Thursday, September 23, 2010

20/09 Nhãn muộn - cây xóa đói giảm nghèo của người Hồng Nam

NDĐT- Vài ba năm trở lại đây người trồng nhãn lồng xã Hồng Nam (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật tự làm ra sản phẩm nhãn lồng muộn góp phần xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.


Băn khoăn về tên gọi nhãn lồng, tôi hỏi lão nông giỏi Vũ Kim Bảng, 68 tuổi người thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, được ông vui vẻ giải thích: Theo các cụ kể lại, thời xa xưa, nhãn hay bị dơi, chuột,… phá hoại, người dân nghĩ ra cách bảo vệ bằng việc đan cái rọ tre chụp vào chùm nhãn. Việc này tuy thô sơ nhưng hiệu quả, sau đó đặt tên là nhãn lồng.


Hiện nay giống nhãn lồng trồng nhiều nhất là Hương Chi - đặt theo tên cụ Nguyễn Hương Chi, người đầu tiên trồng được cây nhãn cho quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ra hoa nhiều đợt (1 đến 3 đợt, tuỳ theo thời tiết và cách chăm sóc).


Để biết vì sao lại có giống nhãn muộn, tôi gặp anh Đào Văn Định (cựu chiến binh) trồng nhãn giỏi, anh trả lời kiểu rất “văn nghệ”: Thật ra, nhãn muộn “xuất hiện” khá tình cờ và cũng rất ngẫu nhiên! Cách đây ít năm, do thời tiết “lỡ trớn”, đợt hoa đầu bị tàn lụi dẫn đến nguy cơ mất mùa. Cái khó ló cái khôn, dân trồng nhãn phải dùng biện pháp kỹ thuật để hãm sau đó thúc cây ra hoa đậu quả đợt 2, đợt 3 cho phù hợp thời tiết, bảo đảm được sản lượng.


Cây nhãn thuộc họ Bồ hòn (Vải, Nhãn, Chôm chôm- phân loại thực vật học quả thuộc loại quả mọng)- Sapindaceae. Tên tiếng Anh Longan, tiếng Pháp Longanier.




Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Nam Bùi Văn Nhã cho biết xã có hơn 200ha đất trồng trọt, chủ yếu là trồng nhãn. Lứa nhãn muộn hiện đang cho thu hoạch. Anh đưa tôi đến ngay nhà anh Trịnh Văn Quỳnh, xóm Trần Phú, thôn Nễ Châu. Gần giữa tháng tám âm lịch, khi mùa nhãn đã qua đến cả hơn tháng trời, nhìn vườn nhãn nhà anh Quỳnh sai trĩu quả thật thú vị. Hỏi ra mới biết, anh tính toán ngay từ đầu theo cơ cấu mùa vụ để gia đình có nhãn sớm, nhãn chính vụ và cả nhãn muộn. Thời buổi kinh tế thị trường nghiệt ngã, làm gì cũng cứ phải chắc ăn!



Những nông dân xã Hồng Nam bên vườn nhãn lồng muộn vụ.


Ở Hồng Nam, mỗi nhà tự xây dựng quy trình để làm nhãn muộn cho riêng mình. Tất cả dựa trên kinh nghiệm cá nhân, từ việc “trông trời, trông đất, trông cây”, cắt tỉa tạo tán, sử dụng phân bón đa lượng, hoá chất bón để hãm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá kết hợp khoanh cành, xiết nước phục vụ cho việc hãm và thúc đẩy ra hoa, đậu quả. Điều đáng nói là nhãn muộn được tạo ra từ chính cây nhãn bình thường vẫn cho quả chính vụ, không phải là giống ghép cải tạo, do vậy chất lượng vẫn bảo đảm.


Anh Hà Văn Hoạt ở thôn Lê Như Hổ vụ này có đến 30% nhãn muộn còn lại chính vụ. Cũng giống như vườn anh Quỳnh và nhà khác, gia đình anh tự tìm cách làm cho nhãn ra hoa, đậu quả muộn. Ngoài phân bón thông dụng (NPK, hữu cơ-vi sinh,…), anh tự sản xuất thêm phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đáng nói, phân do anh chế chỉ bằng ngô và đậu tương ngâm ủ 30 ngày cho ngấu rồi dùng. Như vậy, vừa tận dụng được lương thực phế phẩm mà lại giúp chất lượng nhãn ổn định, độ ngọt bảo đảm.


Câu chuyện nhãn muộn tuy có kết quả khả quan nhưng thật ra mới được bắt đầu từ 2008. Vụ vừa qua, một số hộ dân vẫn trăn trở thử nghiệm để hãm cho nhãn ra hoa đậu quả muộn như những nhà khác và đương nhiên bước đầu đành ngậm ngùi chịu thất bại để giành thắng lợi vụ tới.


Trần Khánh Dinh
(Viện Nghiên cứu rau quả)


* Người Sán Dìu thành công làm vải muộn

No comments:

Post a Comment