Tác giả: HUỲNH PHAN
Bài đã được xuất bản.: 28/11/2011 06:00 GMT+7
Vẫn sẽ có những tiến bộ, rất nhỏ và rất từ từ, trong đàm phán COC. Nhưng chỉ đủ để chứng tỏ rằng ASEAN và Trung Quốc đang đi đúng hướng, và sự can dự của Mỹ chỉ làm phức tạp hoá tiến trình này. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tận dụng thời gian để củng cố sức mạnh.
LTS: Đăng đàn trước Quốc hội sáng 26/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông tin thêm cho nhân dân về tình hình Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như chính sách Việt Nam theo đuổi để giành và giữ chủ quyền trên biển.
Trước đó, sau khi kết thúc Hội thảo Quốc tế Biển Đông lần thứ 3 tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11 vừa rồi, nhà ngoại giao kỳ cựu của Philippines, ông Rudolfo Severino với những trải nghiệm ở nhiều cương vị khác nhau, tại nhiều nước khác nhau, đã chia sẻ với Tuần Việt Nam những nhận định của cá nhân ông, với tư cách một học giả, về triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, qua những tiến trình như DOC, hay COC, cũng như sự can dự của bên ngoài vào việc kiềm chế xung đột trong khu vực.
Chỉ nửa năm sau khi rời cương vị tổng thư ký ASEAN cuối năm 2002, ngay sau khi Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông được ký kết, ông Rudolfo Severino nhận được lời mời từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Singapore, nơi ông làm giám đốc từ đó đến nay.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu
Xin ông cho biết xu hướng tiến triển của việc giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay?
Điều phức tạp nhất, theo tôi, cho tới tận thời điểm này chúng ta vẫn không biết rõ Trung Quốc hàm ý gì khi đưa ra tấm bản đồ có đường chữ U chín đoạn vào mùa hè năm 2009. Họ hàm ý tuyên bố chủ quyền với tất cả các vùng biển năm trong đường chữ U, hay chỉ với các điểm đảo trong đó và các vùng biển được tạo ra bởi các điểm đó theo đúng Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)? Không ai biết cả, vì chưa hề có lời giải thích rõ ràng từ phía chính phủ Trung Quốc.
Quan điểm của riêng ông?
Đường chữ U đứt khúc đó không được xác định rõ ràng bằng hệ toạ độ, nên chỉ là một đường vẽ trên bản đồ, không hơn không kém, và không hề có cơ sở pháp lý.
Lý do vì sao chính phủ Trung Quốc lại thoái thác nghĩa vụ giải thích này?
Theo tôi hiểu họ cố gắng không chịu đưa ra định nghĩa rõ ràng cho đường chữ U vì họ ý thức được tính phức tạp và nhạy cảm của việc giải quyết tranh chấp theo tuyên bố của họ, và vì vậy, sự mơ hồ trong tuyên bố của họ là sự cố ý. Hoặc giả, trong nội bộ họ vẫn còn sự bất đồng lớn.
Thế còn qua kênh học giả thì sao? Qua các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Việt Nam, ông có tìm hiểu thêm được chút gì từ các học giả đến từ Trung Quốc không?
Không. Họ càng giải thích thì người nghe càng thấy mơ hồ. Điều duy nhất mà tôi cảm nhận rõ ràng các học giả Trung Quốc cố gắng bảo vệ cho lập trường của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng rằng, ở mức đó nào đó, các học giả cũng có ảnh hưởng nhất định đối với chính phủ họ, trong việc điều chỉnh chính sách. Thông qua trao đổi với giới học giả quốc tế, họ có thể giúp chính phủ Trung Quốc hiểu được rằng các nước khác nghĩ gì về chính sách Biển Đông của họ.
Cựu TTK ASEAN Severno (phải) đang trao đổi với lãnh đạo Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý |
Chẳng hạn, tuy các học giả của Philippines là những học giả độc lập, trong tham luận của mình họ vẫn phản ánh được lập trường của chính phủ Philippines và phản ứng của người dân Philippines đối với chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc thực sự muốn thúc đẩy quan hệ với Philippines, họ phải tính đến những yếu tố đó.
Theo ông, nhân tố cốt yếu trong tranh chấp chủ quyền hiện này là gì?
Lợi ích quốc gia. Và hầu như quốc gia tranh chấp nào cũng xuất phát từ trải nghiệm của mình.
