Monday, January 16, 2012

Quyết tâm “vượt sóng”


Thứ Hai, 16.1.2012 | 11:16
Năm đầu tiên nhậm chức trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ những băn khoăn, trăn trở của mình với tinh thần quyết tâm: “Phải hành động ngay… không được ngồi chờ, rồi đổ thừa cho khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế…” và khẳng định: “những năm đầu của kế hoạch 5 năm, chúng ta phải tạo được những tiền đề cơ bản để những năm sau đạt được mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra…”.
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo...”
(Tục ngữ)
“Nội lực là quyết định...”

Chủ tịch Nước nói: Năm 2011, tình hình an ninh chính trị ở một số khu vực trên thế giới diễn ra rất phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục gây tác động mạnh đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh, trật tự - an toàn xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục đạt tăng trưởng GDP gần 6%... Trong bối cảnh hết sức khó khăn, đạt được những kết quả như vậy là rất đáng mừng.
Đối mặt với khó khăn, trở ngại cũng giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm, và quan trọng hơn là chúng ta có thêm tự tin trên bước đường phát triển phía trước chắc chắn sẽ còn không ít thách thức. Chúng ta tự tin vào sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vào nội lực của đất nước có ý nghĩa quyết định, kết hợp sức mạnh hợp tác quốc tế là rất quan trọng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
(?) Thưa Chủ tịch, trong năm tới, bối cảnh chung và tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn, Đảng, Nhà nước sẽ có những chính sách, giải pháp gì chia sẻ/tháo gỡ khó khăn với người dân và doanh nghiệp?

- Để tháo gỡ những khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trước hết là các giải pháp về tài chính và tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ người nghèo; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều khó khăn; đồng thời khi chỉ số lạm phát giảm xuống, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ dần lãi suất cho vay, giảm bớt khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Cùng với những giải pháp cấp bách trước mắt đó, để hỗ trợ, giúp đỡ người dân và doanh nghiệp một cách cơ bản, lâu dài, cần phải phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Với mục tiêu đó, Đảng, Nhà nước đề ra nhiệm vụ phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để chuyển từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang dần phát triển theo chiều sâu dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng nhất định chúng ta sẽ phải thực hiện thắng lợi. Hiện nay, công việc đang được triển khai thực hiện tích cực.

Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là rất quan trọng, nhưng yếu tố nội lực vẫn là yếu tố quyết định. Với nguồn lực bên ngoài, chúng ta phải chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và các nguồn lực khác, cần phải sử dụng nguồn ngoại lực đó một cách hiệu quả.

Giữ vững chủ quyền...
(?) Trong tuyên bố nhân lễ nhậm chức chiều 25.7.2011, Chủ tịch Nước đã hứa trước quốc dân đồng bào là: “Chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước...”. Chủ tịch sẽ làm gì để thực hiện lời hứa đó?

- Với bất cứ quốc gia, dân tộc nào, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Việt Nam ta là một quốc gia có lịch sử hàng ngàn năm bị phong kiến, đế quốc, thực dân đô hộ, có được độc lập, tự do, thống nhất đất nước như hôm nay là mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng, Nhà nước ta, của mọi người Việt Nam yêu nước. Trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, chúng ta đã chiến thắng nhiều đối phương có sức mạnh vật chất gấp trăm, nghìn lần, để lại cho chúng ta những bài học và kinh nghiệm quý giá.

Ngày nay, để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đòi hỏi trước hết phải có đường lối chính trị đúng đắn, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh, đồng thời luôn phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước vững mạnh; xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời tích cực chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ với các nước, nâng cao uy tín của đất nước trên thế giới, tận dụng và phát huy sức mạnh của thời đại vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Là một thành viên của Ban lãnh đạo đất nước, tôi sẽ góp phần mình vào xây dựng và thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ đó.
“Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng, Nhà nước ta, của mọi người Việt Nam yêu nước”
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang
(?) Thưa Chủ tịch, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, Chủ tịch đánh giá như thế nào về trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết quan trọng này và năng lực tự đổi mới của tổ chức công đoàn? Chủ tịch kỳ vọng gì ở tổ chức công đoàn trong thời gian tới?

- Đây là lần đầu tiên BCH Trung ương Đảng ra một nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp công nhân. Ngay khi ra đời, NQ 20-NQ/TW đã được công nhân lao động phấn khởi đón nhận. Mặc dù sau 3 năm chúng ta đã làm được một số việc, nhưng kết quả triển khai trên thực tế nhìn chung còn rất chậm, đặc biệt là thể chế hóa thành chính sách để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Điều này có trách nhiệm của cả tổ chức Đảng và chính quyền cấp trung ương. Đây là điều cần phải sớm khắc phục và triển khai mạnh mẽ hơn để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống trong thời gian tới.

Đội ngũ công nhân lao động cả nước hiện có gần 11 triệu người, chiếm 21% lực lượng lao động, đóng góp trên 60% tổng sản phẩm xã hội, góp phần rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nhưng hiện nay, đời sống của một bộ phận công nhân còn gặp nhiều khó khăn, việc làm chưa ổn định. Tổ chức công đoàn cũng chưa phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong nhiều doanh nghiệp tư nhân. Tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, xứng đáng với vị trí quan trọng mà công đoàn đang đảm nhận.

Tôi mong muốn tổ chức công đoàn phải sát sao cơ sở, kịp thời phản ánh tình hình mọi mặt của giai cấp công nhân với Đảng, Nhà nước; phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng những điển hình trong sản xuất và hoạt động của tổ chức công đoàn, đấu tranh với người sử dụng lao động để thực hiện đúng luật pháp, chính sách của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người lao động mà pháp luật đã quy định, góp phần cải thiện đời sống của người công nhân, ổn định và phát triển nền kinh tế, phát triển tất cả doanh nghiệp trên cả nước. Công đoàn các cấp cũng cần có những kiến nghị, nghiên cứu để đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, cũng như xây dựng, chăm lo đời sống giai cấp công nhân, với Đảng, Nhà nước.

- Xin cảm ơn Chủ tịch Nước!
Thực hiện: Bích Hằng
Ảnh: Giang Huy - Kỳ Anh

No comments:

Post a Comment