Sunday, January 15, 2012

Doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp ở Hà Nam thờ ơ với việc thành lập tổ chức công đoàn


17:37 | 15/01/2012
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hà Nam cho biết, hiện đa phần các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa thành lập được tổ chức công đoàn. Mặc dù LĐLĐ các cấp đã rất nỗ lực tuyên truyền, vận động, kiểm tra nhưng việc thành lập công đoàn trong doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp khi được thành lập, hoạt động chỉ bị quản lý thông qua thuế, còn đơn vị cấp phép hay chính quyền địa phương đều đứng ngoài cuộc. 
 Ảnh minh họa: DĐDN
Hiện tỉnh Hà Nam có trên 2.000 doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh, trong đó phần lớn là doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (KCN). Tỉnh hiện có 8 KCN, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 21.000 lao động. Mặc dù các doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất tại các KCN còn khiêm tốn với khoảng 100 doanh nghiệp đang hoạt động, gần 30 doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư, xây dựng và hoàn thiện, nhưng đã có 74 doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn, hoạt động một cách quy củ, góp phần bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như người lao động. 

Theo ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các KCN đều ý thức rất rõ vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn. Việc xây dựng và phát triển tổ chức này đã hỗ trợ rất tốt cho công tác điều hành, quản lý và thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bởi thông qua công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động đã tìm được tiếng nói chung. Theo ông Quân, việc xây dựng tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, công ty hoạt động trong cac khu công nghiệp phản ánh sự nỗ lực rất lớn của LĐLĐ các cấp, cũng như sự đồng lòng của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, trái với việc xây dựng tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp nêu trên, công tác xây dựng tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, công ty ngoài KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh Hà Nam, hiện khu vực ngoài KCN có trên 2.000 doanh nghiệp, công ty đang hoạt động nhưng mới chỉ có trên 200 doanh nghiệp, công ty thành lập tổ chức công đoàn. Tại khu vực này, cán bộ ngành LĐLĐ rất khó tiếp cận doanh nghiệp, công ty để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn, bởi hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về đơn vị giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, công ty nói trên. Các doanh nghiệp, công ty này chỉ bị quản lý thông qua thuế, cơ quan quản lý nhà nước hay chính quyền địa phương cũng chỉ nắm được hoạt động của doanh nghiệp thông qua nguồn thu này. Ngoài ra, các hoạt động khác của doanh nghiệp như việc chấp hành Luật Lao động chưa được giám sát sát sao. Trên thực tế, có không ít doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất đã vi phạm Luật Lao động hay lách luật, đơn cử như việc vi phạm về tiền công, thời gian làm thêm giờ quá quy định... Chính vì lý do này, người sử dụng lao động có tâm lý "ngại" thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Ngoài ra, phần đa các doanh nghiệp hoạt động hiện nay theo tổ chức gia đình, doanh nghiệp nhỏ thường sử dụng lao động là người thân trong gia đình, nên chủ doanh nghiệp cho rằng không cần thiết phải thành lập tổ chức công đoàn.

Cũng theo ông Quân, một khó khăn nữa trong việc thành lập tổ chức công đoàn, hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận là ai sẽ đứng ra thành lập tổ chức này tại doanh nghiệp? Có ý kiến cho rằng chủ doanh nghiệp hay người sử dụng lao động phải làm việc này, cũng có ý kiến cho rằng LĐLĐ đứng ra thành lập tổ chức công đoàn mới đúng. Cho dù ai là người đứng ra thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, công ty ngoài khu công nghiệp thì thực trạng người sử dụng lao động thờ ơ với việc thành lập tổ chức công đoàn là một thiệt thòi không nhỏ cho người lao động./.



(Theo TTXVN)


No comments:

Post a Comment