Thursday, September 23, 2010

23/09 Sức sống của vùng đất tây - nam thành phố mang tên Bác

ND - Trong những ngày Nam Bộ kháng chiến, quận 8 là nơi diễn ra những trận chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn ngăn không cho thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng. Những địa danh cầu Chữ Y, Chà Và, Nhị Thiên Ðường, bến đò Long Kiểng,... đã ghi dấu chiến công của vùng sông nước hiên ngang, bất khuất.


Sau 65 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, hôm nay, mảnh đất cách mạng này lại mạnh mẽ vươn lên thành đô thị mới khang trang nơi cửa ngõ Tây - Nam thành phố mang tên Bác.


Ký ức hào hùng


Trong những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi gặp ông Quách Văn Phải (Chín Phải), cựu chiến binh phường 5, quận 8, người đã tham gia đánh Pháp trong những ngày Nam Bộ kháng chiến tại Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1945. Ở tuổi ngoài 90, giọng nói không còn khỏe nhưng ông Chín Phải vẫn "say mê" khi kể về những ngày tham gia cách mạng. Trong câu chuyện của mình, ông nhiều lần nhắc về trận đánh cầu Chữ Y mà ông cùng các lực lượng yêu nước tham gia chiến đấu. Ngay khi tái chiếm nước ta, Pháp cho quân ào ạt đổ tới nhằm chiếm cầu Chữ Y, mở rộng địa bàn chiếm đóng ra vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân quận 8 với tinh thần "ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao, mỗi người là một chiến sĩ, mỗi thước đất là một chiến hào" đã xông lên bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc. Nghe tiếng súng nổ, từ cầu Rạch Ông, bến đò Long Kiểng, làng Chánh Hưng, khu vực xóm than (phường 8) các đơn vị vũ trang cùng quần chúng nhân dân tới gần một nghìn người với giáo mác, tầm vông, dây thừng tiến lên mặt cầu chiến đấu không cho địch qua cầu. Khắp nơi, lực lượng của ta đồng loạt đánh mõ, gõ thùng, hô xung phong vang dậy. Tinh thần dũng cảm và khí phách của lực lượng vũ trang và nhân dân ta khiến địch phải quăng súng, bỏ cả xe rút chạy. Cầu Chữ Y trở thành mặt trận máu lửa đối với giặc Pháp. Ðến đầu tháng 10, quân Pháp nhiều lần đánh cầu Chữ Y nhưng lực lượng của ta vẫn giữ vững mặt trận này. Ông Chín Phải chậm rãi kể: "Có những đợt kéo dài cả mấy ngày, lực lượng của ta đã xông lên đánh giáp lá cà với địch. Chiến trận ác liệt là vậy nhưng anh em ai cũng kiên cường bám giữ, quyết không để mất cầu".


Nơi nổ ra tiếng súng đầu tiên của quân, dân quận 8 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà ông Phải kể chúng tôi nghe giờ là Công viên Dạ Nam thuộc phường 3, quận 8. Chiến công tại địa danh này được khắc trên tấm bia "Tại khu vực này những tiếng súng đầu tiên của Nam Bộ kháng chiến của quân, dân quận 8 đã nổ ngày 23-9-1945. Ðồng bào ở đây đã cướp vũ khí của phát-xít Nhật trong kho I.Ta. Ka đặt tại bờ sông này anh dũng đánh trả bọn thực dân Pháp xâm lược đang chiếm nhà đèn Chợ Quán và chuẩn bị lấn chiếm ra ngoài thành phố". Năm 2007, nơi đây đã được Ðoàn Thanh niên phường 3 xây dựng thành điểm sinh hoạt cho thanh niên, thiếu niên. Công viên Dạ Nam không chỉ là điểm vui chơi cho người dân mà còn là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng, tinh thần cách mạng và truyền thống yêu nước của dân tộc ta.


"Vùng trũng" vươn lên


Cầu Chữ Y không chỉ là địa danh nổi tiếng trong những ngày Nam Bộ kháng chiến, nơi đây còn ghi dấu những chiến công của quân và dân quận 8 trong cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ðất nước đổi mới, cầu là nhịp nối, giúp kinh tế - xã hội của khu vực tây - nam thành phố vươn lên. Năm 2009, cầu Chữ Y mới được khánh thành giúp việc giao lưu từ nơi cửa ngõ này với khu vực trung tâm thành phố dễ dàng hơn. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 8 Ðỗ Hữu Trí cho biết: "Ba năm trở lại đây, với sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, cùng với nỗ lực của Ðảng bộ và nhân dân, quận 8 đang từng ngày thay da đổi thịt. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện".


Từ năm 2006 đến nay, quận 8 đã dành hơn 1.345 tỷ đồng nguồn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản. Cùng với cầu Chữ Y, các công trình cầu hiện đại như cầu Chà Và, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương... được hoàn thành, phá thế cách sông, cách đò giữa quận 8 với các quận chung quanh. Bên cạnh đó, Trung tâm thương mại Bình Ðiền với chợ đầu mối nông sản lớn nhất cả nước, đại lộ Ðông Tây, quốc lộ 50, nhiều tuyến đường nội bộ trong quận đã được hoàn thành tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của quận. Tổng thu ngân sách nhà nước của quận tăng bình quân 24,36%/năm, trong đó dịch vụ, thương mại tăng bình quân 41,14%/năm. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ, thương mại - công nghiệp. Sản xuất công nghiệp giữ được mức tăng trưởng khá, tăng bình quân 19,67%/năm,... Ðến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn quận sử dụng nước sạch đạt hơn 95%. Năm 2007, quận đã đạt chuẩn giáo dục phổ cập bậc trung học. Ðến cuối năm 2008, quận đã hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo (theo tiêu chí sáu triệu đồng/người/năm) và phấn đấu năm 2015 về cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí 15 triệu đồng/người/năm.


Bộ mặt đô thị quận 8 đang đổi thay mạnh mẽ thông qua các dự án chỉnh trang đô thị, di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch. Vào dịp kỷ niệm 35 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, quận 8 đã di dời, tái định cư cho hơn 900 hộ dân sống trên và ven rạch Ụ Cây thuộc địa phận các phường 9, 10 và 11 về những khu tái định cư khang trang, hiện đại. Khu vực rạch Ụ Cây với những dãy nhà tạm bợ, lụp sụp trước đây nay sẽ được thay bằng khu Trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất. Dự án rạch Ụ Cây, quận 8 trở thành một điểm sáng của thành phố trong việc di dời, tái định cư, đem lại cuộc sống mới cho những hộ dân sống trên và ven kênh rạch của TP Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Hồ Hải cho biết: "Dự án rạch Ụ Cây được hoàn thành trong thời gian ngắn là do quận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phương châm khi triển khai dự án là luôn đặt lợi ích của người dân lên trước, không để tình trạng người dân không có nhà ở sau khi di dời bằng nhiều biện pháp hỗ trợ cho người dân". Từ những thắng lợi của dự án rạch Ụ Cây, quận 8 tiếp tục triển khai các dự án chỉnh trang bờ Ðông rạch Xóm Củi, khu công viên văn hóa Ðồng Diều, phường 4 và xây dựng công trình công cộng và các công trình nhà ở phục vụ dân sinh.


Phát huy truyền thống cách mạng, quận 8 đang vươn lên với hàng chục khu dân cư được xây mới khang trang, hiện đại. Những cây cầu, những con đường thênh thang rộng mở của quận 8 đang bắt nhịp cùng sự phát triển chung của thành phố mang tên Bác, thành phố Anh hùng.


Nguyễn Nam

No comments:

Post a Comment