Friday, November 18, 2011

18/11 Quốc hội tranh cãi gay gắt về luật biểu tình


Thứ sáu, 18/11/2011, 10:45 GMT+7

Trong khi đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng biểu tình là sự ô danh và Việt Nam chưa phải siêu cường kinh tế để đài thọ cho sự ô danh đó thì nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Biểu tình là quyền cơ bản của người dân, không thể biến chúng ta thành ốc đảo dị thường".

Sáng 17/11, buổi thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 nóng lên với câu hỏi nên hay không đưa Luật biểu tình vào chương trình.
Không ủng hộ việc xây dựng luật biểu tình, đại biểu Hoàng Hữu Phước dẫn ra một loạt cứ liệu, rằng cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử là năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Vương quốc Đại Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan áp bức nhân dân Ấn Độ. Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước từ "biểu tình" mới xuất hiện ở Mỹ. Nó được bắt đầu từ việc chống lại Chính phủ Kennedy đẩy mạnh cuộc chiến tranh Việt Nam, rồi phát triển mạnh mẽ thành các cuộc biểu tình chống Chính phủ nước này liên tục từ năm 1960 đến 1975.
"Phải khẳng định ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại chính phủ, chống lại chủ trương của chính phủ nước mình. Vậy Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án Luật biểu tình?", ông Phước nêu vấn đề.
Cho rằng Luật biểu tình không phải là "khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ", ông Phước khẳng định cái Việt Nam cần có thể là những quy định về đức tin, về tuần hành đông người. "Nhưng liệu Quốc hội có nên dành ra 2 năm và bao tiền của của nhân dân để soạn ra dự án Luật đức tin hay Luật tuần hành hay không?", ông Phước lại đặt câu hỏi.
Đại biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hoàng Hà.
Từng đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người ở TP HCM để chống lại đường lưỡi bò, nghe dân bức xúc về người đang tụ họp ấy, ông Phước lo ngại: "Sự giận dữ này có thể biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa vài nhóm biểu tình và chống biểu tình. Chưa kể những cuộc tập hợp đông người ngoài trời ấy xâm hại quyền tự do đi lại của người dân, xâm hại thu nhập chính đáng của cửa hàng kinh doanh hợp pháp tại khu vực bị phong tỏa do biểu tình...".
"Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân? Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri?", ông Phước lại dồn dập đặt câu hỏi và cuối cùng tự trả lời rằng đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.
Dẫn ra cuộc biểu tình chiếm phố Wall suốt 2 tháng nay tại New York và hơn 20 thành phố lớn ở Mỹ vừa bị cảnh sát dẹp do tình trạng bẩn thỉu, mất vệ sinh, ẩu đả, trộm cắp và hiếp dâm xảy ra tại các nơi biểu tình làm ô danh nước Mỹ, ông Phước nhận xét và cũng là chốt lại phần phát biểu của mình: "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh".
Đồng tình với lập luận của ông Hoàng Hữu Phước, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng thể chế chính trị Việt Nam đã xây dựng rất hoàn chỉnh. Đất nước Việt Nam hiện nay rất phát triển kể cả kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và vị thế ngoại giao. Nếu đưa Luật biểu tình vào trong thời điểm này là "chưa phù hợp và phải cân nhắc kỹ lưỡng".
Đại biểu Nghĩa cho rằng "chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản, có vấn đề gì chúng ta có Mặt trận, có HĐND, có chính quyền, vừa rồi có Luật khiếu nại, Luật tố cáo". Đó là chưa kể vấn đề biểu tình có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì bị kẻ xấu lợi dụng. "Chúng ta nên tăng cường đối thoại trực tuyến, ví dụ những vấn đề gì nhạy cảm, bức xúc, tranh chấp đất đai hoặc tình hình biển Đông thì cứ đối thoại", ông Nghĩa đề xuất.
Cũng bày tỏ sự đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng cho rằng dù trong Hiến pháp năm 1992 ghi công dân có quyền biểu tình theo pháp luật, nhưng chưa đến lúc phải xây dựng thành luật riêng. "Biểu tình có 2 mặt là ủng hộ và phản đối, nhưng thường người ta nói đến biểu tình là nói đến phản đối. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có Mặt trận, có khối đại đoàn kết toàn dân, vì sao chúng ta lại cho tổ chức biểu tình?", ông Tùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Tùng cho rằng tự do dân chủ không phải là biểu tình, cái chính là làm sao chăm lo phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. "Tôi cho cái đó mới là cơ bản, mới là cái đảm bảo tự do dân chủ, quyền dân chủ của nhân dân", ông Tùng lập luận và đề nghị không nên vội vàng đưa luật này vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, nhất là khi Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Đại biểu Dương Trung Quốc ủng hộ Luật biểu tình. Ảnh: TTXVN.
Phản đối những dẫn cứ, lập luận của các đại biểu nêu trên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng biểu tình khởi đầu từ rất lâu, chứ không phải từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Ông Quốc dẫn ra bản sắc lệnh 31 ban hành 11 ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích nội hàm của chữ "biểu tình" rằng công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Trong Hiến pháp năm 1946 không có chữ "biểu tình", nhưng trong sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành trước đó đã giải thích: "Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao nên ra sắc lệnh này", tức là sắc lệnh về biểu tình.
Từ cứ liệu lịch sử trên, đại biểu Quốc cho rằng phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là quyền cơ bản của người dân, đồng thời là công cụ hành pháp, công cụ lập pháp pháp luật để mà thực thi quyền hành pháp. Việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều cách diễn đạt và việc tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình. Do không có luật nên biểu tình mới dẫn đến hỗn loạn.
Ông Quốc khẳng định luật biểu tình là công cụ để điều chỉnh, bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và bảo đảm quyền của người dân. "Thóa mạ những người biểu tình như thế chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước rằng đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật", nhà sử học gay gắt.
Đại biểu Quốc cũng cho rằng không phải tự nhiên mà Thủ tướng chủ động đề nghị đưa vào chương trình luật pháp về biểu tình. "Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay", ông Quốc chốt lại phần phát biểu của mình.
Đề xuất có luật từ chức
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị bổ sung luật từ chức với ly do đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch vững mạnh. Hiện nay có tới 1/3 công chức chính trị, công chức hành chính chân trong, chân ngoài, làm việc không hiệu quả thì cần phải giảm bớt đi.
Mặt khác những người đứng đầu nếu không đủ tài trí thì cũng nên từ chức. Điều này phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước mà cũng là phù hợp với truyền thống dân tộc ta là "dắt vong, treo ấn, từ quan". "Nếu không đủ tài đức nữa thì có nên ngồi mãi không? Người đứng đầu tác động của họ đối với sự vận động xã hội là quan trọng lắm và gắn liền với chống tham nhũng", ông Đương nói.
Hồng Khánh


