(ĐCSVN)- Là một trong những vùng có đông đồng bào Công giáo của nước ta, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, tiến trình phát triển của tỉnh, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện quan điểm, đường lối chiến lược của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy “Về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37 CT/TW của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới”, Nghị quyết số 10 NQ/TU “Nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể” và Quy định 243 về “Chế độ lãnh đạo, chỉ đạo và phân công trách nhiệm thực hiện công tác tôn giáo”. Nhiều năm qua, các đảng bộ xã có đôngđồng bào công giáo (ĐBCG) ở tỉnh Nam Định đã tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của từng giới và quan tâm phổ biến pháp luật cho cán bộ, đảng viên và giáo dân trên địa bàn, về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, tích cực tham gia củng cố, tăng cường đoàn kết người có đạo và không có đạo thông qua các phong trào: toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế.
Đại đa số giáo dân chấp hành và thực hiện, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào do Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động. Hăng hái tham gia phong trào xây dựng nếp sống gia đình văn hoá, xây dựng địa bàn dân cư lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, khôi phục và bảo vệ giá trị truyền thống, hướng đến những chuẩn mực đạo đức và lối sống văn minh.
Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là kinh tế nông nghiệp ở các xã có đông ĐBCG đã ảnh hưởng trực tiếp đời sống của giáo dân. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức tương đối cao và liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Nhiều xã là những điểm sáng trong cả nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những mô hình sản xuất mới. Điển hình như: xã Hải Lý, (huyện Hải Hậu); xã Giao Thịnh (huyện Giao Thuỷ); xã Điền Xá (huyện Nam Trực). Thu nhập bình quân đầu người ở các xã này đạt trên 1.000 USD/người/năm. Nhiều giáo xứ, họ đạo đã đi đầu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương như: giáo xứ Quần Phương, Đông Cường (Hải Hậu), giáo xứ Phú Nhai (Bùi Chu). Nhiều giáo dân ở các xã ven biển đã đầu tư vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ, cải tạo đầm hồ nuôi tôm, ngao sò, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Một số làng nghề ở các xã có đông giáo dân được khôi phục, đầu tư phát triển mở rộng quy mô tạo thành các tổ hợp: đúc đồng, đồ gỗ, cơ khí, dệt… vì vậy, số hộ giàu đã tăng lên nhanh, đời sống của đại bộ phận đồng bào Công giáo đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt, cả về mức sống và thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,5 triệu đồng. Hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm nhiều từ 8,7% hộ năm 2005, trong đó 6,4% là hộ gia đình Công giáo, xuống còn 5,1% năm 2010. Điều kiện sống và sinh hoạt, làm việc của đại đa số đồng bào Công giáo trong tỉnh Nam Định đã được cải thiện đáng kể.
Sự nghiệp giáo dục được các cấp ủy đảng quan tâm khá toàn diện cả về cơ sở vật chất và chất lượng. Đến năm 2010 các xã đều đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, hầu hết các xã có trường học cao tầng, tỷ lệ học sinh ở các xã thi đỗ vào TH PT hàng năm đạt 82% trong đó học sinh là người Công giáo đạt 65%. Phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được đẩy mạnh, đến nay toàn tỉnh Nam Định có 345 lượt giáo xứ giáo họ được công nhận là xứ họ tiên tiến, 69.007 lượt hộ gia đình công giáo được công nhận gia đình gương mẫu. Những kết quả tiến bộ về văn hoá - xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của giáo dân, hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay tình hình các xã còn không ít vấn đề hạn chế cần khắc phục như: Nhận thức của một bộ phận giáo dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo chưa đầy đủ; hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các phần tử phản động xuyên tạc đường lối của Đảng ta ngày càng tinh vi, khó lường; hiện tượng sa sút về tư tưởng chính trị, thoái hóa về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tác động đến tâm lý của nhân dân, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ĐBCG với Đảng, chính quyền địa phương. Quá trình đổi mới công tác vận động đồng bào công giáo của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn lúng túng. Bên cạnh đó, một bộ phận chức sắc lợi dụng đức tin của giáo dân, tiến hành các hoạt động tuyên truyên kích động giáo dân khiếu kiện đòi chính quyền trả đất có nguồn gốc tôn giáo cho nhà thờ sai quy định đã trở thành “điểm nóng”; xây dựng, nâng cấp nơi thờ tự trái phép, điển hình là Hải Hòa (Hải Hậu), Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đã ảnh hưởng đến trật tự trong cộng đồng dân cư.