Tuesday, September 27, 2011

27/09 Chính phủ: Đã có cái nhìn toàn diện về lạm phát...

TỪ NGUYÊN
27/09/2011 00:06 (GMT+7)
pictureBộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 26/9 - Ảnh: Từ Nguyên.
Lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc "mổ xẻ" nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao và kết quả là đã cho ra những cái nhìn toàn diện về lạm phát.

Thông tin trên được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 26/9.

Tăng trưởng tín dụng tối đa 17%

Truyền đạt nội dung của phiên họp Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, trong phần thảo luận kinh tế - xã hội trong tháng 9, Chính phủ đã nhìn nhận rất thẳng thắn, cầu thị, đánh giá đúng mọi vấn đề, không tô hồng nhưng cũng không bôi đen tình hình. 

Cụ thể, các thành viên Chính phủ đều thống nhất, nhìn vào kết quả kinh tế - xã hội tháng 9 đã có những chuyển biến tích cực. Ví dụ về tăng trưởng kinh tế từ 5,43% trong quý 1, lên 5,67% trong quý 2 và đạt 6,11% trong quý 3. Dự kiến, trong quý 4 kết quả cũng tương đương quý 3 thì mục tiêu cả năm xấp xỉ 6% là có thể đạt được.

Một trong những giải pháp là phải cơ cấu lại đầu tư, tập trung vào những công trình, dự án cực kỳ cấp thiết, thúc đẩy sản xuất.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, cả xã hội hiện đang rất quan tâm đến lạm phát, nhưng thực tế là đã có tín hiệu đáng mừng. Từ tháng 5, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng - CPI đã bắt đầu giảm xuống. Trong tháng 8 vừa rồi CPI đạt 0,82%, nhưng trong đó có xấp xỉ 5% là tăng giá các mặt hàng liên quan đến khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn nhấn mạnh rằng, thời gian tới không được chủ quan và tình hình vẫn rất khó khăn. Dù theo cách tính nào thì CPI vẫn đang ở mức cao, lãi suất dù đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, rất ít người vay được mức 17%/năm.

Do lãi suất cao nên sản xuất vẫn khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Trong khi đó, dù theo kịch bản nào thì tình hình thế giới có xu hướng ngày càng phức tạp hơn và xấu đi.

Trên cơ sở nhận định tình hình như vậy, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ chỉ đạo Nghị quyết 11 sẽ được thực hiện không chỉ hết năm nay mà còn trong năm tới. Cơ bản của cả nhiệm kỳ tới vẫn là ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.

“Từ nay đến cuối, chúng ta phải điều hành tiền tệ, trong đó có tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tài khóa theo hướng chặt chẽ”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, thông tin từ người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trước đây, khi ban hành Nghị quyết 11 có nhắc đến 2 mục tiêu: tổng phương tiện thanh toán không quá 16% và tăng trưởng tín dụng không quá 20%. Nhưng đến giờ phút này, dư địa vẫn còn khá lớn, chắc chắn Chính phủ không dùng đến con số đó. Điều hành như thế nào sẽ có giải pháp cụ thể, nhưng chắc chắn mức đạt được sẽ thấp hơn so với mức trần trên khoảng 3%.

Lạm phát cao do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, kỳ trước Chính phủ nhìn nhận lạm phát có nguyên nhân từ tiền tệ. Song, kỳ này Chính phủ giao cho 3 bộ (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước) tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân, nguồn gốc của lạm phát để có giải pháp trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng trực tiếp yêu cầu các cơ quan tư vấn cùng vào cuộc để xem nhận định giống, khác nhau như thế nào.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, nói về lạm phát, có thể cách thức tiếp cận, trình bày có khác nhau nhưng cơ bản nội dung hoàn toàn thống nhất với nhau. Đó là lạm phát của Việt Nam là rất cao và kéo dài qua nhiều năm.

“Sau khi phân tích, các chuyên gia, bộ ngành đều thống nhất, nguyên nhân lạm phát cao của Việt Nam là do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm, nói nôm na là tiêu nhiều hơn những gì mình có”, Bộ trưởng Đam nói.

