Thursday, November 17, 2011

17/11 'Luật biểu tình sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội'


Thứ năm, 17/11/2011, 18:36 GMT+7

"Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do. Nếu có Luật biểu tình, tôi nghĩ sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội", đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí.
Hà Nội yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát

Sáng 17/11, khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa 13, vấn đề có nên xây dựng Luật biểu tình đã trở thành chủ đề nóng, với những quan điểm trái chiều. Trong giờ nghỉ, đại biểu Dương Trung Quốc đã có cuộc trao đổi với báo giới.
- Tại sao thời điểm này chúng ta cần phải xây dựng Luật biểu tình?
- Hàng năm chúng ta nghỉ ngày 1/5, đó là kết quả cuộc biểu tình ở Chicago (Mỹ) cách đây hơn một thế kỷ. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngày 1/5/1958 có biểu tình đòi tự do, cơm áo, hòa bình.
Hai tuần sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh về quyền biểu tình mà theo giải thích, quyền hội họp của người dân là quyền rất cơ bản. Hiến pháp năm 1946 được cụ thể hóa bằng quyền tự do hội họp và hội họp cũng có nội hàm là biểu tình. Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện cũng có hẳn một chữ "quyền được biểu tình". Cho nên phải nhìn Luật biểu tình cả hai mặt chứ không thể nói một chiều.
Nếu có quy định biểu tình phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng giờ, đúng mục đích thì sắp xếp trật tự xã hội mới thuận lợi, hiện nay chúng ta chưa có luật nên mới tùy tiện, làm ảnh hưởng chung. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chủ động nêu vấn đề luật biểu tình cần phải đưa vào chương trình xây dựng luật.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Nếu loại quyền tự do này ra khỏi hiến pháp thì chúng ta trở thành bất bình thường". Ảnh: Hoàng Hà.
- Tại nghị trường, nhiều đại biểu cho rằng chưa cần thiết xây dựng luật biểu tình và cũng không nên coi luật này là thước đo tự do dân chủ. Ông nói gì về quan điểm trên?
- Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà nó gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do con người tức là quyền hội họp, trong đó có quyền biểu tình. Nếu loại quyền tự do này ra khỏi hiến pháp thì chúng ta trở thành bất bình thường.
Nếu chúng ta bên cạnh việc nâng cao hơn nữa việc quản lý bộ máy công quyền cộng với việc có Luật biểu tình thì tôi nghĩ sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội.
- Thưa ông, ở nhiều nước có hành lang pháp lý cho biểu tình nhưng sau đó lại bị biến tướng thành bạo loạn. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Sự biến tướng bao giờ cũng có và luật nào cũng có sự lách luật, vấn đề. Theo tôi, cách tốt nhất là nhà nước hãy chứng tỏ năng lực để cho người dân biểu tình ủng hộ nhiều hơn biểu tình phản đối. Ví dụ, biểu tình phản đối hiện tượng tham nhũng có thể chĩa vào những cán bộ nhà nước nhưng nó lại phục vụ Chính phủ có bằng chứng thuyết phục nhất.
Tôi còn nhớ những năm 1980, khi hiện tượng diễn ra ở nông thôn Thái Bình mà nếu theo cách nhìn của các đại biểu thì gọi là bạo loạn. Nhưng lúc đó Đảng rất tỉnh táo, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng đến tận nơi và phát hiện ra cả hai mặt. Mặt tiêu cực là thiếu tổ chức dẫn đến tình trạng hỗn loạn nhưng mặt tích cực là góp phần phát hiện những sai sót, yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương và nhờ thế đã có điều chỉnh cả hai mặt.
Ảnh: Tiến Dũng.
Ông Dương Trung Quốc từng nhiều lần phát biểu về Luật biểu tình. Ảnh: Tiến Dũng.
- Theo ông, luật biểu tình nên giao cho cơ quan nào soạn thảo sẽ đảm bảo sự khách quan?
- Với bộ luật có tính chất nhạy cảm này, sự có mặt của Bộ Công an là cần thiết nhưng nên có sự phối hợp của các tổ chức xã hội, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Ngoài ra, có rất nhiều tổ chức xã hội có thể tham gia như Hội Luật gia Việt Nam. Bộ Công an đứng ra chủ trì xây dựng, tôi cho là được vì cuối cùng còn phụ thuộc vào quyết định của chính các đại biểu Quốc hội.
Sáng nay, tại hội trường, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP HCM) cho rằng cần loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vì đa số công dân sẽ không ủng hộ dự luật này.
"Luật biểu tình nói mãi như thể đó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ. Như vậy, Quốc hội có nên dành ra 2 năm và bao tiền của nhân dân để soạn ra dự án luật mít tinh, luật tuần hành hay không?", đại biểu Phước đặt vấn đề.
"Có ý kiến nói rằng ở nước ngoài người ta biểu tình đàng hoàng nên Việt Nam cũng sẽ làm được. Thưa, ở Việt Nam hiện nay đã có 100% đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy chưa? Có chấm dứt chen lấn nơi công cộng chưa? Có tham gia giao thông đúng luật chưa?", vị giám đốc doanh nghiệp này đặt câu hỏi.
Và để trả lời cho câu hỏi này, ông Phước cho hay, cuộc biểu tình tháng 8 vừa qua tại London lan ra nhiều thành phố khác đã biến thành bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà, làm ô danh đất nước. Rồi cuộc biểu tình chiếm phố Wall tại New York và nhiều thành phố lớn của Mỹ cũng gây ra tình trạng bẩn thỉu, ẩu đả, trộm cắp và hiếp dâm.
Tiến Dũng ghi

 
18/11/2011
Luật biểu tình
Ủng hộ bác Quốc. Tôi có vài lời cho ý kiến của bác Phước: biểu tình không phải là khuôn vàng thước ngọc,nhưng thiếu nó thì không thể gọi là hoàn chỉnh cho cái gọi là tự do dân chủ.
( Nguyễn Hoàng Lâm )
18/11/2011
Gs.Dương Trung Quốc..
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Gs. Phải sớm đưa luật biểu tình vào đời sống xã hội VN. thông qua biểu tình người dân có tể bày tỏ được ý kiến và nguyện vọng của mình. Cảm ơn TT Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất vấn đề này ra QH để thảo luận và thông qua.
( Lam Van Ho )

No comments:

Post a Comment