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại thiếu sót trong công tác vận động giáo dân thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nam Định, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, cấp ủy, tổ chức đảng phải nhận thức đầy đủ và thường xuyên coi trọng công tác vận động giáo dân.Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nó không chỉ quyết định đến chất lượng công tác vận động giáo dân, đến phong trào giáo dân mà còn quyết định đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức. Thực tế cho thấy, lúc nào, nơi nào cấp ủy, tổ chức đảng coi trọng đổi mới công tác vận động giáo dân thì sẽ thu hút được đông đảo giáo dân tham gia phong trào hành động cách mạng, ở đó kinh tế phát triển, đời sống của giáo dân được cải thiện, lòng tin của giáo dân đối với tổ chức đảng, chính quyền được củng cố.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đơn vị kinh tế, các ngành làm công tác vận động giáo dân. Công tác vận động giáo dân là vấn đề lớn, là việc có tính liên tục, lâu dài, là việc khó. Đòi hỏi phải huy động mọi lực lượng, mọi tổ chức để làm tốt công tác này. Cấp ủy phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, có kiểm tra cụ thể trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng của từng tổ chức trong hệ thống chính trị. Cấp ủy phải xâu kết hoạt động của các đoàn thể thì mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền phải bám sát chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và phải cụ thể hóa cho phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của giáo dân, mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định phải bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương phải xuất phát từ những vấn đề bức xúc của bà con giáo dân, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của giáo dân, đem lại lợi ích thiết thực cho giáo dân.
Bốn là, cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đoàn thể nhân dân vững mạnh. Các đoàn thể, nhất là các đoàn thể cơ sở có vai trò rất quan trọng trong công tác vận động giáo dân. Thông qua các tổ chức đoàn thể mà tổ chức đảng, chính quyền sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của giáo dân. Thường xuyên chăm lo xây dựng các đoàn thể nhân dân.
Năm là, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh và nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động giáo dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên ở nông thôn có vai trò rất quan trọng đối với công tác vận động giáo dân. Họ thường xuyên gần gũi giáo dân, am hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, cùng sinh sống, lao động với dân. Vì vậy, họ là cầu nối giữa Đảng với dân, là người tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho dân hiểu, làm theo, là người phản ánh tâm tư, nguyện vọng của giáo dân đến với Đảng, giúp Đảng có những chủ trương đúng đắn về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Sáu là, phải thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức vận động giáo dân. Thực tế công tác vận động giáo dân của các đảng bộ xã trong thời gian qua cho thấy, để công tác vận động giáo dân đạt kết quả nhất định phải thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức vận động giáo dân.
Để khắc phục những hạn chế trong sự lãnh đạo của cấp ủy, nhất là đổi mới công tác vận động giáo dân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác tư tưởng - nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về tiếp tục đổi mới công tác vận động giáo dân; về nâng cao năng lực của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức vận động giáo dân; tăng cường sự lãnh đạo đối với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở về đổi mới công tác tổ chức, tập hợp quần chúng; tạo môi trường, phương tiện phục vụ đổi mới phương thức vận động giáo dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, các ban ngành, đoàn thể cấp trên và các đơn vị bạn; đến các giải pháp cụ thể về tổ chức vận động giáo dân phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mỗi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể luôn phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, từ lợi ích của giáo dân, mang lại lợi ích cho giáo dân; vận động giáo dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu mạnh. Thường xuyên gắn công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở xã với công tác vận động giáo dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Đặc biệt là củng cố, xây dựng đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong sạch vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.
|
No comments:
Post a Comment