn và hoa mỹ, giới chức Tòa Bạch Ốc luôn cố gắng tạo ra sự thoải mái cho Bắc Kinh bằng một khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng "Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc".
"Washington hoan nghênh việc Bắc Kinh ngày càng lớn mạnh và đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề quốc tế. Tôi hy vọng hai nước sẽ hướng tới một kỷ nguyên cạnh tranh trong sự thân thiện", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh trong cuộc gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hồi đầu năm nay.

Cùng giọng điệu này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng các quan chức cấp cao khác liên tục khẳng định, Washington muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực và tin cậy lẫn nhau với Bắc Kinh.

Tổng thống Obama (giữa) và Ngoại trưởng Clinton (phải) luôn nhấn mạnh rằng, Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong các tuyên bố của mình, Mỹ cũng cho thấy sự thận trọng nhất định. Cụ thể, quan chức Mỹ không ít lần nhấn mạnh đến sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong tiềm lực quân sự và chiến lược dài hạn.
Dẫu sao, thông điệp chung mà Washington đang gửi đến Bắc Kinh là, Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc thịnh vượng và hùng mạnh hơn và đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế.
Washington cũng muốn khẳng định với Bắc Kinh rằng, Mỹ không có ý định cản trở bước tiến của Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc lớn với những lợi ích chiến lược trên toàn cầu.
"Chúng tôi không hề có ý định hạ gục Trung Quốc. Bắc Kinh đã, đang và sẽ là cường quốc lớn trên thế giới", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh hồi tháng 6 vừa qua (khi còn tại nhiệm).
Trung Quốc thận trọng
Mặc cho những lời lẽ bóng bẩy nhằm trấn an Trung Quốc của Mỹ, nhiều học giả Trung Quốc vẫn tỏ ra nghi ngờ và cho rằng, Washington đang rất lo lắng trước sự trỗi dậy tiến tới vị thế siêu cường thế giới của Bắc Kinh.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai mới đây khẳng định: "Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong ba thập kỷ qua nhờ chính sách cải cách và mở cửa, song chúng ta vẫn còn khoảng cách rất lớn với Mỹ. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng thực tế này".
Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Mỹ không đồng quan điểm với ông Cui Tiankai. Theo họ, Washington đang biết là Trung Quốc đang yếu thế hơn nhưng vẫn tìm cách ngăn chặn.
"Mỹ luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giữ gìn mối quan hệ Washington – Bắc Kinh luôn ổn định và có tính hợp tác nhưng thực chất thì dù thế nào Mỹ cũng sẽ tìm cách cản trở bước đường của Bắc Kinh bởi lo ngại, Trung Quốc sẽ đe dọa vị thế bá chủ của mình", chuyên gia Shen Dingli tại ĐH Fudan khăng khăng.
Theo ông Shen Dingli, hàng loạt động thái về quân sự và ngoại giao của Mỹ tại khu vực – trong đó có những nỗ lực của Washington nhằm bảo vệ đồng minh trước khả năng Triều Tiên tấn công cũng như việc Mỹ đẩy mạnh nỗ lực can dự Đông Nam Á và tuyên bố khẳng định vai trò giải quyết xung đột tại biển Đông rõ ràng cho thấy mưu đồ của Washington nhằm đảm bảo rằng, sự lớn mạnh của Bắc Kinh không thể đe dọa lợi ích của mình.

