23:13 | 11/01/2012 | |||
| |||
(ĐCSVN) - Năm 2011, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, tuy bằng 74% so với năm 2010 nhưng có xu thế chuyển biến theo hướng tích cực. Năm 2012, trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ thắt chặt, Việt Nam xác định FDI tiếp tục là một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.
Thời gian qua, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là địa điểm đầu tư dài hạn và có nhiều triển vọng nhờ những lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Theo điều tra triển vọng đầu tư thế giới năm 2010 - 2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc cho thấy, Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam là một quốc gia hấp dẫn đầu tư hàng đầu trong các nước ASEAN. Số liệu của năm 2011 cho thấy, trong tổng số vốn tăng thêm và đăng ký mới, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 76,4%, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này năm 2010 (là 54,1%). Điều này cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. Với góc nhìn là thị trường tiêu thụ, Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 15/12/2011, Việt Nam có 13.664 dự án còn hiệu lực với tổng số đăng ký 198 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 54%. Đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam vẫn đến từ các nước công nghiệp mới thuộc châu Á, trong đó Sing-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký 24 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc (23,9 tỷ USD), Nhật Bản (23,6 tỷ USD). Đầu tư từ các nước châu Âu vào Việt Nam vẫn còn hạn chế do vấn đề khủng hoảng tài chính và nợ công. Về phân bổ vốn đầu tư theo địa phương, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 32,6 tỷ USD còn hiệu lực. Tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu (27,1 tỷ USD), Hà Nội (21,8 tỷ USD), Đồng Nai (17,9 tỷ USD), Bình Dương (15 tỷ USD). Điều này cho thấy, FDI chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện hạ tầng tốt và đầu tư chưa nhiều vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn dù có các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền đất đai. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là tuy có những ưu đãi, nhưng các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn do tăng chi phí đầu tư, chi phí vận chuyển, thiếu lao động đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Năm 2011, tuy Hải Dương là địa phương có dự án đầu tư mới cấp phép dẫn đầu trong cả nước với gần 2,5 tỷ USD vốn đăng ký (tính đến tháng 11 của năm 2011), chiếm 25,2% tổng vốn đăng ký, nhưng nhìn chung lượng vốn FDI vẫn chủ yếu chảy vào những trung tâm kinh tế lớn. Điều này cho thấy tình hình này vẫn chưa được khắc phục mặc dù Việt Nam luôn có ưu đãi đối với dự án đầu tư vào các khu vực yếu về kết cấu hạ tầng cơ sở và sức mua kém.
Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, đã có khoảng 65% dự án triển khai với vốn thực hiện đạt hơn 90 tỷ USD, chiếm trên 40% tổng vốn đăng ký. Trong giai đoạn 2001-2005, vốn thực hiện đạt 14,3 tỷ USD; giai đoạn 2006-2010, vốn thực hiện đạt 44,6 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với 5 năm trước và duy trì được mức ổn định qua các năm. Năm 2009, 2010 và năm 2011, vốn thực hiện đạt lần lượt là 10 tỷ USD, 11 tỷ USD và 11 tỷ USD. Nhìn chung, các dự án FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, nhất là trong giai đoạn sau khi Việt Nam tăng tốc hội nhập kinh tế quốc tế. Giai đoạn 2001-2006, đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2007-2011, vốn đầu tư nước ngoài đã tăng lên đáng kể và đạt mức trên 20% trong tổng vốn đầu tư phát triển. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với việc thực hiện các cam kết hội nhập khu vực, Việt Nam đang trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn hàng đầu của châu Á.
Tuy bị ảnh hưởng lớn do suy giảm kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của khu vực FDI vẫn đạt khoảng 54,4 tỷ USD (kể cả dầu thô), chiếm 59% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, tăng 39,3% so với năm 2010, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước (26,1%). Nhập khẩu của khu vực FDI là 47,8 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm 2010. Điều này đã thể hiện khu vực FDI có thị trường ổn định và thích ứng cao hơn trước những biến động của kinh tế thế giới. Cũng chính sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu khu vực FDI, đã góp phần đưa tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước năm 2011 lên mức 33,3%, giúp giảm gánh nặng thâm hụt cán cân thương mại.
Đạt được kết quả quả trên là do Việt Nam đã chú trọng hơn trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, phân loại dự án và tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, thể hiện tính khu vực, liên vùng, liên ngành cao và mang tính chuyên đề. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường cả về công tác cấp phép đầu tư, quản lý sau cấp phép, sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành và các địa phương và công tác thông tin được đẩy mạnh hơn. Theo đó, năm 2012, sẽ triển khai hệ thống thông tin nối mạng với các địa phương để thực hiện tốt công tác báo cáo thống kê, từ đó có thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài.
Kinh tế thế giới năm 2012 được dự báo vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, đe doạ nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Mặt khác, việc chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng là sự cản trở khá lớn cho thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Trong bối cảnh đó, thu hút FDI của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là: Kết cấu hạ tầng cơ sở hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế cũng như chưa tạo điều kiện tốt nhất đủ sức hấp dẫn thêm nhiều vốn đầu tư mới cũng như bảo đảm cho doanh nghiệp FDI đang hoạt động phát huy hiệu quả cao nhất. Tuy nhân lực của Việt Nam dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lớn và chi phí lao động đang gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Giảm chi phí sản xuất, trong đó có chi phí thuê lao động là mối quan tâm lớn khi nhà đầu tư quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư và lợi thế chi phí lao động rẻ của Việt Nam đang dần mất đi; mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quan ngại về thời gian để giải quyết cũng như số lượng các thủ tục hành chính quá nhiều khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2012 và thời gian tới, quản lý FDI cần chú trọng và tăng cường theo hướng: nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; và hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI. Theo đó, việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI. Thu hút FDI phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Đồng thời, thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai. Đẩy mạnh liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng. Tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao. Ưu tiên phát triển các dự án các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Hạn chế thu hút FDI trong những lĩnh vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Trong quản lý đầu tư nước ngoài, cần chú ý để đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả, chống chuyển giá và nộp đúng, nộp đủ cho ngân sách nhà nước.
Năm 2012, nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, các vấn đề cơ bản như hạ tầng, nguồn nhân lực kỹ thuật cao chưa thể cải thiện nhanh,… Với những giải pháp trên, vốn FDI cấp mới vào Việt Nam năm 2012 được kỳ vọng ở mức khoảng 15 tỷ USD, vốn thực hiện duy trì ở mức 11 tỷ USD.
No comments:
Post a Comment