Thursday, December 8, 2011

08/12 “GDP đầu người Việt Nam năm 2050 khoảng 20.000 USD”


DIỆP ANH
08/12/2011 12:47 (GMT+7)
pictureXếp hạng GDP bình quân đầu người của các nước trong nhóm BRICS, N-11 và G-7 - Ảnh: Business Insider.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Goldman Sachs vừa công bố báo cáo về các nền kinh tế BRICS, trang Business Insider cho hay. Trong đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tới năm 2050 được ngân hàng này dự báo là khoảng 20.000 USD.

Báo cáo đưa ra dự kiến GDP bình quân đầu người của G-7 (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Canada, Italy, Đức) và 4 quốc gia thuộc nhóm BRICS  (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Ngoài ra, còn có 11 quốc gia thuộc nhóm N-11, gồm Việt Nam, Mexico, Nigeria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines cũng được Goldman nêu tên trong danh sách đánh giá này.

Báo cáo của Goldman cho rằng, đến 2050, Mỹ sẽ vẫn dẫn đầu thế giới về GDP bình quân đầu người, với mức dự kiến từ 80.000 - 90.000 USD. Sau Mỹ là Canada với 80.000 USD, Anh quốc dưới mức 80.000 USD, Pháp ở khoảng 75.000 USD.

Về nhóm BRICS, từng được nhận định là “cột trụ” tăng trưởng kinh tế thế giới trong tương lai, báo cáo cho thấy, GDP bình quân đầu người của Nga sẽ đứng ở khoảng 60.000 USD.

Brazil tới năm 2050 sẽ đạt GDP bình quân đầu người ở mức gần 50.000 USD, tiếp đó là Trung Quốc nhỉnh hơn 40.000 USD, Ấn Độ dưới 20.000 USD. Trong khi đó, các nước mới nổi khác không thuộc BRICS có thứ hạng khá cao.

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN:

(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Vo Van Dung
    17:15 (GMT+7) - Chủ Nhật, 11/12/2011
    Nói IQ của nước nào cao hơn hay thấp hơn để chứng tỏ triển vọng phát triển của nước đó là sai lầm, nếu như vậy thì Việt Nam không bao giờ bằng Lao và Thái Lan chứ đừng nói TQ, Đài Loan hay Nhật Bản và Mỹ.
  • Bình
    12:51 (GMT+7) - Thứ Sáu, 9/12/2011
    Tôi thì không biết tăng trưởng kinh tế nó như thế nào nhưng sự tăng trưởng kinh tế nó chỉ có ý nghĩa khi mọi người trong xã hội có thể cảm nhận được. Tôi kể các bạn nghe thí dụ của tôi để mà suy ngẫm. 

    10 năm về trước vừa ra trường nhận một công việc kỹ sư ở một công ty lớn của Nhà Nước lúc đó lương của tôi là 2 triệu đồng một tháng, đó là một mức lương thuộc lọai trung bình khá vào lúc đó và khi ấy một ổ bánh mì mà tôi thường ăn sáng là 2 ngàn đồng một ổ, một ly chè bình dân là một ngàn đồng, một lít xăng là 4 ngàn đồng. 

    10 năm sau tôi làm cho một công ty khác nhưng cũng của Nhà nước nhưng lương của tôi bây giờ là 9 triệu đồng và một ổ bánh mì cũng mua chổ cũ bây giờ đã là 10 ngàn, ly chè là 8 ngàn và 1 lít xăng bây giờ là 21.000 đồng. 

    Vậy thì thử hỏi các bạn thu nhập của tôi có tăng trong khoảng thời gian hơn 10 năm qua hay không? Tôi nghĩ là không bởi vì tuy giá trị tuyệt đối của thu nhập tăng nhưng thực tế sức mua của nó lại không tăng nên thu nhập thực sự của tôi tăng chẳng đáng là bao. 

    Kể câu chuyện để các bạn thấy việc đạt được tăng trưởng thực chất(không phải tăng trưởng do lạm phát) nó khó đến dường nào, chỉ cần một năm thu nhập thật sự của người Việt Nam tăng 2 hay 3% là quý lắm rồi còn hơn vào năm 2050 thu nhập đầu người ta tăng 20 lần nhưng lạm phát của ta cũng tăng 20 lần thì chỉ là công cốc phải không?
  • Hải Triều
    12:02 (GMT+7) - Thứ Sáu, 9/12/2011
    Dùng số liệu tăng trưởng hiện tại để suy ra cho tương lai là một sai lầm trầm trọng. 

