Tuesday, May 31, 2011

31/05 TP.HCM tập trung phát triển hạ tầng


Thứ Ba, 31/05/2011, 07:48 (GMT+7)
TT - Ngày 30-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Tại đây, nhiều kiến nghị của UBND TP đã được các bộ, ngành và Thủ tướng lắng nghe, bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo TP.HCM tại buổi làm việc - Ảnh: Q.Thanh
Báo cáo tại buổi làm việc về kết quả thực hiện một số chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP cho biết qua một năm triển khai thực hiện có một nội dung đã hoàn thành, 15 nội dung đang triển khai và một nội dung đã triển khai nhưng chưa đạt kết quả.
Đưa hàng đến thẳng một số quốc gia
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tổng mức đầu tư của dự án đã được cập nhật, tính toán lại vào thời điểm giữa năm 2009 là hơn 236 tỉ yen Nhật (hơn 47.000 tỉ đồng), so với dự toán ban đầu tăng thêm hơn 29.000 tỉ đồng. UBND TP đã đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp dự án này vào danh mục dự án, công trình quốc gia trình Quốc hội quyết định; đề nghị bộ trình Chính phủ cho phép TP tạm thời phê duyệt dự án điều chỉnh để có cơ sở tiếp tục triển khai dự án...
"Tôi đã nói với các bộ ngành nhiều lần, khi làm các nghị định, các điều luật đừng có đưa thẩm quyền của Thủ tướng vào để Thủ tướng có điều kiện kiểm tra các bộ, ngành, còn khi quy định thẩm quyền Thủ tướng quyết thì không ai kiểm tra Thủ tướng"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tuy nhiên, UBND TP cho biết tiến độ dự án chậm hai năm do các vướng mắc, phát sinh ngoài thẩm quyền của TP. Hiện dự án điều chỉnh chưa được phê duyệt. Do vậy, UBND TP kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP phê duyệt dự án điều chỉnh tạm thời để làm cơ sở phê duyệt kết quả đấu thầu, ký hợp đồng để khởi công công trình trong năm 2011. Đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tổng mức đầu tư do tổng mức đầu tư đã điều chỉnh, thuộc danh mục dự án phải báo cáo Quốc hội.
UBND TP kiến nghị Chính phủ cân đối ngân sách trung ương khoảng 2.000 tỉ đồng để đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp và TP được phép thu các loại phí đảm bảo an toàn hàng hải trên luồng này để hoàn vốn đầu tư.
Thủ tướng đồng ý cho đấu thầu dự án này, đồng thời đề nghị UBND TP cùng Bộ Tài chính lựa chọn, đề xuất một trong ba phương án vốn do bộ này đưa ra để trình Thủ tướng phê duyệt. Theo Thủ tướng, cụm cảng số 5 là cụm cảng lớn nhất nước ta với khoảng 100 triệu tấn hàng hóa/năm. Đặc biệt, cụm cảng này đã xuất hiện năng lực mới là trung chuyển hàng hóa của quốc gia và quốc tế. Luồng Cái Mép - Thị Vải có thể đón tàu 100.000-150.000 tấn, có thể đưa hàng hóa đi thẳng một số quốc gia, “là mơ ước lâu nay mà chúng ta chưa làm được” - Thủ tướng nhấn mạnh.
UBND TP cho biết Thủ tướng đã duyệt tổng mức đầu tư các công trình thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM dự kiến hơn 11.000 tỉ đồng. Tuy nhiên “với các dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM, việc TP cân đối ngân sách và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện đồng bộ hệ thống công trình chống ngập úng như ý kiến của Bộ Tài chính là không thể thực hiện được” nên UBND TP kiến nghị Thủ tướng bổ sung vốn đầu tư dự án này trong giai đoạn 2011-2015 và chấp thuận cho TP huy động vốn đầu tư cho 15 dự án do TP làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến gần 13.000 tỉ đồng.
Thủ tướng lưu ý cần kiểm soát quy hoạch xây dựng, theo dõi, đánh giá tình trạng ngập do nước biển dâng hay có sự góp phần của việc tập trung xây dựng nhiều gây lún?
Riêng dự án đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), UBND TP nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ, sớm thu hồi vốn hoàn trả ngân sách (hiện mỗi ngày dự án này phải trả lãi vay khoảng 4,5 tỉ đồng), nên kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép TP thực hiện lựa chọn chủ đầu tư các dự án trong khu đô thị này.
Tạo vốn từ nhà đất công
Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - nhấn mạnh nếu TP được cho cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, được phân cấp mạnh thì từ nay đến cuối năm có thể tạo được nguồn vốn khoảng 10.000 tỉ đồng từ việc đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư.
Ông Hải lưu ý đến khoảng 230 triệu m2 là các mặt bằng nhà đất công (trong đó do trung ương quản lý khoảng 100 triệu m2). Đây là khối tài sản lớn, có thể tạo vốn từ đây phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhu cầu đầu tư phát triển khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý ngân sách, kể cả nguồn trái phiếu, cũng có hạn nên đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành và TP.HCM cần huy động các nguồn lực xã hội cho các mục tiêu đầu tư. Thủ tướng đề nghị TP.HCM cố gắng khai thác hiệu quả tài sản lớn là nhà đất công, đồng thời huy động vốn bằng các hình thức BOT, BT..., chủ yếu tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng.
QUỐC THANH
Không lơ là kiểm soát lạm phát
Thủ tướng đánh giá cao nhiều kết quả kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình bình ổn giá, tiết kiệm điện, vận động chủ nhà trọ không tăng giá... của TP.HCM được Thủ tướng nhấn mạnh như những điển hình cần nhân rộng, đề nghị tiếp tục phát huy, ra sức tháo gỡ khó khăn phát sinh tạo điều kiện duy trì sản xuất kinh doanh. Song Thủ tướng lưu ý không được lơ là kiểm soát lạm phát.
UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước VN tăng cường thanh tra, kiểm tra về lãi suất huy động vốn tại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện nghiêm túc lãi suất quy định (14%/năm). Cần có lộ trình và giải pháp cụ thể nhằm giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định dứt khoát phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 20%. Như vậy các ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao để làm gì, trong khi yêu cầu chỉ tăng trưởng ở mức này? “Tôi đề nghị anh Giàu (thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu) không phân biệt ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ, chỉ cho tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Phải làm nghiêm” - Thủ tướng nói.

No comments:

Post a Comment