Giới học giả Trung Quốc cho rằng, Mỹ lợi dụng sự căng thẳng trong khu vực để kìm chế Trung Quốc.
Quả thực, không chỉ ông Shen mà rất nhiều nhà phân tích khác của Trung Quốc đều tỏ rõ thái độ hoài nghi với Mỹ. Họ chỉ ra hàng loạt chứng cứ cho cái gọi là "mưu đồ chiến lược của Mỹ tại khu vực".
"Chứng cứ" đầu tiên mà rất nhiều học giả Trung Quốc thường xuyên nhắc đến đó là vấn đề Đài Loan. Mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan được cải thiện nhiều trong vài năm trở lại đây, song vấn đề Đài Bắc vẫn luôn khiến Bắc Kinh phải đau đầu. Trung Quốc liên tục phản đối sự ủng hộ chính trị và quân sự của Washington đối với vùng lãnh thổ nói chung và những thương vụ vũ khí nói riêng.
Học giả Trung Quốc cho rằng, mục đích ủng hộ Đài Loan của Mỹ là nhằm sử dụng vùng lãnh thổ này như một vật cản đối với sự lớn mạnh của Bắc Kinh. Theo họ, các thương vụ vũ khí với Đài Loan là bằng chứng cho chính sách hai mặt: vừa can dự vừa ngăn chặn.
"Vấn đề Đài Loan đang khiến quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên chia rẽ bởi sự hồ nghi và bất tin", giáo sư Nancy Bernkopf Tucker tại ĐH Georgetown nhận định.
Không chỉ vấn đề Đài Loan, một số nhà phân tích Trung Quốc còn nhấn mạnh đến sự phức tạp của môi trường an ninh hàng hải mà theo họ là xuất phát từ những động thái của Mỹ. Thiếu tướng Peng Guangqian tại Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng, Mỹ là nhân tố cơ bản khiến an ninh hàng hải trở nên phức tạp, theo đó, dẫn đến căng thẳng trong tình hình an ninh biên giới Trung Quốc gần đây.
Làm rõ hơn vấn đề này, chuyên gia Shen Dingli cho rằng, Washington đang khai thác triệt để những căng thẳng trong khu vực để xúi giục các nước chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Cụ thể, Mỹ lợi dụng những hành động khiêu khích của Triều Tiên đối với Hàn Quốc để thường xuyên tiến hành tập trận về hình thức là gây sức ép với Bình Nhưỡng song trên thực tế là "đe" Bắc Kinh.
"Hoàng hải vốn là nơi rất nhạy cảm, là cửa ngõ vào khu vực Thủ đô của Trung Quốc. Do đó, Mỹ không bỏ lỡ cơ hội căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên để đưa quân đến khu vực này. Ngoài ra, vụ đụng độ trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng được Mỹ khai thác triệt để", Luo Yuan, sĩ quan của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) quả quyết.
Thêm vào đó, theo ông Zhu Chenghu, chuyên gia quân sự tại ĐH Quốc phòng Trung Quốc, vấn đề an ninh hàng hải còn bị ảnh hưởng bởi sự tham gia của Mỹ trong vấn đề tranh chấp biển Đông. "Washington tìm mọi cách chia rẽ Bắc Kinh với các nước tuyên bố chủ quyền tại biển Đông để đạp đổ mọi lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này. Đó chính là cách Mỹ triển khai chiến lược ngăn chặn và bao vây Trung Quốc của mình", ông Zhu đánh giá.
Chia sẻ quan điểm này, hai nhà phân tích Liu Jianhua và Yu Shuihuan tại ĐH Zhongnan Trung Quốc nhận định: "Mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Philippines, Malaysia và Brunei xung quanh vấn đề chủ quyền biển Đông và mối quan ngại của Nhật Bản, Ấn Độ và Australia về sức mạnh của hải quân Trung Quốc mang lại cơ hội vàng cho Mỹ để biến các nước này thành các điểm nối tạo thành vòng vây quanh Trung Quốc".
Chưa hết, các học giả Trung Quốc còn lo sợ về cái gọi là "diễn biến hòa bình". Vấn đề này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi các cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ tại Trung Đông và Bắc Phi không ngừng nổ ra. Theo đó, các học giả Trung Quốc cho rằng, Washington sẽ tìm những cách tương tự để lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vì vậy, sự xuất hiện không rõ là vô tình hay hữu ý của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc John Huntsman trong một cuộc gặp mặt của các nhân vật ủng hộ cuộc cách mạng hòa nhài hồi tháng 2/2011 tại Bắc Kinh khiến giới phân tích Trung Quốc lập tức cho rằng, đó là bằng chứng cho thấy Washington đang sử dụng vấn đề nhân quyền để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình nhằm làm suy yếu và lật đổ Chính phủ.
Không chỉ vậy, đến cả Sách trắng quốc phòng mới đây nhất của Trung Quốc cũng cho thấy sự cảnh giác cao độ của Bắc Kinh với Washington. Theo tài liệu này, môi trường an ninh của Trung Quốc vẫn khá thuận lợi nhưng những nỗ lực can thiệp và kìm chế Bắc Kinh của các thế lực bên ngoài đang ngày càng gia tăng.
Theo giới quan sát, sự thận trọng này của Bắc Kinh có thể sẽ khiến Washington gặp khó khăn trong việc thực thi sách lược cản trở đồng thời lại ra vẻ hoan nghênh bước tiến của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Trà My (theo Asia Times)

http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif
Please visit our blog.


__,_._,___

----- Forwarded Message -----
From: Tran Ho <TranHo1@yahoo.com>
To: vbHouston dalat <vobihouston@yahoogroups.com>; chinhnghia Viet <ChinhNghiaViet@yahoogroups.com>; Huyet Hoa <HUYETHOA@yahoogroups.com>
Sent: Thursday, October 6, 2011 8:57 PM
Subject: [HUYET-HOA] Trung Quốc 'lật tẩy mưu đồ' của Mỹ




No comments:

Post a Comment