Tuesday, May 31, 2011

12/05 Ông Hoàng Kiều thắng đậm


Thứ Tư, 12/05/2010, 08:23 (GMT+7)
TT - Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh vụ Công ty Du lịch Tiền Giang - một doanh nghiệp nhà nước - bị ông Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ) thâu tóm hết vào đầu năm 2010, dư luận rất muốn biết bằng cách nào công ty này bị “xẻ thịt” nhanh đến vậy?
Khách sạn Sông Tiền chuẩn bị mở rộng khu nhà của Sở Tài nguyên - môi trường để có ba mặt tiền - Ảnh: Vân Trường

Theo thông tin chúng tôi có được, ngoài việc định giá tài sản Công ty Du lịch Tiền Giang có dấu hiệu bất thường thì việc bán đấu giá cổ phần nhà nước nắm giữ cũng có vấn đề.
Tài sản to, giá bèo
Công ty Du lịch Tiền Giang trước khi cổ phần hóa có tổng cộng mười hạng mục công trình rất hoành tráng rộng tới 216.000m2 và đều nằm ở những vị trí đẹp. Riêng khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) khoảng 187.419m2 chưa khai thác có hiệu quả như các khu khác.
Theo ông Phạm Văn Bảy (phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang), thời điểm định giá để cổ phần hóa chỉ tính giá trị còn lại của các tài sản hữu hình chứ không tính giá trị thương hiệu hay mặt bằng ở vị trí đắc địa. Nguyên nhân là do quy định lúc đó chưa đề cập. Không chỉ vậy, việc xác định giá trị còn lại của tài sản công ty lại được thực hiện bằng... mắt thường. Đó cũng là lý do làm cho khối tài sản khổng lồ của công ty này được định giá chỉ 19 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 6 tỉ đồng do trừ khoản tiền vay 12 tỉ đồng. Vì vậy khi xác định vốn điều lệ để cổ phần hóa, UBND tỉnh đã quyết định con số tròn 7 tỉ đồng.
Theo tài liệu, khách sạn Sông Tiền ở TP Mỹ Tho cao bảy tầng, diện tích 2.278m2 có hai mặt tiền đường Trưng Trắc (cặp sông Bảo Định rất đẹp) - Lãnh Binh Cẩn và tương lai thêm một mặt tiền là đường Thủ Khoa Huân khi Sở Tài nguyên - môi trường dời đi, được liên sở Xây dựng, Tài chính, Thương mại - du lịch, Giao thông vận tải, Công nghiệp xác định giá trị còn lại là 55%, thành tiền là 1,84 tỉ đồng. Riêng khu nhà hàng bên cạnh có giá 56,8 triệu đồng. Khách sạn Hướng Dương cao năm tầng ở gần đó có diện tích 942m2 được xác định chất lượng còn lại 35%, nên chỉ có 369,4 triệu đồng.
Trong khi đó, trụ sở công ty du lịch nằm ở góc đường Rạch Gầm - Trưng Trắc cạnh hai khách sạn nói trên có diện tích 442m2 được xác định giá trị còn lại 40%, tương đương 191 triệu đồng. Nhà hàng Thới Sơn (cù lao Thới Sơn, TP Mỹ Tho) giá 1,7 tỉ đồng (thấp hơn 100 triệu đồng so với công ty du lịch tự định giá lúc đó). Nhà hàng Trung Lương tại ngã ba Trung Lương, TP Mỹ Tho có giá 1,24 tỉ đồng. Nhà hàng Quê Hương (TP Mỹ Tho) giá 93 triệu đồng. Nhà hàng Hướng Dương 564,9 triệu đồng...
Hành trình về tay gia đình ông Hoàng Kiều
Sau khi đã xác định vốn điều lệ Công ty CP Du lịch Tiền Giang là 7 tỉ đồng, ngày 18-2-2005, thông qua Trung tâm Thông tin, tư vấn, dịch vụ bán đấu giá tài sản, bất động sản Tiền Giang, tỉnh đã tổ chức bán đấu giá lần đầu với số lượng 140.000 cổ phần (chiếm 20%), giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Kết quả có ba người trúng đấu giá, trong đó người mua giá cao nhất là 11.140 đồng/cổ phần.
Đến ngày 3-8-2006, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định bán 21% cổ phần nhà nước (147.000 cổ phần) trong số 51% cổ phần nhà nước đang nắm giữ ra bên ngoài với giá khởi điểm 45.100 đồng/cổ phần. Chỉ có hai khách hàng tham gia đấu giá là ông Hoàng Kiều và Công ty Tống Linh Giang. Kết quả, ông Hoàng Kiều trúng đấu giá số tiền 6,64 tỉ đồng (giá 45.200 đồng/cổ phần).
Sau đó tỉnh Tiền Giang chuyển giao 210.000 cổ phần nhà nước còn lại (30%) tại Công ty CP Du lịch cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Ngày 10-3-2009, thông qua Công ty chứng khoán An Bình, đơn vị này đã tiến hành bán đấu giá hết số cổ phần nhà nước với giá khởi điểm chỉ 31.000 đồng/cổ phần. Kết quả, ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) trúng đấu giá với số tiền 7,56 tỉ đồng (giá 36.000 đồng/cổ phần). Khi đã nắm trong tay đủ 51% cổ phần để chi phối công ty, ông Hoàng Kiều tiếp tục mua gom 20% cổ phần bán ra lần đầu và 29% cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ, nhân viên công ty.
Ngay cả giám đốc công ty là ông Trần Thanh Tiến cũng bán toàn bộ cổ phần của mình cho ông Hoàng Kiều với lý do: “Số cổ phần của tôi không nhiều nên bán cho ông Hoàng Kiều chứ mỗi năm được chia cổ tức không bao nhiêu cả”. Đến ngày 24-3-2010, gia đình ông Hoàng Kiều nắm trong tay 700.000 cổ phần Công ty CP Du lịch Tiền Giang. Ông Hoàng Kiều là chủ tịch hội đồng quản trị công ty với 36% cổ phần, con ruột Hoàng Sammy Hùng nắm 30% và con dâu Đào Thị Lan Phương nắm 34% cổ phần.
VÂN TRƯỜNG
Tài sản vẫn đang sinh lợi lớn
Ngoài việc định giá công ty du lịch quá rẻ (7 tỉ đồng), hội đồng định giá tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang cũng không tính tới những khoản sinh lợi mà công ty này đang có. Cụ thể, sau khi cổ phần hóa, Công ty Du lịch Tiền Giang đã cho Công ty bảo hiểm Manulife VN thuê bốn tầng (từ tầng 1-4) tại khách sạn Sông Tiền làm văn phòng với giá trị hợp đồng từ năm 2004-2009 với giá 108 triệu đồng/tháng (đã trừ thuế).
Trong năm năm đó, công ty này đã thu hơn 6,5 tỉ đồng, chưa kể những khoản thu từ mối liên kết làm ăn với đối tác khác như: Công ty du lịch Saigontourist, Công ty du lịch Vietravel, Công ty Tân Đông Dương, Công ty Travel Indochina... có giá trị hợp đồng từ hàng chục đến hơn 100 triệu đồng/tháng.

No comments:

Post a Comment