Thursday, April 5, 2012

Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông và các luận điểm pháp lý


04:21-05/04/2012 
Hoàng Việt

Sơ đồ đường yêu sách 9 đoạn
- đường lưỡi bò - của Trung Quốc
trên Biển Đông. Nguồn: VnExpress.
Cho đến nay, vẫn không rõ quan điểm chính thức của chính quyền Trung Quốc về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò”. Trong khi đó, nhiều lập luận của các học giả cũng như của chính quyền Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế.
Lịch sử xuất hiện “đường lưỡi bò”

Năm 1933, Pháp thực hiện việc đưa quân ra đồn trú tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để đối phó với các hành động này của chính quyền Pháp tại Đông Dương, chính quyền Cộng hòa Trung Hoa (chính quyền Tưởng Giới Thạch) đã cho thành lập Ủy ban Điều tra Bản đồ Đất và Biển. Nhiệm vụ của Ủy ban này bao gồm việc khảo sát và đặt tên cho các đảo ở Biển Đông và xuất bản các bản đồ để thể hiện các đảo này thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Bản đồ chính thức đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò” có nguồn gốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Bản đồ này được Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản tháng 2/1948 có tên 南海诸岛位置图 - Nanhai zhudao weizhi tu –( Nam hải chư đảo vị trí đồ). Bản đồ này của chính quyền Quốc Dân Đảng được các học giả Trung Quốc cho biết là dựa theo một số bản đồ không rõ ràng của một vài cá nhân. Trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà nhiều học giả Trung Hoa gọi là “đường hình chữ U” hay “đường chín đoạn”, một số học giả gọi nó là “đường lưỡi bò” bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống biển Đông, đường này được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn.



Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch  thất bại trước Bắc Kinh phải chạy ra đảo Đài Loan, và cũng từ đó, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (sau đây gọi tắt là Trung Quốc), quốc gia này sau đó thay thế Cộng hòa Trung Hoa (sau đây gọi tắt là Đài Loan) trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Năm 1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như  bản đồ trước đó gồm 11 đoạn.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra giải thích vì sao lại bỏ đi hai đoạn đó, thời điểm bỏ đi hai đoạn này cũng không nhất quán trong các tài liệu của các học giả Trung Quốc. Điều đặc biệt là trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả Chính phủ Cộng hòa Trung Hoa lẫn Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó cả.

Trong các tuyên bố và các văn bản luật quan trọng của chính quyền Trung Quốc bao gồm Tuyên bố về Lãnh hải tháng 8 năm 1958, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992, Tuyên bố của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải năm 1996, Luật của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa năm 1998 đều không thấy nhắc gì tới yêu sách “đường lưỡi bò” này cũng như không có bản đồ nào có hình “đường lưỡi bò” được đính kèm.

Năm 2009 là năm mà theo quy định của Công ước, các quốc gia ven biển phải đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng của mình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (viết tắt là CLCS). Ngày 06/05 Việt Nam và Malaysia có trình lên CLCS một Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước, cùng khi đó, Việt Nam cũng gửi một Báo cáo riêng của mình lên CLCS.

Ngày 07/05/2009, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã gửi Công hàm phản đối đối với Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia cũng như Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của riêng Việt Nam, trong Công hàm phản đối này có kèm theo một bản đồ có hình “đường lưỡi bò”.

Tuy nhiên, cũng như trước đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối giải thích chính thức về tính chất pháp lý đối với yêu sách biển được thể hiện trong bản đồ có “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009  này.

Lập luận của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” và các luận điểm pháp lý

Cho đến nay, vẫn không rõ quan điểm chính thức của chính quyền Trung Quốc về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” này. Mặc dù, trong Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 này, chính phủ Trung Quốc cho rằng:

“Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo ở Biển Nam Trung Hoa và các vùng biển kế cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của vùng biển đó (xem bản đồ kèm theo). Lập trường trên đây đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra một cách nhất quán và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi.”


Bản đồ ĐLB 9 vạch đính kèm theo công hàm TQ gửi
Liên Hiệp Quốc năm 2009

Với công hàm ngày 7/5/2009 có kèm bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi Biển Đông như một vịnh lịch sử”. Đường này các học giả Trung Quốc coi là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng tìm cách kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa”.

Lập luận trên của các học giả cũng như của chính quyền Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế.

Thứ nhất, các học giả quốc tế (bao gồm cả các học giả Đài Loan) cho rằng thời điểm chính quyền Trung Quốc gửi hai Công hàm ngày 7/5/2009 lên Liên Hợp  Quốc, trong đó kèm theo bản đồ có “đường lưỡi bò” mới là thời điểm đầu tiên bản đồ này xuất hiện công khai trước cộng đồng quốc tế.

