Saturday, July 10, 2010

02/07 Hệ thống phòng thủ hữu hiệu cho Việt Nam



Máy bay tiêm kích Sukhoi đời mới của Nga
Việt Nam đặt mua năm máy bay tiêm kích Sukhoi đời mới của Nga.
Theo Robert Karniol, cây viết chuyên về các vấn đề phòng thủ cho báo Straits Times, đe dọa đối với an ninh của Việt Nam trong những năm tới đến từ tranh chấp biển đảo tại Biển Đông.
Việt Nam, theo ông phải học cách sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, và có thể phải mất 10 năm để sử dụng thành thạo hệ thống vũ khí đang đặt mua.
Lổ hổng trong kho vũ khí của Việt Nam hiện giờ, theo Karniol, là thiết bị phòng không. Ngoài máy bay tiêm kích đời mới, Việt Nam cần có máy bay thám thính cảnh báo sớm. Và hệ thống hỏa tiễn mặt đất, cùng mạng radar.
Trong cuộc trao đổi với BBC Việt Ngữ, nhà báo Robert Karniol nhận xét về chương trình mua sắm vũ khí của Việt Nam thời gian gần đây.
Robert Karniol: Vâng họ tăng cường lực lượng hải quân khá liên tục thời gian gần đây. Chuyện họ cần làm trong 10 năm tới là học cách sử dụng các loại vũ khí này. Mọi người nên hiểu rằng mua tàu ngầm là một việc, sau đó biết cách sử dụng chúng một cách thành thạo là hai việc khác nhau. Máy bay tiêm kích đời mới, hoặc máy bay tuần duyên cũng vậy. Thậm chí hệ thống hỏa tiễn của Israel nữa. Sẽ mất nhiều thời gian tập dượt để có thể sử dụng thành thạo các loại vũ khí này.
BBC: Thưa ông VN mua sắm vũ khí vậy đã đủ hay chưa. Liệu còn lỗ hổng nào phải trám hay không?
Robert Karniol: Hiện nay vẫn còn một số lỗ hổng trong kho vũ khí của Việt Nam. Điều dễ thấy nhất là hệ thống phòng không. Ví dụ như máy bay trang bị radar báo động sớm. Phương tiện này giúp phối hợp các chiến đấu cơ hiện đại với hệ thống vũ khí mặt đất như hỏa tiễn và radar. Các vũ khí này cần hoạt động nhịp nhàng, ăn ý với nhau. Và Việt Nam chưa đạt đến mức độ phòng thủ đầy đủ như vậy.
BBC: Ông có thể giải thích thêm về kỹ năng dùng vũ khí mới. Ông vừa nói có tiền mua chúng là một chuyện nhưng để sử dụng chúng một cách thành thạo lại là chuyện khác. Và ông nói có những vũ khí mới phải học tới 10 năm mới phát huy tác dụng.
Robert Karniol: Vâng, hệ thống vũ khí thường là phức tạp. Nói về tàu ngầm trước, và chúng ta nhìn vào những nước dùng tàu ngầm lần đầu tiên, từ lúc họ bắt đầu tính mua tàu ngầm, đến khi họ đặt hàng và nhận tàu, thường mất 10 năm. Trường hợp của VN tôi cho rằng nước này sẽ đợi thêm một số năm nữa thì mới đến ngày Nga giao hàng. Và từng chiếc một, chứ không nhận hết cùng một lúc. Cạnh đó tôi muốn nhắc ông rằng khoảng năm 1996, Việt Nam nhận hai tàu ngầm từ Bắc Hàn. Tính ra họ đã có hơn chục năm học kinh nghiệm cơ bản về tàu ngầm. Tàu ngầm Kilo họ mua từ Nga chắc chắn hiện đại và tinh vi hơn so với tàu của Bắc Hàn. Và chuyện học hành sẽ dễ hơn nếu bạn bắt đầu bằng hệ thống đơn giản trước.
Tàu ngầm Kilo của Nga
Việt Nam đặt mua sáu tầu ngầm Kilo, loại chạy diesel và điện của Nga.
BBC: Kinh nghiệm dùng tàu ngầm của Trung Quốc ra sao, thưa ông?
Robert Karniol: Tôi không biết Việt Nam cần bao nhiêu năm để phát huy hết các tính năng của tàu ngầm mua từ Nga. Nhưng nếu ông nhìn vào Quân đội GPND Trung Quốc, TQ đã điều khiển tàu ngầm khoảng một thập kỷ qua. Cho đến gần đây nhất, tàu của họ chủ yếu hoạt động men theo bờ thôi. Chưa đi ra ngoài xa được. Cho nên tôi muốn nói sẽ mất nhiều thời gian để học kỹ năng sử dụng tàu ngầm và hệ thống hỗ trợ tàu ngầm.