Philippines đã bị Nhật Bản tấn công từ phía Tây trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, nên kiểm soát được vùng biển phía Tây là vấn đề sống còn về chiến lược của họ.
Hay một phần Biển Đông đã nối hai bờ Đông Tây của Malaysia, vì vậy họ cố gắng kiểm soát được phần mở rộng của Biển Đông này, và khiến những tuyên bố chủ quyền của họ có thể chồng lấn với yêu sách của các nước khác như Philippines, Việt Nam hay Trung Quốc...
Trung Quốc thì cố gắng không để bị tấn công từ Biển Đông như trong hai thế kỷ trước, và cố gắng đẩy Mỹ ra càng xa càng tốt.
Còn với Việt Nam là mối lo bị bị bao quanh bởi đất liền vào các vùng nước của Trung Quốc, hay các khu vực mà họ yêu sách chủ quyền. Điều mà chắc chắn Việt Nam không thể chấp nhận là quyền lợi quốc gia của mình bị xâm hại.
Đó là chưa nói tới những trải nghiệm đau đớn đối với người Việt Nam khi 1974 hải quân Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một phần Hoàng Sa từ tay Việt Nam (Việt Nam Cộng Hoà - TG), và trận hải chiến đẫm máu sau đó 14 năm ở Trường Sa.
Ông nhìn nhận như thế nào về quan điểm của Trung Quốc trong việc phản đối đa phương hoá, hay quốc tế hoá giải quyết tranh chấp?
Tôi đồng ý rằng chủ quyền và quyền tài phán chỉ nên được giải quyết bởi các bên tuyên bố chủ quyền. Nhưng chỉ ở Hoàng Sa mới là chuyện tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam, chứ còn ở Trường Sa thì phần lớn là có nhiều bên tranh chấp. Không đa phương thì sao? Hơn nữa, liệu Trung Quốc có chấp nhận kết quả đàm phán song phương giữa Philippines và Việt Nam, hay Việt Nam và Malaysia hay không?
Còn liên quan đến "quốc tế hoá", tôi nghĩ những nước không tuyên bố chủ quyền, nhưng có lợi ích về thương mại, như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay thậm chí cả những nước xuất khẩu dầu mỏ, đều có lợi ích từ hoà bình và ổn định ở khu vực Biển Đông. Họ có tiếng nói, và sự can dự vào việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không là điều hợp lý.
Vậy ông nghĩ gì về bản hướng dẫn thực hiện DOC (Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông), được ký hồi tháng 7, được coi như một bước đột phá trong việc giảm căng thẳng trong khu vực?
Theo quan điểm của tôi, bản hướng dẫn còn chung chung hơn cả bản thân DOC. Điều có nghĩa nhất và quan trọng nhất là tại sao nó được đưa ra vào thời điểm diễn ra Diễn đàn An ninh khu vực (ARF).
Theo tôi, nó tạo ra cảm giác cho mọi người là vấn đề đã được kiểm soát trong nội bộ khu vực nhằm kiềm chế xung đột, và vì vậy không cần thiết có sự can dự của bên ngoài, nhất là Mỹ.
Chính vì vậy, theo tôi, xét trên tiêu chí về lợi ích quốc gia, Trung Quốc là nước hưởng lợi. Chính vì vậy, sau 8 năm phớt lờ, giữa năm ngoái họ mới chấp nhận thúc đẩy việc thực thi DOC, khi Mỹ khẳng định lợi ích quốc gia của họ ở Biển Đông tại ARF.
Ý ông nói nhờ có những tuyên bố và cả hành động can dự của Mỹ, DOC mới đạt được bước tiến, tuy là về mặt hình thức, như hiện nay?
Đúng thế. Nhưng thực sự liệu những xung đột tiềm tàng, ở những mức độ khác nhau, có được tháo ngồi nổ hay không, sau khi bản hướng dẫn này được ký, vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi còn nhiều yếu tố khác nữa.
Là Tổng Thư ký ASEAN khi DOC được ký kết, ông hình dung thế nào về triển vọng của COC (Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông) mà gần đây người ta bắt đầu hâm nóng lại?
Nhìn lại cả quá trình lúc đó, chúng ta nhớ lại rằng ý tưởng đầu tiên là một bộ qui tắc ứng xử, nhưng cuối cùng các nước ASEAN và Trung Quốc phải tạm hài lòng với một tuyên bố chính trị là DOC. Bởi vì, một văn bản có tính ràng buộc về pháp lý không thực hiện được vì những bên tham gia bất đồng về phạm vi áp dụng của nó.
