° Có thể tăng trưởng 7,2%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015
Ngày 11-1, Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3 do Bộ Ngoại giao và Tập đoàn truyền thông The Economist (Anh quốc) tổ chức diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực. Với chủ đề “Hành trình vào một thế giới mới”, hội nghị là diễn đàn uy tín để các nhà quản lý, doanh nghiệp quốc tế tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam chia sẻ về chính sách phát triển thời gian tới, giải đáp khúc mắc của các nhà đầu tư, các đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, động lực thay đổi mạnh mẽ luôn xuất hiện sau những khó khăn và Việt Nam đang tích cực đổi mới, tái cơ cấu kinh tế nhằm tạo tiền đề nhanh chóng vươn lên sau khi kinh tế thế giới phục hồi. Việt Nam xác định 2012 là năm bản lề trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, gồm 3 nội dung chính: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
|
Sản xuất linh kiện điện tử tại một nhà máy thuộc Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) ở TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN
|
Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết các vấn đề xã hội; tập trung nguồn lực nhằm tạo bước chuyển căn bản trên 3 khâu đột phá là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại. “Chính phủ Việt Nam không coi tăng trưởng là mục tiêu ưu tiên mà cam kết sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng chúng tôi vẫn quan tâm tới tăng trưởng để bảo đảm việc làm và hiệu quả đồng vốn của doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn diễn biến phức tạp, xu hướng phục hồi chậm và bất ổn. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam càng quyết tâm đổi mới và không chủ quan với khó khăn, không đánh giá thấp các rủi ro, đồng thời tin tưởng vào triển vọng phát triển đất nước, tự tin có đủ năng lực và tạo ra những cơ hội thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. “Doanh nghiệp là động lực của phát triển, nếu doanh nghiệp thất bại thì Chính phủ đó, đất nước đó cũng thất bại. Chính phủ Việt Nam chủ trương sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thảo luận tại hội nghị, các diễn giả đều có chung nhận định: trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và tình hình địa-chính trị thay đổi, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi lên những khó khăn lớn trong bài toán vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo phát triển bền vững, củng cố nội tệ và tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tìm ra một mô hình phát triển mới. Tuy nhiên, đa số ý kiến thống nhất rằng với những phân khúc thị trường đa dạng, các tiềm năng phát triển công nghiệp và với nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc sẵn sàng cho cuộc hành trình mới với nhiều hứa hẹn.
Ông Charles Goddard, Tổng Biên tập của The Economist khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển theo chiều hướng mới và hoạt động đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đáng kể. Khi nhiều nước đứng trước nguy cơ suy thoái kép, các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý về Việt Nam, một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á. Theo dự báo của The Economist, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015 do tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
HÀM YÊN
|
No comments:
Post a Comment