Thứ năm, 8/12/2011, 21:12 GMT+7
Thừa nhận con số 20% doanh nghiệp Nhà nước hiện kinh doanh lỗ hoặc hoà vốn nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, không ít trong số này là những khoản thua thiệt do phải thực hiện chính sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
> 'Năm 2012 có thể kiểm soát lạm phát ở 9%'
16 Bộ ngành, địa phương và 9 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã lần lượt trình bày báo cáo về quá trình 10 năm đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận Hội nghị ngày 8/12 bằng một phát biểu nhiều tâm huyết.
Với thông điệp chính là cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp quốc doanh, trong đó tập trung vào cổ phần hoá, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, quá trình này cần được thực hiện dựa trên sự đánh giá đầy đủ và toàn diện về thực trạng của các tập đoàn, tổng công ty cũng như các doanh nghiệp Nhà nước nói chung.
Theo Thủ tướng, một trong những thành công lớn của 10 năm đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước vừa qua là đưa được số làm ăn thua lỗ hoặc hoà vốn từ 60% xuống 20%. Con số này tuy còn cao nhưng cần được đặt trong điều kiện các doanh nghiệp không chỉ sản xuất kinh doanh đơn thuần mà còn đóng vai trò “lực lượng vật chất” để Nhà nước can thiệp thị trường, ổn định vĩ mô.
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước phải chịu lỗ để lạm phát không tăng thêm. Ảnh: Nhật Minh |
Một ví dụ được Thủ tướng đưa ra là việc EVN phải chịu lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng trong thời gian qua để giữ ổn định giá điện. “Chính phủ đã thấy trước điều này nhưng đây là khoản lỗ mà chúng ta phải chịu để giữ lạm phát không vượt quá 18%”, ông khẳng định.
Những câu chuyện tương tự về việc than phải bán cho điện ở 60% giá thành, thua thiệt nhiều nghìn tỷ đồng so với xuất khẩu, rồi việc tham gia của các ngân hàng quốc doanh vào ổn định thị trường tiền tệ những ngày qua… cũng lần lượt được người đứng đầu Chính phủ dẫn ra lý giải những khoản “lỗ chính sách” của các khối quốc doanh. Theo Thủ tướng, những khoản lỗ này cần được rạch ròi để xã hội có cái nhìn công bằng hơn về các doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy vậy, đại diện Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện hoạt động thiếu hiệu quả ngay trong lĩnh vực chủ chốt của mình. Quá trình sắp xếp đổi mới tại các doanh nghiệp này, phần vì khủng hoảng kinh tế, phần vì chỉ đạo thiếu quyết liệt nên đã có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây.
“Tồn tại này trước hết là do điều hành của Chính phủ”, Thủ tướng thẳng thắn kiểm điểm. Tuy vậy, ông cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những bất cập trong điều hành là do cơ chế xác định quyền hạn, nghĩa vụ của Nhà nước tại doanh nghiệp – với cả 2 tư cách là cơ quan quản lý và chủ sở hữu – tính đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Mặc dù có đến 6 cấp quản lý đối với một tập đoàn (hội đồng thành viên, Bộ chủ quản, các Bộ tổng hợp, Thủ tướng, Chính phủ và SCIC) nhưng câu chuyện ai làm việc gì, trách nhiệm đến đâu vẫn chưa rõ ràng. Vinashin một lần nữa được Thủ tướng gọi là một nỗi đau khi ông lấy ra làm dẫn chứng. “Khi xảy ra vụ việc thì cuối cùng Thủ tướng nhận trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm chính trị với tư cách là người đứng đầu Chính phủ chứ tôi chưa bao giờ ra quyết định nào cho Vinashin làm bậy cả”, ông chia sẻ.
Hàng loạt bất cập khác cũng được Thủ tướng nêu ra và coi là rào cản cho việc sắp xếp lại doanh nghiệp như khuôn khổ quản lý sản xuất kinh doanh, quy chế giải thể phá sản còn nhiều bất cập. “Báo cáo cho thấy 10 năm qua chỉ có 50 doanh nghiệp được cho phá sản. Như vậy là quá ít”, ông nhận xét.
Tuy vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, sự chỉ đạo thiếu cương quyết của cơ quan quản lý trong thời gian qua cũng phần nào làm chậm quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. “Tôi biết về những bất cập, chuyện kinh doanh thua lỗ ở Tổng công ty Dâu tằm tơ từ khi còn làm ở địa phương. Giờ vẫn được nghe ở Hội nghị này. Tại sao một vấn đề như vậy phải mất đến 20 năm để giải quyết?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ đề án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá hơn 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lại ngay trong tháng 12 này. Riêng với các đơn vị chưa thể sớm cổ phần hoá trong 5 năm tới để thực hiện nhiệm vụ chính trị (trong đó có Tập đoàn Dầu khí) cũng cần có báo cáo làm rõ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại các phương án cổ phần hoá đã được duyệt để cân nhắc tăng số lượng doanh nghiệp, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước. Đại diện Chính phủ cũng cho biết không khuyến khích việc giữ lại các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ dưới 50%. “Đối với các doanh nghiệp này có thể cho cổ phần hoá toàn bộ”, Thủ tướng gợi ý.
Nhật Minh
1 ngày trước
Khó giữ mãi tình trạng thua lỗ như thế
Vì mục tiêu kiềm chế lạm phát mà các tập đoàn, tổng cty nhà nước vậy chịu lỗ. Về lâu dài là khó giữ mãi tình trạng thua lỗ như thế, điều đó cũng có nghĩa áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong 1-2 năm tới là rõ ràng, lạm phát sẽ lại có cơ hội bùng lại trong thực tế. Như thế, ngay từ bây giờ lạm phát kỳ vọng đã luôn tồn tại ở mức ko thấp cho đến khi việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu xẩy ra. Cái vòng luẩn quẩn này bao giờ sẽ kết thúc?
( Nguyễn Thanh Bình )
1 ngày trước
Ủng hộ
Ủng hộ Thủ tướng;
Thủ tướng có cái nhìn đầy trách nhiệm và nhiều tâm huyết.
Cách điều hành Thủ tướng đi đúng hướng
Chúng ta hãy ủng hộ Thủ tướng vượt qua khó khăn này.
Thủ tướng có cái nhìn đầy trách nhiệm và nhiều tâm huyết.
Cách điều hành Thủ tướng đi đúng hướng
Chúng ta hãy ủng hộ Thủ tướng vượt qua khó khăn này.
( nguyễn thanh hùng )
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/12/thu-tuong-doanh-nghiep-nha-nuoc-chiu-lo-de-kim-lam-phat/
No comments:
Post a Comment