Việt Nam muốn gắn cả quần đảo Hoàng Sa vào, nhưng Trung Quốc phản đối. Một số thành viên ASEAN yêu cầu nhất thiết phải có Trung Quốc trong tiến trình này, và cái giá phải trả là đề xuất về một một tuyên bố chính trị.
Khi vào thời điểm này, mọi người lại bắt đầu nói về triển vọng của COC, nhưng không hiểu họ hình dung những trở ngại trong quá khứ sẽ được vượt qua như thế nào. Riêng tôi, với toàn bộ vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, tôi chịu.
Tức là không loại trừ khả năng sẽ chẳng có tiến triển gì trong việc đàm phán COC, như là với DOC trong suốt 8 năm trời?
Không hoàn toàn như vậy. Vẫn sẽ có những tiến bộ, rất nhỏ và rất từ từ. Nhưng chỉ đủ để chứng tỏ rằng ASEAN và Trung Quốc đang đi đúng hướng, và sự can dự của Mỹ chỉ làm phức tạp hoá tiến trình này. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tận dụng thời gian để củng cố sức mạnh.
Có những học giả cho rằng để có thể đi tới một giải pháp nào đó cho các tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc trước hết phải từ bỏ yêu sách vô lý về vùng nước bên trong đường chữ U. Ý kiến của ông?
Có thể. Nhưng điều cần làm trước tiên là Trung Quốc phải giải thích rõ ràng về đường chữ U đó trên tấm bản đồ đó.
Nhưng nếu họ vẫn tìm cách thoái thác giải thích, hay giải thích một cách vòng vo như hai năm rưỡi vừa qua thì sao?
Thì họ càng có lợi trong việc củng cố sức mạnh quân sự, và tôi đoán họ sẽ làm như vậy.
Chính vì vậy có những thành viên ASEAN muốn Mỹ tham gia vào tiến trình này, như một đối trọng?
Có điều, Mỹ tự xác định mình có một trách nhiệm toàn cầu, và, vì vậy, Biển Đông chỉ là một trong những quan tâm của họ. Sự can dự của họ đến mức nào mới là điều đáng quan tâm.
Thứ hai, việc Mỹ đang duy trì một quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc từ chiến lược, đến kinh tế, chính trị, quân sự..., cũng là một lợi thế khác cho sự can dự này.
ASEAN cũng có thể chọn cách thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Có điều, một khi Trung Quốc càng ngày càng mạnh hơn, trong câu chuyện tranh chấp chủ quyền, liệu họ có coi trọng quan hệ với các nước ASEAN nhỏ bé?
Tôi nghĩ ASEAN không bao giờ muốn phải chọn một trong hai: Trung Quốc hay là Mỹ. Có điều, cần phải rất khéo léo trong quá trình hoạch định chính sách liên quan tới hai cường quốc này.
Ông nghĩ thế nào về một ASEAN gắn kết và đủ mạnh để có một vị thế nào đó khi đàm phán với Trung Quốc, như đã có nhiều người kỳ vọng?
Hãy thực tế đi. Chúng ta đều biết Lào, Campuchia và Myanmar chẳng có mấy lợi ích trong việc phản đối những yêu sách của Trung Quốc. Tôi hy vọng một ASEAN đoàn kết hơn, nhưng ít hy vọng là riêng ASEAN có thể giúp giải quyết ổn thoả chuyện tranh chấp này.
Vậy thì những gắn kết gần đây giữa những nước có cùng cảnh ngộ, như giữa Việt Nam với Philippines, mặc dù trước đây Philippines đã lên tiếng phản ứng khi Việt Nam và Malaysia trình chung đăng ký về thềm lục đia mở rộng? Có phải chính sách của Philippines đã thay đổi với một tổng thống mới?
Tôi nghĩ sự leo thang của Trung Quốc đã khiến những nước nhỏ có tranh chấp với Trung Quốc tự nhiên có xu hướng tìm đến nhau, tìm sức mạnh chung để tự bảo vệ mình. Điều đó không nhất thiết là do Philippines có một tổng thống mới.
Đây là một xu thế tốt, nhưng còn nhiều điều cần tỉếp tục thúc đẩy.
Xin cám ơn ông.
No comments:
Post a Comment