Trong vấn đề này, ta có thể tham khảo ý kiến của  thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/Sedudu: “…một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”. Hai học giả danh tiếng về luật quốc tế của châu Âu là Erik Franckx & Marco Benatar trong một nghiên cứu của mình cho rằng: “Trong trường hợp này, tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía chính phủ Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về đường chữ U do các học giả đưa ra cũng như công hàm mập mờ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này”.

Như vậy thì ngay cả việc gửi bản đồ có kèm theo “đường lưỡi bò” lên Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009 mà không có giải thích gì khác thì cũng chưa hình thành một yêu sách lãnh thổ, còn tới việc cho xuất bản bản đồ theo bản đồ (khó kiểm chứng tính chính xác) của một cá nhân mà không công bố rõ ràng trước cộng đồng quốc tế thì không thể gọi là một yêu sách lãnh thổ của một quốc gia được.  Nếu Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia khác phải công nhận những bản đồ, tài liệu do Trung Quốc đưa ra mà không công bố cho thế giới, thì Trung Quốc cũng phải công nhận các bản đồ, tài liệu của tất cả các nước, trong đó có các bản đồ cổ của VN và nhiều bản đồ phương Tây khác nêu rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của VN!

Thứ hai, Trung Quốc luôn cho rằng, họ có chủ quyền trên vùng biển này bởi vì họ đã thiết lập một  danh nghĩa lịch sử từ lâu đời, thế nhưng, cho đến trước năm 1909, Trung Quốc chưa có bất cứ sự hiện diện nào trên Hoàng Sa, cũng như trước năm 1988 Trung Quốc cũng chưa có bất kỳ sự hiện diện nào tại Trường Sa. Thêm nữa, tất cả các bộ chính sử của nhà nước phong kiến Trung Quốc, từ Sử ký cho đến Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh Nhất thống chí (1461), Đại Thanh Nhất thống chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”.

Trung Quốc còn tuyên truyền rằng, việc các quốc gia phương Tây khi ghi chép về vùng biển này dưới tên gọi “biển Nam Trung Hoa”, điều đó chứng tỏ khu vực biển này phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ “Biển Nam Trung Hoa” không trao chủ quyền lịch sử cho Trung Quốc. Theo luật quốc tế, chỉ riêng việc đặt tên một vùng lãnh thổ không thiết lập chủ quyền đối với vùng đó. Tên gọi này đã bị các quốc gia liên quan, bao gồm Việt Nam phản đối mạnh mẽ. Các bản đồ nước ngoài sử dụng tên Biển Nam Trung Hoa chỉ đơn giản tuân thủ cách sử dụng các thuật ngữ biển trong cuốn Ranh giới Biển và Đại dương năm 1953 của Tổ chức Thủy văn học quốc tế, không hề có giá trị nào về mặt chính trị. Do đó, sự chọn lựa thuật ngữ không nhằm ám chỉ sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc của các quốc gia phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc đã từng sử dụng các tên gọi khác nhau cho vùng biển này: “Biển Giao Chỉ” (Triều Tống và Minh) và “Nam Hải” (triều Thanh (1905)), Cộng hòa Trung Hoa (1913), Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1952 và 1975)).

Thứ ba, một số học giả Trung Quốc như Zhao Li Hai, Pan ShiYng cho rằng “đường lưỡi bò” biểu thị “đường biên giới truyền thống” của Trung Quốc. Ta có thể thấy “đường lưỡi bò” không thể là một đường biên giới quốc tế được vì nó không phải là con đường ổn định. Từ 11 đoạn, sau này Trung Quốc đã phải bỏ đi hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của con đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích là để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Trong khi đó, đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát. “Đường lưỡi bò” không thể hiện được đặc tính đó, thêm nữa, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế không thể thể hiện là một đường biên giới được.

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, với những hành động mập mờ, không rõ ràng của Trung Quốc đối với việc xuất bản bản đồ có “đường lưỡi bò”, chưa thể nói đó là một yêu sách lãnh thổ để các quốc gia khác phải lên tiếng. Chưa kể các luận điểm các học giả Trung Quốc đưa ra còn mâu thuẫn với các tuyên bố chính thức của chính quyền Trung Quốc.

Cụ thể, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng:

“Chiều rộng lãnh hải nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”.

Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, tức là vùng biển tự do quốc tế, chứ đâu phải là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Thứ năm, các học giả Trung Quốc còn cho rằng cộng đồng quốc đế đã không lên tiếng phản đối để ngăn chặn sự củng cố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nên đã tạo cho yêu sách này của Trung Quốc được “mặc nhận”:

“Lúc tuyên bố về đường chín đoạn, cộng đồng quốc tế không hề thể hiện sự phản đối. Không một quốc gia lân cận nào bày tỏ phản đối ngoại giao. Sự im lặng này đối với một tuyên bố công khai có thể coi như tạo nên sự công nhận, và có thể nhấn mạnh rằng đường đứt đoạn đã được công nhận trong một nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một vài quốc gia Đông Nam Á liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mới thắc mắc về quy chế pháp lý của đường chín đoạn.”