Cũng chính vì đầu tư nhiều đã dẫn đến tăng trưởng tín dụng rất cao, trên 30%. Tổng phương tiên thanh toán cũng rất cao, trong khi các nước cũng chỉ dưới 20%.

Theo nhìn nhận của Chính phủ, cũng vì đầu tư nhiều, trong khi nền kinh tế lại khá mở nên Việt Nam buộc phải nhập khẩu nhiều để phục vụ đầu tư. Đó cũng chính là lý do khiến nhập siêu cũng được cho là có tác động làm cho lạm phát cao.

Bên cạnh đó, kết luận của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, một nguyên nhân khá quan trọng và nhạy cảm khiến lạm phát tăng cao, đó là do lạm phát tâm lý trong suốt một thời kỳ dài.

“Trên thực tế, đồng tiền chúng ta mất giá trong một thời gian dài đã sinh ra hai hệ quả. Trước hết là người dân không tin tưởng lắm vào đồng tiền nội tệ và khả năng kiềm chế lạm phát của Chính phủ”.

“Và nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, nếu lãi suất tăng 1% thì lạm phát chỉ tăng 0,03%, nhưng lạm phát tâm lý tăng 1% thì nó sẽ gây lạm phát thực là 0,64%. Nguy hiểm hơn, nếu tỷ giá mà tăng 1% thì lạm phát có thể tăng 2%”, Bộ trưởng Đam nói tiếp.

Nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra là thắt chặt và sẽ kiểm soát nghiêm ngặt vấn đề tỷ giá, kiên quyết không để tái xảy ra đô la hóa trong nền kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ bắt đầu cơ cấu lại đầu tư, không chỉ là đầu tư công mà là đầu tư chung của cả nền kinh tế, dồn đồng vốn vào chỗ nào sinh lợi nhanh nhất và nhiều nhất. Hệ thống ngân hàng cũng sẽ được cơ cấu lại.

Giá xăng dầu: Không phải chuyện lớn?

Một vấn đề được báo giới quan tâm là câu chuyện về giá xăng dầu và các giải pháp điều hành, quản lý kinh doanh mặt hàng này của cơ quan quản lý, sau khi lãnh đạo hai Bộ Tài chính - Công Thương có những phát biểu trái chiều.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của báo giới về quan điểm của Chính phủ trước bất đồng trên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, liên quan đến câu chuyện bất đồng quan điểm của hai bộ về điều hành giá xăng dầu, cá nhân ông đã nhận được quá nhiều thư điện tử, tin nhắn về vấn đề trên.

“Báo giới đang quan tâm quá mức vào một việc mà tôi cho rằng không cần thiết phải đến mức như thế. Đất nước còn nhiều việc quan trọng hơn thế. Đó là một cuộc hội thảo thì việc có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường”, Bộ trưởng Đam nói.

Theo Bộ trưởng, điều hành giá xăng dầu là một chủ trương nhất quán của Chính phủ, làm liên tục và theo một lộ trình từ mấy năm nay, chứ không phải bây giờ mới làm; bắt đầu từ khi Nghị định 84 ra đời đã tính rất kỹ và mọi việc đều phải theo nghị định đó.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, sau vụ việc trên, Chính phủ chỉ đạo các bộ, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm những quy định trong Nghị định 84.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo hai Bộ Tài chính, Công Thương và các doanh nghiệp phải công khai minh bạch giá xăng dầu, chi phí bao nhiêu, thậm chí lương bổng bao nhiêu, lỗ lãi của doanh nghiệp phải minh bạch.

Trong khi đó, trả lời báo giới về cách tính lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp khẳng định:  “Lâu nay chúng tôi tính bằng cách lấy doanh thu trừ chi phí thì ra lỗ lãi”. Và khoảng 10 ngày đến 2 tuần nữa sẽ có báo cáo cụ thể.

Liên quan đến câu chuyện giá vàng trong nước, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận, đúng là giá vàng trong nước thời gian qua đã có sự biến động lớn, khiến chênh lệch giá trong nước với thế giới khá cao.

