Thứ Ba, 31/05/2011, 08:04 (GMT+7)
TT - Trong ba ngày qua đã có hơn 1.000 ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ phản đối sự kiện tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Chúng tôi lần lượt chọn trích đăng một số ý kiến.
Tàu hải quân Việt Nam (phải) truy đuổi hai tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép thềm lục địa phía Nam ngày 27-6-2009 - Ảnh: Lê Đức Dục |
Kiên quyết đấu tranh
Nhiều ngày qua theo dõi các bài báo viết về việc “tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam”, tôi vô cùng phẫn uất.
Theo tôi, Việt Nam cần kiên quyết đấu tranh và đấu tranh một cách khôn khéo, hợp tình hợp lý để ngăn chặn, đẩy lùi các hành động tương tự của Trung Quốc. Chúng ta cũng cần quốc tế hóa các vấn đề này để nhiều nước có chung lợi ích với chúng ta cùng đấu tranh với Trung Quốc.
hoqngkhiquyen@...
Chấm dứt ngay hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam
Rất mong Nhà nước ta làm việc ngay với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên biển Đông và bồi thường thiệt hại cho Việt Nam trong vụ cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02. Đồng thời yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng công ước quốc tế về luật biển.
Nguyễn Văn Hiệp
Yêu cầu Trung Quốc chấp hành Luật biển quốc tế
Chúng ta cần củng cố chứng cứ, yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc chấp hành Luật biển quốc tế. Ngoài ra, chúng ta cần có văn bản đến các tổ chức quốc tế có liên quan về hành vi táo tợn của Trung Quốc để có sự ủng hộ và lên án mạnh mẽ hơn. Chúng ta cũng kêu gọi sự hỗ trợ toàn diện của các nước yêu chuộng hòa bình và công lý để giúp Việt Nam đảm bảo chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
N.D.C.
Đầu tư cho hải quân
Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tôi nghĩ Nhà nước cần đầu tư mạnh cho ngành hải quân và lực lượng này phải tuần tra liên tục trên vùng biển của nước mình. Việc tuần tra của lực lượng hải quân không những để đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân mà điều quan trọng hơn là khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên biển.
vuthi@...
Không có thiện chí
Đã nhiều lần Việt Nam nhẫn nhịn, nhân nhượng trước Trung Quốc vì tình hữu nghị láng giềng. Cũng đã nhiều lần hai bên khẳng định không nên làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình ở biển Đông. Tuy nhiên, sự nhân nhượng, hữu hảo của chúng ta đã không thể ngăn cản những hành động ngang ngược, táo tợn của Trung Quốc.
Sự kiện ba tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, uy hiếp và cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 chứng tỏ Trung Quốc không có thiện chí. Chúng tôi kịch liệt lên án hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.
Và chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình nhưng lòng yêu hòa bình ấy sẽ không để bất cứ ai, quốc gia nào xâm phạm chủ quyền nước chúng tôi.
congtuphieudu03@...
Dư luận ASEAN Ở nước láng giềng Malaysia, nơi mà năm ngoái đã mấy lần phải chịu căng thẳng trên biển Đông, sự tỉnh táo đã “thành nếp” cùng với những lo ngại và cảnh giác của dư luận. Các tác giả Malaysia cho rằng: “Trong khi sách lược đe dọa và dằn mặt có thể có được vài tác động, song sẽ là khôn ngoan hơn nếu như Trung Quốc quay trở lại với chính sách cũ nhấn mạnh đến thiện chí và phối hợp phát triển thay cho những cây gậy. Chiến dịch tấn công ngoại giao khả ái hồi thập niên 1980 đã rất hiệu quả. Giở lại những dọa nạt và cưỡng ép có thể hù được vài nước nhỏ ở châu Á chứ không tạo ra được thân hữu và đồng minh, vốn là những gì mà Trung Quốc đang cần” (nguồn: Threats won’t help China make friends, của Frank Ching, New Strait Times 26-8-2010). Ngay cả nước không liên quan đến vấn đề biển Đông như Thái Lan cũng bày tỏ chính kiến như tờBangkok Post thứ hai 30-5: “Biển Đông vẫn còn là một trong những vùng biển nguy hiểm nhất. Tác nhân chính trong chính trường biển Đông là Trung Quốc. Bắc Kinh ra yêu sách chủ quyền gần hết biển này, bao gồm cả những vùng cách xa Trung Quốc hơn là các nước khác. Đài Loan cũng ra yêu sách như Trung Quốc dựa trên những tài liệu lịch sử đáng ngờ. ASEAN đã thương thuyết với Trung Quốc về vấn đề này trong chín năm qua một cách hờ hững và không hiệu quả. Mục đích là viết ra một quy tắc ứng xử sẽ đưa tất cả các nước liên quan đến chỗ nhất trí chia nhau tài nguyên của biển Đông”. DANH ĐỨC |
No comments:
Post a Comment