    Goldman Sach dự đoán bằng cách vạch một đường thẳng từ quá khứ cho đến tương lai thì chỉ có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ vì trên thực tế không có gì là bất biến trong khoảng thời gian dài ngần ấy. 

    Thực tế trên thế giới chỉ một vài nước là có thể thoát được cái bẩy thu nhập trung bình, các nước Nam Mỹ cũng có thời kỳ phát triển rất nhanh nhưng rồi lại rơi vào cái vòng lẫn quẩn suy thoái, nợ nần và lạm phát gần 30 năm không ngóc đầu dậy nỗi, và đây cũng là bài học cho Việt Nam ta cố gắng trước mắt hãy tránh được cái bẩy “thu nhập trung bình” trước khi nghĩ đến cái chuyện phát triển xa hơn. 

    @Nguyễn Lưu: Tôi thì không dám có ý kiến gì về cái thuyết ưu sinh như bác nói hết nhưng tôi có nhận xét sau đây: 

    Thế giới hiện tại được chia làm ba đẳng cấp mà có lẽ thứ tự này vẫn còn đúng cho đến bây giờ và trong tương lai khá xa nữa. 

    Thứ 1 các nước phương tây như Mỹ, Đức, Anh, Pháp… luôn đi tiên phong trong những phát minh sáng tạo mũi nhọn có tính cách đột phá. 

    Thứ 2 các nước như Nhật, Hàn thì rất giỏi về học hỏi ứng dụng và cải tiến những phát minh. 

    Thứ 3 các nước như Trung Quốc, Đài Loan…thì rất giỏi trong việc bắt chước và nhái sản phẩm rồi sản xuất hàng lọat với giá cực rẽ. 

    Tôi nghĩ để Việt Nam có thể thoát khỏi cái bẩy thu nhập trung bình thì dứt khoát phải thuộc đẳng cấp thứ 1 hoặc thứ 2.
  • Hoàng Văn Hùng
    10:53 (GMT+7) - Thứ Sáu, 9/12/2011
    Dân tộc VN hoàn toàn có đủ điều kiện để đạt mức phát triển cao, mà các nước khác kể cả nhóm N-11 không có. 

    Những điều kiện đó là: văn hóa chuộng kiến thức dù nghèo vẫn đi học, diện tích tương đối thuận tiện để phát triển giao thông nội bộ, có khá nhiều tài nguyên, có thị trường lớn ngay bên cạnh là những nước Đông Bắc Á đã phát triển. 

    Tuy nhiên sự phát triển kinh tế này cũng tùy vào sự sáng suốt và cầu tiến của chính phủ. Theo sự nhận xét của tôi, trước hết chúng ta cần ở chính phủ là phải đầu tư mạnh vào bộ máy hành chính, hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng thông tin internet. Phần còn lại các doanh nhiệp tư nhân tự lo được.
  • Long Vũ
    07:39 (GMT+7) - Thứ Sáu, 9/12/2011
    Để cho các bạn hình dung sự phát triển nhanh hay chậm của một quốc gia xét trên phương diện GDP đầu người ta có thể tham khảo một vài số liệu sau mà tôi trích trong số liệu của Google. 

    (Tôi không trích số liệu của TQ vì nghĩ không đáng tin cậy) 

    Trong 31 năm qua: 

    GDP đầu người của Thái Lan đã tăng 2,5 lần . 
    GDP đầu người của Ấn Độ đã tăng 1,9 lần. 
    GDP đầu người của Hàn Quốc đã tăng 4,5 lần. 
    GDP đầu người của Đài Loan tăng 3,8 lần. 

    Với số liệu trên ta thấy dự đoán của Goldman Sach là GDP đầu người của Việt Nam sẽ tăng gần 20 lần trong 39 năm tới là có thực tế hay không? 

