Monday, September 19, 2011

19/09 Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản

07:10 | 19/09/2011
Phát triển công nghiệp chế biến là nhân tố quan trọng để nâng cao giá trị, tăng khả năng tiếp cận những thị trường khó tính như EU và Mỹ của nông sản nước ta.
Chế biến nông sản là một khâu quan trọng trong việc thúc đẩy các liên kết thị trường, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp chế biến đồng thời phải đảm nhận nhiều chức năng như trực tiếp xuất khẩu nông sản, duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường với những sản phẩm chế biến mới, vừa phối hợp, liên kết với ngành nông nghiệp, các Viện khoa học, các trường đại học, và các công ty cung ứng và các tổ chức sản xuất (hộ nông dân, hợp tác xã…) hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Kinh nghiệm của Thái Lan đã cho thấy, việc thúc đẩy phát triển ngành chế biến nông sản kết hợp với các chính sách xúc tiến thương mại sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu với năng suất và chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng thấp do hầu hết đang xuất khẩu thô. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, tỷ trọng xuất khẩu thô hiện là 90%, tức chỉ có 10% nông sản xuất khẩu là những sản phẩm tinh chế. Vì vậy, sản phẩm chế biến nông sản chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Các mặt hàng được coi là chuỗi liên kết được với chuỗi giá trị trường thế giới (cà phê, chè, tiêu, cao su, gạo) chủ yếu bán ở giá thấp hơn giá bình quân của thế giới. Ví dụ giá chè 10 năm qua chỉ bằng 52,7% giá chè thế giới, cà phê bằng 50,9% giá cà phê thế giới.
Một đặc điểm khác của công nghiệp chế biến của nước ta là mới dừng lại gia công nguyên liệu cho quá trình chế biến tinh ở quốc gia khác. Điều này khiến chúng ta mới chỉ dừng ở vị trí là vùng nguyên liệu cho sản xuất, chế biến nông sản. Để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển công nghệ chế biến theo các vùng nguyên liệu, cũng như gắn với xây dựng hệ thống cung ứng và tiêu thụ, tạo nên các chuỗi giá trị có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là một trong những nhiệm vụ của tái cấu trúc kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư cho ngành này.
Công nghiệp chế biến nông sản chưa phát triển đúng với tầm quan trọng của mình cũng do chưa có vùng nguyên liệu tập trung. Bởi mỗi địa phương đều phát triển những sản phẩm nông nghiệp khác nhau, chưa liên kết chặt chẽ để tạo thành vùng nguyên liệu lớn. Vì vậy, theo đại diện Viện kinh tế Việt Nam, các địa phương cần tăng cường liên kết để tạo thành chuỗi ngành hàng ngay từ những giai đoạn đầu như lựa chọn giống, phân bón đến quy trình canh tác, sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong quy hoạch phát triển hiện phải tính đến quy trình phát triển chuỗi ngành hàng được bố trí trên một không gian lãnh thổ nhất định. Và để có thể hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho các ngành công nghiệp chế biến, khâu đột phá đầu tiên là thay đổi phương pháp quy hoạch phát triển tổng thể hiện nay sang quy hoạch phát triển các tiểu ngành nông sản dựa trên lý thuyết chuỗi sản phẩm và phân bổ không gian lãnh thổ kinh tế.
Thực hiện xây dựng công nghiệp chế biến phát triển trong chuỗi các giá trị hàng hóa nông sản là hướng đi tất yếu để liên kết với thị trường thế giới và nâng dần vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển nền nông nghiệp hợp đồng, liên kết chuỗi, gắn công nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu đòi hỏi sự thay đổi trong cách tư duy quy hoạch phát triển theo lãnh thổ địa phương sang tư duy phát triển liên kết vùng và liên kết vùng quốc tế. Tổ chức nông nghiệp theo hướng này sẽ hình thành những cực phát triển công nghiệp chế biến trong quá trình tái cấu trúc kinh tế trên những vùng lãnh thổ nhất định.
Quang Khánh

No comments:

Post a Comment