24/11/2010
ĐBQH Ngô Minh Hồng (TP Hồì chí minh): Cho Vinashin vay lại 750 triệu USD có đúng quy định cho vay từ ngân sách không?
Liên quan đến Vinashin, xin Bộ trưởng cho biết, việc cho vay lại 750 triệu USD có đúng với các tiêu chí theo quy định việc cho vay từ ngân sách không? Bộ Tài chính lúc đó đã thẩm định như thế nào? Kết quả thẩm định ra sao?
Khi cho vay một khoản tiền lớn như thế, tương đương 12.085 tỷ đồng (xin nói thêm là dự toán chi ngân sách của TP Hồ Chí Minh năm 2010 cũng chỉ được khoảng hơn 28 ngàn tỷ) nhưng không gắn với các đề án, dự án, đầu tư cụ thể thì trách nhiệm quản lý ngân sách của Bộ Tài chính đến đâu?
Trong các báo cáo có nêu, Bộ Tài chính ngay năm 2007 đã có thanh tra, 4 lần kiểm tra định kỳ về việc sử dụng trái phiếu vay nước ngoài... Và sau khi có các kiến nghị thì Thủ tướng đã nhiều lần có những văn bản để chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn dẫn đến kết quả của Vinashin như ngày hôm nay. Xin hỏi Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu lực quản lý nhà nước của chúng ta. Phải chăng là chúng ta bất lực?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Bộ Tài chính chủ trì cùng với các bộ liên quan đã thẩm định
Trước hết, 750 triệu USD này không phải lấy từ ngân sách Nhà nước mà được huy động từ trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để thực hiện việc cho vay lãi. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2003, doanh nghiệp được quyền huy động. Thứ hai, về chủ trương, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, lần thứ VIII đã xác định: tranh thủ mọi khả năng và dùng nhiều hình thức thu hút vốn nước ngoài và tăng nhanh mức huy động vốn thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và mở rộng thị trường vốn bằng nhiều hình thức, kể cả việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường vốn quốc tế. Đại hội IX tiếp tục khẳng định, trong 5 năm tới, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp khác khoảng 1 đến 2 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra nước ngoài để đầu tư trung và dài hạn nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn vay, tạo thêm một kênh huy động vốn trung và dài hạn, giúp tăng cường an ninh, tài chính của Việt Nam.
Khi xây dựng đề án phát hành trái phiếu 750 triệu USD này, có đề ra nguyên tắc là vay về để cho vay lại. Lúc đó, cũng có các đơn vị xây dựng đề án sử dụng số trái phiếu này, trong đó có Vinashin. Lúc bấy giờ, Vinashin xây dựng một đề án được phê duyệt là phát triển ngành công nghiệp đóng tàu cần có 39.000 tỷ vốn, trong đó dự kiến huy động vốn từ nước ngoài là 17.000 tỷ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì cùng với các bộ liên quan thẩm định. Hiện nay, chúng tôi vẫn lưu giữ văn bản của các bộ. Trên cơ sở thẩm định phương án phù hợp với mục đích sử dụng vốn, cơ chế chính sách, đề án và phù hợp với chiến lược, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có Nghị quyết về việc phát hành vốn cho Vinashin vay lại. Khi cho vay lại thì cho vay theo một chương trình dự án tổng thể. Chúng tôi cũng đã ban hành Quyết định số 36 ngày 7.7.2006 về quy chế giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ năm 2005, trong đó có phân công trách nhiệm của Bộ Tài chính, trách nhiệm của Vinashin và trách nhiệm của các ngân hàng phục vụ, định kỳ có kiểm tra và giám sát với nguồn vốn trái phiếu này.
Đối chiếu với các quy định của Nhà nước thì việc cho vay thực hiện là phù hợp. Quá trình triển khai thực hiện, bắt đầu từ năm 2007, 2008, 2009 và 2010, chúng tôi có 4 cuộc kiểm tra định kỳ, 1 cuộc kiểm tra đột xuất và cũng có phát hiện ra Vinashin sử dụng vốn chưa đúng với những cam kết ban đầu, có hiện tượng dàn trải.
Chúng tôi đã có báo cáo với Chính phủ và Chính phủ có văn bản chỉ đạo - Công văn số 4056 ngày 19.6.2008 - yêu cầu Tập đoàn Vinashin nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Bộ Tài chính (tại Công văn 6223 ngày 28.5.2008 về kiểm tra việc sử dụng vốn trái phiếu quốc tế năm 2005 cho Vinashin vay lại. Nhất là, kiến nghị cân nhắc danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu quốc tế năm 2005, sắp xếp cắt giảm các dự án chưa thật sự cần thiết, chưa sát với mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 914 ngày 1.9.2005 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tập trung vốn hơn nữa cho các dự án hiện đại hóa và nâng cấp đóng tàu mới. Quyết định 914 được Chính phủ ban hành năm 2005, trong đó có danh mục Vinashin được sử dụng vốn trái phiếu để đầu tư. Năm 2008, phát hiện Vinashin sử dụng chưa đúng danh mục này. Tại các báo cáo của Ủy ban kiểm tra Trung ương đã xác định việc đầu tư như vậy là trái với quyết định của Thủ tướng, trái với quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
No comments:
Post a Comment