    Khoảng cách từ 1100$/người đến 20.000$/ người là khoảng cách rất lớn mà có lẽ chỉ có Hàn Quốc là đạt được vào khoảng thời gian phát triển nhất của nó mà thôi (nên nhớ là Hàn Quốc có rất nhiều ưu thế là nhận được sự viện trợ không hoàn lại ồ ạt về vốn, sự chuyển giao công nghệ lõi và ưu đãi thị trường từ Mỹ).
  • Nguyễn Lưu
    23:33 (GMT+7) - Thứ Năm, 8/12/2011
    Giống như di truyền học đã từng là môn khoa học bị cấm một thời ở Liên Xô cũ vì liên quan đến vấn đề giai cấp, hiện tại vấn đề chỉ số thông minh (IQ) của các quốc gia cũng là một đề tài cấm kỵ ở hầu hết các nước phương Tây, vì động đến IQ là động đến vấn đề “thuyết ưu sinh” hay “dân tộc ưu đẳng”, gần giống như chủ nghĩa Quốc xã của nước Đức phát xít ở thế chiến II. 

    Trên thế giới, hiện tại tôi chỉ thấy có duy nhất một nhà lãnh đạo quốc gia đã đề cập gần như công khai đến vấn đề này. Đó là cựu Thủ tướng Lí Quang Diệu của Singapore trong cuốn “Xây dựng một quốc gia như thế nào” (How to build a nation, đã được dịch sang tiếng Việt). 

    Chính vì không dám đề cập đến IQ trong việc tính toán tiềm năng kinh tế của một quốc gia, tính toán chỉ số phát triển con người (HDI),… nên các nhà kinh tế học của phương Tây đã từng đưa ra nhiều dự đoán sai lầm trước đây (và vẫn tiếp tục đến hiện nay) khi đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế, như cho rằng ở châu Á, Phillipines, Myanmar sẽ là các nước có khả năng phát triển nhất ở châu Á (trong những năm 1960), hay châu Phi sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn Đông Á (trong thời gian các nước châu Phi mới dành được độc lập), dựa trên những cơ sở mà đến giờ chúng ta nhìn lại thấy phi lí như: nói tiếng Anh tốt hơn, pháp luật gần gũi với phương Tây hơn, văn hóa chịu ảnh hưởng phương Tây nhiều hơn… mà không xét đến vấn đề là chỉ số IQ của các quốc gia Đông Bắc Á là cao nhất thế giới (trong khoảng 105-108) và cao hơn các nước Đông Nam Á (Philipin, Myanmar, Campuchia, Indonexia,…) và nhất là các quốc gia châu Phi rất nhiều. 

    Tôi tin vào việc tồn tại sự khác biệt của chỉ số thông minh IQ và tầm quan trọng của IQ đến tương lai phát triển của quốc gia, nên cũng tin tưởng vào đánh giá của ông Lí Quang Diệu về Việt Nam trong cuốn sách này rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể lặp lại thành công của các nước Đông Bắc Á, như Trung Quốc đang thực hiện.
  • Quang Vỹ
    19:49 (GMT+7) - Thứ Năm, 8/12/2011
    Tôi thì chẳng lạ với những dự đoán quá lạc quan của giới phân tích đầu tư phương tây đối với các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Họ dự đoán rất lạc quan nhưng kèm theo đó là chử " nếu"...nếu làm như thế này hoặc như thế kia, tức là phải làm theo những tư vấn của họ. Chết là chổ đấy đấy.
  • Long Vũ
    18:40 (GMT+7) - Thứ Năm, 8/12/2011
    Mình là người Việt Nam nên rất vui nếu thấy đất nước Việt Nam phát triển, đời sống nhân dân ngày càng khá lên, nhưng với những dự đoán "đẹp như mơ" của những đại gia ngân hàng như Goldman Sach thì chúng ta phải hết sức cảnh giác với những lời "đường mật" của họ. 

    Dân Mỹ ngày nay cũng giận dữ với giới ngân hàng và cho rằng chính lòng tham và sự thâm hiểm của giới ngân hàng mới đẩy nước Mỹ và thế giới vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. 

    Hiện tại thu nhập đầu người của người Việt Nam khoảng 1100$ nghĩa là còn quá thập nên để đạt 20000$/người tương đương với Hàn Quốc là điều không dễ dàng chút nào nhưng chúng ta cứ lạc quan mà cứ tiến theo con đường do chúng ta vạch ra, đừng lấy những dự đoán của họ làm kim chỉ nam thì có ngày sập bẩy của họ đấy.

No comments:

Post a Comment