Wednesday, January 18, 2012

Hướng tới an sinh xã hội bền vững


Cập nhật lúc 02:30, Thứ tư, 18/01/2012 (GMT+7)
Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, được xem là một trong những nội dung trọng tâm của các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ.
Năm 2011, trong điều kiện nền kinh tế thế giới suy thoái, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách bảo đảm ASXH và phúc lợi xã hội cho các nhóm đối tượng. Mặc dù điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, việc chi cho công tác bảo đảm ASXH vẫn tăng khoảng 20%, riêng dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện các chính sách xã hội tăng 17% so năm 2010. Nhiều chế độ, chính sách về an sinh và phúc lợi xã hội đã được Chính phủ ban hành kịp thời, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức hỗ trợ, mở rộng diện thụ hưởng nhằm giúp người nghèo, nguời thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bằng các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, năm 2011, cả nước tạo việc làm mới cho gần 1,6 triệu lao động. Chính phủ cũng đặc biệt ưu tiên nguồn vốn để giảm nghèo bền vững ở khu vực 62 huyện nghèo. Năm 2011, nguồn tài chính dành cho 62 huyện nghèo đạt gần 3,3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hai lần so vốn bố trí năm 2010. Ðến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng trên địa bàn 62 huyện nghèo giảm 4 đến 5%/năm. Lao động nông thôn (LÐNT) thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn theo chính sách của Ðề án dạy nghề cho LÐNT. Ðề án gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, dịch chuyển cơ cấu kinh tế vùng - miền đã góp phần cải thiện đời sống hàng triệu hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện mô hình giảm nghèo bền vững, kết hợp dạy nghề, tạo việc làm cho LÐNT được nhân rộng, tạo tiền đề giảm nghèo bền vững trong những năm tới.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cũng rất tích cực trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu góp phần bảo đảm chính sách ASXH ở địa phương. Ðến cuối năm 2011, số người tham gia BHXH, BHYT là hơn 56 triệu người, tăng gần 5,4 triệu người (hơn 10%) so năm 2010. Ðáng chú ý, đối tượng tham gia BHYT đã chiếm tới 60% số dân. Ngoài các đối tượng thuộc diện bắt buộc mua BHYT, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ một phần hoặc hỗ trợ 100% mệnh giá BHYT cho nhiều nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên...
Năm 2012, theo dự báo, tình hình kinh tế - xã hội thế giới cũng như trong nước sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Nghị quyết số 01/NQ-CP Chính phủ vừa ban hành ngày 3-1 đã tiếp tục khẳng định, bảo đảm ASXH phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương. Ðể thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã giao  Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Hoàn thiện và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015; trong đó tập trung chỉ đạo, tạo nguồn lực và đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, xã nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn... Ðồng thời, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết việc làm, như: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn dạy nghề với tạo việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm, giải quyết việc làm và đào tạo nghề, nhất là đối với người nghèo, LÐNT, bộ đội xuất ngũ, các vùng đô thị hóa. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách, chương trình, đề án về xuất khẩu lao động; tăng cường đào tạo nghề, trang bị kiến thức và các hỗ trợ cần thiết cho người đi lao động xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động; thực hiện tốt các quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác cho người lao động bị mất việc làm...
Có thể thấy, với các giải pháp quyết liệt được triển khai và thực hiện đồng bộ, công tác an sinh xã hội sẽ tiếp tục được bảo đảm và phát huy hiệu quả trong năm 2012.
VŨ LAN



No comments:

Post a Comment