BBC: Thưa, tôi muốn hỏi ông về cách mua sắm vũ khí, mua cách nào để có lợi nhất? Liệu rẻ có phải là hay nhất không? Và quan hệ chính trị giữa nước này, nước khác có liên quan đến chuyện mua bán hay không?
Robert Karniol: Nếu đặt chính trị sang một bên, ngày nay mua vũ khí rất dễ, nếu có tiền. Rất nhiều hãng sản xuất muốn bán vũ khí hay hệ thống phòng thủ. Hạn chế chủ yếu đối với Việt Nam, cho đến nay, là chuyện Hoa Kỳ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Vì lệnh cấm vận của Hoa Kỳ cho nên một số nước có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ cảm thấy ngập ngừng khi bán vũ khí, nhất là loại sát thương, cho Hà Nội.
BBC: Lệnh cấm vận của Mỹ về buôn bán vũ khí đối với Việt Nam, xin ông giải thích thêm?
Robert Karniol: Chắc ông còn nhớ năm 1995 hai nước Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở tòa đại sứ tại hai thủ đô. Cùng lúc, Mỹ bỏ cấm vận về kinh tế đối với VN. Nếu ông nhìn vào hàng chữ in nhỏ của tuyên bố bỏ cấm vận, Mỹ giao thương bình thường với VN về kinh tế nhưng vẫn duy trì cấm vận mua bán thiết bị quân sự. Tức là ngay cả khi không còn cấm vận kinh tế nữa, Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn lòng bán, hoặc cấp cho VN các thiết bị quân sự. Vì lệnh cấm vận này, cho nên một số đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Israel, đã ngập ngừng trong nhiều năm, trước khi ngỏ lời chào bán vũ khí cho Hà Nội.
BBC: Nhưng hai nước vẫn có thể trao đổi các loại vũ khí không sát thương phải không?
Đặt chính trị sang một bên, ngày nay mua vũ khí rất dễ, nếu như ai đó có tiền. Rất nhiều hãng sản xuất muốn bán vũ khí
Robert Karniol: Bước đầu tiên, những nước này, trong đó có Hoa Kỳ, có thể bắt đầu cung cấp thiết bị quân sự cho Hà Nội, loại không sát thương. Ví dụ như radar, xe cộ các loại. Hoa Kỳ cho phép xuất cảng sang VN một số xe thiết giáp dùng cho cảnh sát. Hoa Kỳ cũng chào hàng Hà Nội một số máy bay loại tuần tiễu, không trang bị khí tài, dùng vào các mục đích vận tải khác nhau. Tôi biết là Hà Nội không quan tâm đến máy bay mà Hoa Kỳ chào hàng. Tôi cho rằng chúng không tốt lắm, vì là model cũ. Hà Nội có thể mua được hàng tốt hơn ở nơi khác. Rồi một số đối tác ngỏ ý thực hiện chương trình nâng cấp xe thiết giáp M113, mà Việt Nam có nhiều từ hồi chiến tranh để lại. Trong đó có Singapore và Israel. Nhưng phía Mỹ từ chối không làm việc qua đối tác trung gian để giúp Hà Nội hiện đại hóa đoàn chiến xa cũ kỹ này.
BBC: Xin ông trình bày về yếu tố đắt rẻ trong chuyện mua vũ khí?
Robert Karniol: Trở lại cách mua vũ khí có lợi nhất, tôi cho rằng đắt rẻ không quan trọng bằng tổng chi phí mua, trong đó có công bảo dưỡng. Ví dụ không nên quá chú ý đến giá của một chiếc chiến đấu cơ đời mới. Ta nên tính bao nhiêu năm thì phải thay động cơ, bao lâu phải nâng cấp radar, máy bay ngốn hết bao nhiêu nhiên liệu. Các nhân tố này khi gộp lại sẽ biến một chiếc máy bay rẻ thành đắt. Công bảo dưỡng, hỗ trợ kỹ thuật đôi khi tính ra gần bằng tiền mua máy bay. Về lâu dài người ta cần để ý đến dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trong thời hạn dùng máy bay. Khi người ta mua vũ khí mới, ví dụ như tàu chiến, xe tăng, chiến đấu cơ, thời gian sử dụng được nói tới là từ 20 cho đến 30 năm. Chi phí để duy trì hoạt động bao gồm nâng cấp, thay phụ tùng. Cộng chi phí này với giá thành của vũ khí. Và chia ra số năm mình sẽ dùng. Để tính xem một năm vũ khí đó tốn bao nhiêu tiền.

No comments:

Post a Comment