Thursday, September 23, 2010

22/09 Tăng cường quản lý dự án FDI sau cấp phép

ND - Thực trạng một loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn lên đến hàng tỷ USD đang rơi vào tình trạng "treo" tại một số địa phương hay một số dự án FDI bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... đã cho thấy công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai dự án FDI sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (sau cấp phép) còn bị buông lỏng, hiệu quả chưa cao.


Rút giấy phép nhiều dự án FDI


Gần đây, hàng loạt dự án FDI đã bị nhiều địa phương kiên quyết rút giấy chứng nhận đầu tư do chậm triển khai so với tiến độ cam kết hoặc nhà đầu tư không có khả năng thực hiện. Ðiển hình như tại Quảng Nam, đã có ba dự án bị rút giấy phép, gồm: Dự án Bãi biển Rồng vốn đăng ký 4,15 tỷ USD, do hai Công ty Tano Capital LLC và Công ty Global C&D Inc (Mỹ) làm chủ đầu tư; Dự án du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund của nhà đầu tư Mỹ; Dự án Khu du lịch Quê Việt của nhà đầu tư Ca-na-đa. Hay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh cũng vừa chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar (vốn Hàn Quốc) do không đủ năng lực tài chính...


Có thể nói, thời gian qua, nhiều dự án FDI chậm triển khai đã ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư ở Việt Nam. Trong khi quỹ đất sạch tại nhiều địa phương đang ngày càng trở nên khan hiếm thì việc các dự án FDI "chiếm đất", không triển khai thực hiện đã khiến nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thật sự, cấp bách đành bỏ lỡ cơ hội đầu tư vì không tìm được mặt bằng. Ðây là sự lãng phí lớn về nguồn lực. Không chỉ vậy, tình trạng "treo" của các dự án FDI còn gây khó khăn, bức xúc cho người dân trong diện giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án. Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Ðỗ Nhất Hoàng cho rằng, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động FDI đã được các địa phương thực hiện nhưng chưa đầy đủ, đúng mức. Không ít dự án FDI không có khả năng triển khai nhưng cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng dự án treo. Hiện cả nước có 24 dự án FDI quy mô vốn hơn một tỷ USD, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang yêu cầu các địa phương rà soát lại những dự án này, trong đó, dự án nào không có khả năng thực hiện sẽ kiên quyết đề nghị rút giấy phép.


Theo Nghị định 108/2006/NÐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ðầu tư, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai dự án sau 12 tháng được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được gia hạn hoặc cho tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án vi phạm quy định chậm tiến độ nhưng các cơ quan chức năng ở địa phương do thiếu đôn đốc, theo dõi việc triển khai dự án nên không xử lý kịp thời, dứt điểm. Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng cho biết, nhiều địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý mạnh mẽ các dự án FDI vi phạm. Song, cũng phải thừa nhận, các quy định về chế tài xử phạt hiện nay còn chưa đủ sức răn đe, nên trong thời gian tới rất cần nhanh chóng sửa Nghị định 53/2007/NÐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đầu tư theo hướng tăng mức chế tài.


Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động FDI


Tháng 5-2010, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã có Công văn số 2879/BKH-ÐTNN về việc tăng cường giám sát, kiểm tra đối với các dự án FDI, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (cụ thể như tiến độ góp vốn điều lệ và triển khai dự án; tiến độ xây dựng...). Ðồng thời, rà soát, theo dõi, đôn đốc các dự án tạm dừng triển khai thực hiện, trên cơ sở đó có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư về việc triển khai các dự án theo đúng tiến độ...


Không dừng lại ở đó, mới đây ngày 18-8, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư lại tiếp tục có Công văn số 5714/BKH-ÐTNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư yêu cầu các doanh nghiệp/dự án FDI trên địa bàn báo cáo tình hình thực hiện một số dự án FDI bao gồm các chỉ tiêu như tiến độ triển khai thực hiện dự án; góp vốn; lao động; việc tuân thủ các quy định của giấy chứng nhận đầu tư; pháp luật về môi trường, đất đai, thuế... Còn các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải tổng hợp tình hình thực hiện các dự án đồng thời báo cáo và đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư (quy trình cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; giám sát tình hình thực hiện mục tiêu quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, góp vốn, triển khai dự án...) và về lĩnh vực chuyên ngành (môi trường, lao động, đất đai...) của các cơ quan chức năng trên địa bàn theo quy định Luật Ðầu tư và của pháp luật chuyên ngành đối với các dự án FDI trong thời gian gần đây (từ năm 2005 đến nay). Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động FDI trên phạm vi cả nước.


Chấn chỉnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động FDI là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động FDI thuộc về nhiều bộ, ngành, địa phương nên rất cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt giữa các bộ, ngành trung ương, giữa trung ương với địa phương.


HẢI THU

No comments:

Post a Comment