Khuyến cáo được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra là người dân cần bình tĩnh, thận trọng để không bị mất tiền “oan” trước những hoạt động mua bán, những động thái có tính chất trục lợi đầu cơ của giới đầu tư. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những giải pháp phù hợp, trong đó có việc tiếp tục cho nhập khẩu vàng để cân bằng giá trong nước và thế giới.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Luong Duy Lan
    10:07 (GMT+7) - Thứ Tư, 28/9/2011
    Chính phủ nói đã nhìn nhận toàn diện về lạm phát, nhưng tôi cho rằng chưa trúng. 

    Dân kinh tế- tài chính đều biết “đầu tư đúng” thì sẽ sinh lợi, khoan tính thời gian và mục tiêu hưởng lợi. Khái niệm “đầu tư hơn tiết kiệm” gây lạm phát dễ gây nhầm lẫn. 

    Thất thoát của Vinashin, EVN lỗ liên tục nhưng vẫn có tiền đầu tư vào ngân hang, viễn thông, BĐS… suốt ngày đòi tăng giá điện; Petrolimex tù mù giá xăng và suốt ngày đòi tăng giá xăng; Dung Quất bán được xăng máy bay cho Singapore nhưng Vinapco chưa chịu mua; xuất than nhưng vẫn nhập than, làm ra muối nhưng phải nhập muối, xuất lương thực nhưng phải nhập từ tỏi cho đến thịt; nhà máy không tuyển được lao động nhưng người dân không kiếm ra việc tốt; cầu làm xong không có đường, đường mới làm đã lún… 

    Có rất nhiều ví dụ như vậy. 

    Rõ ràng rằng “quản trị công” và “quyền lợi nhóm” , tham nhũng mới là thủ phạm gây bất ổn cho nền kinh tế và điều hành của VN như nhiều phân tích đã chỉ rõ trong thời gian vừa qua. Nhìn thẳng vào vấn đề thì mới có thể trị được lạm phát.
  • Lan
    08:18 (GMT+7) - Thứ Tư, 28/9/2011
    Lạm phát bao giờ cũng có nguồn gốc từ cả chính sách tiền tệ và tài khoá. 

    Nói không do chính sách tiền tệ theo tôi là không đúng, hãy xem lại cung tiền trong các năm 2008 - 2010 thì sẽ thấy tăng khủng khiếp như nào. 

    Nói tóm lại là: 

    - Phải điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu 

    - Tăng đầu tư xã hội không cần kiểm soát, hãy để thị trường kiểm soát. Vấn đề là phải kiểm soát đầu tư công và đầu tư của các DNNN. Phải cắt giảm mạnh 2 khoản này. 

    Không có đầu tư thì làm sao phát triển được?
  • Lee
    15:25 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Đồng ý với ý kiến của bạn Lâm về vấn đề "Lạm phát cao do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm"! 

    Vấn đề ở đây lớn nhất đó là tính mình bạch, để người dân không còn nghi ngờ khi tình trạng độc quyền vẫn còn phổ biến. Nghị định 84 thực sự được vận dụng một cách chính xác hay chưa? 

    Nếu không thì tại sao Petrolimex lúc lãi lúc lỗ để rồi cứ kêu ầm ầm tăng giá?
  • Lớn - Nhỏ
    14:27 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Gía xăng không phải là chuyện lớn thì vấn đề gì là lớn? 

    Gía xăng chính là hình thức biểu hiện của một nội dung kém. "Nội dung" đó là gì? Đó chính là cơ chế quản lý yếu kém của ngành xăng dầu nói riêng và của các ông lớn DNNN nói chung. 

    Và chính cái sự yếu kém đó đang khiến cho lạm phát không ngừng phi lên, đổ gánh nặng lên hơn 80 triệu người dân. 

    Những vấn đề lớn mà ông bộ trưởng đang ngụ ý, có lẽ bắt nguồn từ những vấn đề không lớn đó đấy.
  • pvd
    12:56 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Phan Bảo Lâm: 

    “Lạm phát cao do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm”, theo tôi, phải nói lại cho đúng là “Lạm phát cao do đầu tư KHÔNG PHẢI bằng tiền tiết kiệm” mà bằng tiền vay, tiền đầu tư của nước ngoài. 

