Monday, December 12, 2011

12/12 Giám sát có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào hậu giám sát

08:14 | 12/12/2011

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả giám sát của QH là vấn đề được nhiều ĐBQH và cử tri quan tâm. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cho rằng: để nâng cao hiệu quả giám sát, chương trình giám sát phải bám sát vào yêu cầu thực tế của cuộc sống. Hiệu quả của giám sát có hay không phụ thuộc rất nhiều vào hậu giám sát, vào việc tiếp thu các kết luận, các kiến nghị sau giám sát của các cá nhân, các tổ chức chịu sự giám sát , việc thực hiện các kết luận đó có thực sự nghiêm túc không.
Vấn đề bình đẳng giới đang được Nhà nước ta hết sức quan tâm. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này đang là một bài toán khó. Theo chị, cần có giải pháp gì để thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới?

ĐBQH Cao Thị Xuân: Mục tiêu của bình đẳng giới là nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử và tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển KT-XH, phát triển nguồn nhân lực và tiến tới bình đẳng thực sự giữa nam và nữ. Hệ thống pháp luật hiện nay của nước ta ngày càng được hoàn thiện, góp phần bảo đảm được sự bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, nước ta là nước đang phát triển và chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, cụ thể là tư tưởng định kiến giới vẫn đang còn tồn tại trong một bộ phận xã hội. Đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thực tế, phụ nữ có ít cơ hội được tham gia học hỏi để nâng cao trình độ so với với nam giới cũng như cơ hội để có việc làm, vì vậy thu nhập đối với lao động nữ cũng thấp hơn so với nam giới…
Cần phải khẳng định rằng, bình đẳng giới là một lĩnh vực rất rộng, nó liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực vì vậy rất cần sự quan tâm, nỗ lực phấn đấu của cả  hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Theo tôi, để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống cũng như thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới thì trong thời gian tới cần phải tập trung vào một số giải pháp sau đây: thứ nhất, cần phải tăng cường, tuyên truyền về bình đẳng giới để các cấp, các ngành nâng cao được nhận thức về bình đẳng giới. Thứ hai, phải nâng cao vị thế của người phụ nữ thông qua tăng cường số lượng nữ lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực. Thứ ba, thực hiện tốt bình đẳng nam nữ về tiêu chuẩn chuyên môn, về độ tuổi khi đề bạt bổ nhiệm vào cùng một vị trí lãnh đạo của một cơ quan, đơn vị nào đó. Một vấn đề nữa là cần phải lồng ghép vấn đề giới trong việc hoạch định các chương trình KT-XH cũng như việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
- Có ý kiến cho rằng, hiện nay kết quả của việc triển khai chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đây có thể là rào cản để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng như xoá khoảng cách giàu nghèo. Là nữ ĐBQH người dân tộc, xin chị cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
ĐBQH Cao Thị Xuân: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều chính sách đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với những chính sách ưu tiên của Nhà nước, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều chuyển biến tích cực về KT-XH, về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất cũng dần được nâng lên, khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi cũng dần được thu hẹp. Tuy nhiên, một số chính sách đặc thù đối với dân tộc chưa thực sự hiệu quả. Đây cũng có thể là một trong những rào cản để thực hiện bình đẳng giới vì đa số đồng bào dân tộc thiểu số thường sống ở vùng sâu,vùng xa, nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn do vậy trình độ dân trí và cơ hội để được tiếp cận về y tế, về giáo dục cũng rất hạn chế. Tỷ lệ được đào tạo nghề đối với người dân tộc nói chung, đối với phụ nữ nói riêng cũng rất thấp. Vì vậy, từ chỗ thiếu việc làm, thiếu cơ hội để tiếp cận dẫn đến thu nhập của phụ nữ vùng dân tộc gặp khó khăn. Đây cũng là khó khăn lớn trong việc thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới đối với miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách đầu tư hợp lý để giúp người dân vươn lên thoát nghèo một cách bền vững và kéo gần khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và các vùng miền khác trong phạm vi cả nước.
- Chủ trương của Nhà nước ta là tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân trong đó có pháp luật về bình đẳng giới. Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn mang tính hình thức, phong trào. Theo chị, cần phải làm gì để nâng cao trình độ, hiểu biết pháp luật của người dân nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số?
ĐBQH Cao Thị Xuân:Thực ra công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân đang là vấn đề được nhà nước hết sức quan tâm. Kỳ họp thứ Hai, QH Khoá XIII cũng đã thảo luận, cho ý kiến về Luật Tuyên truyền, phổ biến GDPL. Tôi nghĩ rằng, làm sao để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân nói chung và đặc biệt là người dân tộc thiểu số là vấn đề cần phải giải quyết. Thực tế, chúng ta đã có rất nhiều luật, các văn bản dưới luật nhưng để luật đi vào cuộc sống là một vấn đề cần phải quan tâm. Theo tôi, để luật đi vào cuộc sống trước hết, để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến GDPL cho người dân nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thì hình thức tuyên truyền phải phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng như thông qua các hình thức văn hoá, văn nghệ, các câu lạc bộ, thông qua các tổ chức cuộc thi tìm hiểu… Mặt khác, để tuyên truyền phổ biến GDPL đối với đồng bào dân tộc miền núi cần phải chọn nội dung, đó là các luật liên quan đến chính sách dân tộc, miền núi, những vấn đề liên quan đến an ninh biên giới, những luật sát sườn với cuộc sống của người dân, có như vậy mới nâng cao được hiệu qủa của công tác tuyên truyền pháp luật cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. 
-Là thành viên của Hội đồng Dân tộc, chị có kiến nghị gì để nâng cao hoạt động của HĐDT về việc giám sát việc thực thi các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số?
ĐBQH Cao Thị Xuân:Là thành viên của HĐDT, theo tôi, để nâng cao hiệu quả giám sát của QH nói chung cũng như của HĐDT nói riêng, trước tiên từ khi xây dựng chương trình giám sát phải bám sát yêu cầu thực tế của cuộc sống, những vấn đề bức xúc đang đặt ra và những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Vấn đề thứ hai mà các đại biểu cũng đề cập rất nhiều là hiệu quả của giám sát có hay không phụ thuộc rất nhiều vào hậu giám sát. Điều này có nghĩa là, việc tiếp thu các kết luận, các kiến nghị sau giám sát của các cá nhân, các tổ chức chịu sự giám sát như thế nào, có nghiêm túc thực hiện không. Vấn đề thứ ba là cần phải nâng cao năng lực giám sát của cơ quan giám sát, và của ĐBQH. Thực tế thời gian qua, một số đại biểu kiêm nhiệm cũng như đại biểu chuyên trách chưa thực sự đáp ứng được hoạt động giám sát của QH và các đại biểu cũng chưa đủ thời gian cũng như thông tin, kỹ năng để thực hiện chức năng giám sát một cách hiệu quả. Vì vậy, theo tôi, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đặc biệt là tăng cường về kỹ năng giám sát cho các đại biểu. Có như vậy, thì mới nâng cao hiệu quả của công tác giám sát. 
Hà An ( thực hiện)

No comments:

Post a Comment