Saturday, August 6, 2011

06/08 Nhiều ĐH đứng trước nguy cơ đóng cửa?

Cập nhật lúc 06/08/2011 01:10:11 PM (GMT+7)
- Hai ngày nữa Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn. Trước phát biểu chắc như "đinh đóng cột" của lãnh đạo Bộ về phương án điểm sàn năm nay không thay đổi so với năm 2010 khiến các trường ngoài công lập (NCL) như ngồi trên "đống lửa".
Tra cứu điểm thi TẠI ĐÂY
Ảnh Lê Anh Dũng
Điểm sàn gây khó cho trường NCL
Các trường tốp trên không cần ngó xem điểm sàn như thế nào vì hầu hết điểm chuẩn duy trì ở các năm đều vượt xa ngưỡng điểm sàn. Ngược lại thì, các trường tốp dưới năm nào cũng “vẫy vùng” trong giới hạn điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đặt ra.
Do đó, trước ngày Hội đồng điểm sàn họp quyết định - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL phía Bắc đã họp về kiến nghị thay đổi điểm sàn. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét điểm sàn theo thực tế giáo dục và nhu cầu chất lượng nhân lực đa dạng của xã hội.
Ông Võ Thế Lực, Tổng thư ký Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, hiện nay các trường NCL gặp khó khăn trong tuyển sinh vì điểm sàn của bộ bỏ qua hai lý do: lượng thí sinh ảo do thi hai khối và số lượng tuyển sinh ngoài ngân sách của các trường công. Hai con số này các năm trước đều không công khai để các trường ngoài công lập có thể ước tính thí sinh đỗ ảo vào trường mình. Chẳng hạn, nếu lượng thí sinh ảo khoảng 3%, các trường cần được tạo điều kiện để gọi tăng thêm so với chỉ tiêu để đề phòng thí sinh đỗ nhưng không đến học.
Ông Nguyễn Hữu Kiều, trưởng Phòng đào tạoTrường ĐH Lương Thế Vinh lo lắng "nếu Bộ GD-ĐT cứ giữ điểm sàn như năm 2010 thì chúng tôi chết vì sẽ rơi vào tình trạng như năm trước không có nguồn để tuyển”.
Nhiều người cho rằng điểm sàn thấp hơn hiện tai sẽ làm cho chất lượng đầu vào giảm, dẫn đến giảm chất lượng đào tạo. Theo ông Lực, điểm sàn không có ý nghĩa quyết định chất lượng đào tạo. Có những trường đầu vào không cao hoặc cũng xoàng nhưng đầu ra vẫn được xã hội đón nhận như ĐH Lạc Hồng, ĐH Thăng Long...
Còn GS.TS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường NCL cho rằng, việc kiến nghị mức điểm sàn của Liên hiệp hội dựa vào chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao cho các trường chứ các trường không tự quyết định lấy ồ ạt. Hơn nữa, điểm chuẩn do các trường đề xuất sẽ do Bộ duyệt, đó coi như sự bảo hiểm để điểm sàn không quá thấp đến mức không thể chấp nhận được.
 
Điểm sàn có phải là thước đo chất lượng đào tạo hay không? Hoàn toàn không thể lấy điểm sàn để đo chất lượng sinh viên ra trường. Đây là kỳ thi tuyển chọn, không phải thi tốt nghiệp. Vì vậy, chất lượng như thế nào còn phụ thuộc vào độ khó của đề thi từng năm. Kỳ thi tuyển chọn đương nhiên có sự phân tầng chất lượng. Nhưng hiện nay, sự phân tầng ở đối tượng học sinh có điểm thi thấp chưa thực sự tốt. Nếu chỉ sử dụng điểm thi để đo chất lượng thuần túy thì không chính xác.
 
Theo ông Quân, năng lực học ở phổ thông không phải là đại diện cho năng lực của học sinh. Theo quan sát của tôi, nhiều học sinh học ở các trường phổ thông chất lượng không tốt nhưng thực sự các em lại có tư chất tốt, trong quá trình học ĐH, các em sẽ giỏi.
 
Hơn nữa, các trường ĐH khác nhau ở tính chất đào tạo: trường nghiên cứu khác với trường thực hành, trường ở trung ương khác trường ở địa phương, trường trọng điểm khác trường bình thường. Chất lượng đào tạo các địa phương cũng không đồng nhất. Có những địa phương điều kiện thiếu thốn, chất lượng yếu nên số học sinh trên sàn không nhiều. Ở những địa phương này nhu cầu nhân lực còn bức thiết hơn rất nhiều nơi khác. Kiến nghị của chúng tôi không chỉ là cho đại học dân lập mà còn liên quan đến ĐH địa phương.
Không thể chiều theo ý trường
Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam Phan Trọng Phức đồng quan điểm, kiến nghị về việc chọn một điểm sàn hợp lý cho khối trường ngoài công lập nên xem xét. Điểm sàn có liên quan đến chất lượng đào tạo nhưng quá trình đào tạo của trường rất quan trọng. Không nhất thiết điểm sàn quá thấp nên nếu một số ngành đã có điểm sàn như vậy mà không tuyển được học sinh thì phải chấp nhận không đào tạo hoặc thiếu chỉ tiêu.
"Điểm sàn là một giải pháp tốt, phù hợp với những năm trước đây nhưng đến thời điểm này thì không còn phù hợp" - ông Đặng Văn Định - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH dân lập Chu Văn An nêu quan điểm.
"Bộ không thể chiều theo các trường và không thể hạ điểm sàn xuống quá thấp" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Điểm sàn năm nay không thể hạ thấp hơn năm trước. Khi trình độ thí sinh hiện nay còn đang chênh lệch quá lớn như vậy thì điểm sàn chính là ngưỡng để phân loại thí sinh. Do đó, trong bối cảnh hiện nay chưa thể bỏ được điểm sàn trong xét tuyển.
Thứ trưởng cho rằng, để học đại học thì người học phải có một ngưỡng kiến thức nhất định nên cần có sự sàng lọc để chọn được những học sinh có trình độ tốt hơn vào học. Do đó Bộ không thể chiều theo các trường và không thể hạ điểm sàn xuống quá thấp.
Vẫn bảo lưu quan điểm, Thứ trưởng tiếp tục dự báo điểm sàn các khối thi năm nay sẽ không thay đổi so với năm 2010 (khối A, D là 13; khối B, C là 14 điểm). Tuy nhiên, với kết quả điểm thi khối C năm nay không cao nên khả năng điểm sàn khối này sẽ có biến động - nhưng vẫn trong khoảng 13-14 điểm.
"Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp giữa trường đại học công lập và dân lập có giá trị như nhau nên không thể mỗi trường đại học lại có mức điểm sàn khác nhau được” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định.
Phương án điểm sàn chính thức sẽ được Hội đồng điểm sàn họp quyết định vào ngày 8/8 tới đây. Điểm sàn là mức điểm thấp nhất để từ đó các trường định điểm chuẩn và điểm xét tuyển các nguyện vọng (NV) tiếp theo.
Điểm sàn đại học khoảng 13-14
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như vậy tại buổi họp báo chiều tối 10/7 sau khi kết thúc thi ĐH đợt 2. Với đề thi ĐH năm nay thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ ít đi, thí sinh đạt điểm trung bình sẽ nhiều hơn.
  • Nguyễn Hường - Nguyễn Hiền

No comments:

Post a Comment