    Đúng vậy thì không nên giảm lãi suất cho vay tín dụng. Thậm chí phải làm ngược lại để các đầu tư hiệu quả thấp teo bớt đi. 

    Đặc điểm của các các đầu tư hiệu quả thấp là có chỉ số ICOR cao. Đo đó để có lợi nhuận, các đầu tư này cần sử dụng lượng vốn vay tín dụng lớn. Không nhà đầu tư nào dại gì đầu tư cho dự án hiệu quả thấp nếu không đủ hai điều kiện: mạo hiểm đầu tư rất thấp và vốn vay được dễ dàng. 

    Ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư thiếu lương tâm và đang ở thế “không có gì để mất thì mạo hiểm đầu tư sẽ “chẳng là gì”, vấn đề còn lại chỉ là vốn. Thực tế phong trào “nhà nhà đầu tư, người người đầu tư” đã đào tạo ra khá nhiều “doanh nhân” làm ăn kiểu “chụp giựt” này. 

    Dễ thấy được các đầu tư ICOR cao có thể ít chịu chi phối của các yếu tố của môi trường kinh doanh. Nhưng chắc chắn sự sống còn của các đầu tư loại này phụ thuộc rất lớn vào vốn (lượng vốn và lãi suất tín dụng). Khi lạm phát và lãi suất tín dụng ổn định ở mức thấp các đầu tư này thoải mái tăng trưởng, đầu tư càng nhiều lãi càng cao. 

    Ngược lại, tình thế như hiện nay, lãi suất cao, vay tín dụng khó, các đầu tư này nhanh tróng đứng trước tình thế sống còn. Tình thế này khiến các chủ đầu tư buộc phải vay tiếp và sẵn sàng vay với lãi suất “cao và cao hơn nữa”. Nguốn cơn khủng hoảng thiếu của tín dụng xuất hiện... 

    Dẫu rằng cuối cùng vẫn phải loại bớt các đầu tư ICOR cao khỏi nền kinh tế. Nhưng không ai hiểu thực trạng của các đầu tư này hơn chính các NHTM đang cho họ vay tín dụng. Nên hỗ trợ các đầu tư này “cơ cấu lại” hay không; Để nó phá sản ngay hay bằng cách nào đó cách nào đó ổn thỏa hơn cho cả hai bên. Cách ứng sử tình huống nên để cho các NHTM tự quyết và tự chịu trách nhiệm. 

    Tuy nhiên hiện tại NHNN đang cấm cho vay tín dụng lãi xuất cao khiến các NHTM thêm khó khăn khi lựa chọn cách ứng sử với khách hàng thuộc nhóm nói nói trên. Không có lý gì khi đặc thù các khoản cho vay đầu tư khác nhau (mức độ an toàn vốn khác nhau) mà lãi suất cho vay lại phải giống nhau. 

    Nhưng nếu bỏ quản lãi suất thì lập tức chính các NHTM lại đem mạo hiểm của bên vay và cũng là của chính họ “san sẻ” cho bên cung, người gửi tiết kiệm... 

    Tốt nhất ngay cả người ngửi tiết kiệm cũng nên cho họ tự lựa chọn. Thay vì khống chế lãi suất, NHNN liên tục kiểm soát và công bố minh bạch các chỉ tiêu an toàn tín dụng. Cơ chế thị trường, tất nhiên NH nào vay tín dụng cao thì an toàn tín dụng phải giảm. 

    Tai sao không đa dạng hóa thị trường tín dụng. Có nên hay không, mỗi NHTM ngoài các quỹ tín dụng truyền thống có thêm một vài quỹ tín dụng cho vay “đầu tư mạo hiểm”? Hoặc cho một hai NHTM nhỏ chuyên làm tín dụng theo cách này?
  • Trương Nam
    10:31 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Hãy đặt câu hỏi để truy tìm vấn đề, rằng: điều gì dẫn tới tình trạng tăng trưởng tín dụng tối đa, đầu tư nhiều hơn tiết kiệm? Khi mà sản phẩm làm ra ít hơn nhiều so với số tiền bơm vào nên kinh tế (do việc đầu tư thiếu hiệu quả) thì làm sao không gây ra lạm phát. 