Các học giả Trung Quốc nói vậy nhưng thực tế thì ngay tại hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là “đường lưỡi bò” được các quốc gia khác công nhận.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế và động thái đối phó của Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc gửi hai Công hàm lên Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009 (tức là thời điểm “đường lưỡi bò” chính thức xuất hiện lần đầu tiên trước cộng đồng quốc tế), ngày 8/5/2009 Việt Nam đã gửi ngay Công hàm để phản đối:

“Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo này. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông như được minh hoạ trên bản đồ đính kèm với các Công hàm CML/17/2009 và CML/18/2009 không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế, do đó vô hiệu.”


Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII".

Ngày 08/07/2010, Indonesia - một quốc gia lớn của ASEAN, không có những tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng đã gửi công hàm  No. 480 /POL-703/VII/10 lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách trên vùng biển này của Trung Quốc. Công hàm của Indonesia có nêu rõ:

“…Do vậy, dựa vào những tuyên bố trên, cái gọi là “bản đồ đường đứt đoạn” được kèm theo Công hàm Số: CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 nói trên rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại các quy định của của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc.”

Trong Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton cũng lên tiếng phản đối những yêu sách biển không tuân thủ Công ước Luật biển 1982, mà “đường lưỡi bò” chính là đối tượng được nhắc tới.

Ngày 5/4/2011, Philippines cũng gửi một Công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, công hàm này nêu rõ: “…yêu sách của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về “các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển” (được đính kèm với Công hàm số CML/17/2009 và Công hàm số CML/18/2009) đã được nói trên ở đây, bên ngoài các cấu trúc địa chất của KIG (tức Trường Sa – người viết chú thích), “các vùng nước liên quan” này không có cơ sở nào trong luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982”.

Trong rất nhiều hội thảo quốc tế về biển Đông và liên quan đến biển Đông, các học giả Trung Quốc luôn bối rối trước các chất vấn về tính chất pháp lý của “đường lưỡi bò” từ các học giả quốc tế. Hầu hết các học giả quốc tế (trừ các học giả Trung Quốc) đều phản đối “đường lưỡi bò”.

Trước sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã tìm cách đối phó, họ đưa ra các lập luận có vẻ mềm dẻo hơn thông qua tuyên bố của các nhà khoa học Trung Quốc, điển hình như qua phát biểu của Wu shicun – Chủ tịch Viện nghiên cứu biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc trả lời tờ Asahi Shimbun (báo Nhật Bản) ngày 26/1/2012. Trong phát biểu đó, Wu shicun cho rằng: “Một số tranh luận  rằng toàn bộ khu vực biển được gọi là “đường lưỡi bò” bởi vì hình thể địa lý của nó, phải thuộc về Trung Quốc. Đó là giải thích khiên cưỡng, tuy nhiên, đó không phải là giải thích chính thức của chính quyền Trung Quốc. Quan điểm được chấp nhận rộng rãi (tại Trung Quốc) đường này là đường quy thuộc các đảo. Quan điểm này cho rằng tất cả các đảo nằm trong “đường lưỡi bò” phải thuộc về Trung Quốc, và Trung Quốc có quyền lịch sử, bao gồm cả quyền đánh cá trên các vùng nước xung quanh”.

Với những  phát  biểu lập lờ kiểu như vậy, Trung Quốc đã đặt ra những mục tiêu: một mặt, Trung Quốc có thể xoa dịu dư luận quốc tế về tính chính đáng của “đường lưỡi bò” bằng cách dùng con đường học giả đánh tiếng có những thay đổi nhất định trong quan điểm: chỉ yêu sách đảo, còn vùng nước là quyền lịch sử như quyền đánh cá chẳng hạn, nhưng mặt khác, Trung Quốc vẫn có thể duy trì “đường lưỡi bò” bao gồm cả các đảo và các vùng nước, đồng thời cũng tuyên bố sớm lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012, để có thể từ đó dung hòa cả quyền lịch sử và quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế, tiếp tục duy trì tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển này.

***

Biển Đông đã và đang là vùng biển chung của các quốc gia trong khu vực và chứa đựng nhiều quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Biển Đông không thuộc hoàn toàn riêng về một nước, kể cả Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, hay Philippin, Brunei. Vì thế, các vấn đề của Biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần cầu thị, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của nhau, tuân thủ pháp luật quốc tế, cùng nhau tìm một giải pháp công bằng, mà các bên cùng có thể chấp nhận. Các yêu sách biển vô lý và đi ngược lại các quy định của luật biển quốc tế như “đường lưỡi bò” sẽ không thể có chỗ đứng trong thế giới hiện đại.



http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5062

No comments:

Post a Comment