Theo dòng sự kiện:
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 (26/11)
Quốc hội giám sát cam kết của Chính phủ (26/11)
Đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật (26/11)
'Một số bộ trưởng thể hiện sự né tránh trách nhiệm' (25/11)
'Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình' (25/11)
'Không luật nào cấm quăng lưới bắt người vi phạm' (25/11)
Xem tiếp
 
19/11/2011
Tan thanh lap luan cua dai bieu Duong Trung Quoc
Luat bieu tinh khong nhung la cong cu bao ve nguoi dan ma con la co so de cac ban quan ly doi pho voi bieu tinh mot cach hieu qua va nhan van.
( Kitty )
19/11/2011
Nên cân nhắc kỹ
Đưa ra hay không đưa ra luật còn phụ thuộc vào luật như thế nào thì phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng chưa nên. Phía sau 1 cuộc biểu tình đúng luật sẽ là nhiều rắc rối do các phần tử cực đoan kích động, lợi dụng để gây mất trật tự an ninh. Thay vào đó nên đẩy mạnh các đường dây nóng, có cơ quan chuyên trách xử lý nhanh chóng các vấn đề nổi cộm của nhân dân. Chưa cần thiết phải có luật biểu tình vào thời điểm này.
( Hoàn Phan )

No comments:

Post a Comment