    Do vậy, theo tôi chính phủ nên có biện pháp mang tính triệt để- hạn chế việc bơm tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này để ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải xa rời năng lực lõi của doanh nghiệp. 

    Mặt khác, phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa tới các doanh nghiệp nhỏ, vừa, những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đem lại giá trị thặng dư cho xã hội.
  • Hoàng Thắng
    10:21 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Các vấn đề về hiệu quả đầu tư công, chính sách tiền tệ... chắc chính phủ và các bộ ngành sẽ dần có biện pháp và giải pháp xử lý trong thời gian tới. 

    Cái tôi thực sự rất hoan hỉ là cách làm của Bộ trưởng Đam, một cách làm rất mới. Thông tin trong các cuộc họp báo gần đây của Văn phòng Chính phủ rất xúc tích và có trọng tâm rõ ràng, các vấn đề được tập hợp và trả lời rành mạnh và logìc. 

    Tôi tin nhiệm kỳ này các thành viên trong chính phủ như ông Đam sẽ giúp cải thiện nhanh và hiệu quả những vấn đề kinh tế xã hội khó khăn hiện nay. 

    Đất nước ta cần thêm nhiều lãnh đạo trẻ, tâm huyết và tài năng như vậy.
  • Nghia
    09:19 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Cần thắt chặt chính sách tài khóa hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua do đầu tư công quá mức và hiệu quả đầu tư công thấp nên dẫn đến lạm phát cao trong thời gian dài. 

    Để chữa tận gốc căn bệnh lạm phát cao thì trước tiên phải nâng cao hiệu quả đầu tư công và có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách ngoại thương...
  • Phan Khanh
    07:48 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Cung cách của Chính phủ ngày càng đúng đắn và chín chắn hơn, hy vọng Chính phủ sẽ thực hiện đúng và quyết tâm như quý báo đã phản ánh.
  • Minh Ngọc
    07:21 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    Tôi thấy vấn đề không phải là đầu tư quá nhiều mà là đầu tư kém hiệu quả, khiến vốn đọng, không đem lại sản phẩm, thất thoát lớn, giá thành sản phẩm cao, hiệu quả đồng vốn thấp.
  • Phan Bảo Lâm
    02:35 (GMT+7) - Thứ Ba, 27/9/2011
    “Lạm phát cao do đầu tư nhiều hơn tiết kiệm”, theo tôi, phải nói lại cho đúng là “Lạm phát cao do đầu tư KHÔNG PHẢI bằng tiền tiết kiệm” mà bằng tiền vay, tiền đầu tư của nước ngoài. 

    Chính vì đầu tư bằng loại tiền này mà VND luôn mất giá so với đô la. Sự mất giá này biểu hiện nợ nước ngoài (cả của Nhà nước và tư nhân) luôn tăng. Nếu đầu tư bằng tiền tiết kiệm thì tỷ giá ngoại hối sẽ luôn ổn định, lạm phát thấp. 

    Tiếp theo, nếu đầu tư có hiệu quả thì VND sẽ tăng giá so với đô, nếu kém hiệu quả thì VN sẽ bị khủng hoảng nợ công tương tự như Mỹ, Nhật và EU, tức là mất thanh khoản lòng vòng trong nước nhưng không ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá vì tiền và hàng luôn cân bằng, khủng hoảng là do ách tắc trong lưu thông vốn. 

    Từ đó rút ra kết luận, lạm phát của VN không thể dùng biện pháp tài chính làm công cụ chống lạm phát duy nhất mà phải có chính sách kinh tế đồng bộ và nhất quán. Chỉ có khủng hoảng tài chính như Mỹ, EU mới dùng chính sách tiền tệ để can thiệp mà thôi.

No comments:

Post a Comment