Thursday, October 6, 2011

06/10 Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nói đổi mới lần hai thì “to tát” quá

ĐẶNG HƯƠNG
06/10/2011 09:45 (GMT+7)
pictureBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Tại buổi tham vấn về kế hoạch phát triển giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, một số nhà tài trợ và các đối tác phát triển đã đề cập đến nội dung đổi mới lần hai”.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nói như vậy thì “to tát” quá, song bản kế hoạch này đã thể hiện quyết tâm trong việc tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới.

Để hoàn thiện bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn ý kiến của các nhà tài trợ và các đối tác phát triển quốc tế tại Việt Nam. Quan điểm của những tổ chức này đối với bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế mới được công bố lần này là như thế nào, thưa ông?

Có thể nói rằng, các nhà tài trợ và các đối tác phát triển quốc tế tại Việt Nam có quan điểm thống nhất tương đối cao về bản dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015. Bản dự thảo có nhiều điểm mới so với bản dự thảo được đưa ra lần trước, đặc biệt đã chú trọng tới hai định hướng lớn là ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Bản kế hoạch được xây dựng lần này dựa chủ yếu vào kết quả đầu ra nhiều hơn là việc đưa ra những con số chỉ tiêu, mục tiêu hay định hướng... trong đó đặc biệt là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Qua quá trình tham vấn, hầu hết các nhà tài trợ và các đối tác nước ngoài đều cho rằng Việt Nam nên sử dụng kịch bản tăng trưởng thấp hơn. Nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới dự kiến khoảng 6,5%/năm; quy mô GDP theo giá thực tế đến năm 2015 là gần 180 tỷ USD; bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 4,5% GDP; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 33,5% GDP và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng phấn đấu đến năm 2015 khoảng 7%. 

Theo các chuyên gia nước ngoài, với kịch bản này Việt Nam có thể chủ động ứng phó với những biến động của nền kinh tế thế giới cũng như của quá trình chuyển dịch nền kinh tế từ dựa chủ yếu vào tăng trưởng tín dụng sang tái cơ cấu nền kinh tế.

Những vấn đề mà các nhà tài trợ nêu ra lần này không phải quá mới lạ, nếu xem xét cụ thể hơn thì những vấn đề này đều đã được đề cập trong dự thảo song vấn đề ở chỗ là độ “đậm nhạt” của những khuyến nghị này. Có nhiều ý kiến được các chuyên gia đưa ra đã gợi ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phải nghiên cứu, xem xét lại để hoàn thiện bản kế hoạch này hơn.

Vậy cụ thể đó là những vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?

Đánh giá kỹ bài học công tác điều hành trong giai đoạn 2006-2010 có ý nghĩa rất to lớn đối với việc xây dựng mục tiêu và giải pháp cho giai đoạn 5 năm tới, nhất là được đặt trong bối cảnh phải quan tâm tới những tồn tại và hạn chế của nền kinh tế Việt Nam.

Đó là Việt Nam cần quan tâm hơn đến động lực tăng trưởng, xây dựng được niềm tin của người dân vào VND, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay. Đó là xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, thông qua những giải pháp, chế tài để có thể kiểm soát kết quả đầu ra của bản kế hoạch này. 

Đó là việc xem xét tới những giải pháp tái cơ cấu lại nguồn nhân lực để đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đó là việc thêm vào những chỉ tiêu về vấn đề an sinh xã hội, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, quan tâm nhiều hơn tới những đối tượng yếu thế, vấn đề tăng trưởng xanh, đào tạo hướng nghề...

Một số nhà tài trợ và các đối tác phát triển đã đề cập đến vấn đề đổi mới, cải cách lần hai. Có thể coi bản kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2015 lần này là bản lề để Việt Nam thực hiện cải cách đổi mới lần hai không, thưa Bộ trưởng?

Nói như vậy thì “to tát” quá. Nhưng rõ ràng bản quy hoạch này là một nền tảng để chuyển đổi nền kinh tế phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, tức là quan tâm nâng cao hiệu quả nền kinh tế bằng những giải pháp cụ thể, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới.

Ở cả hai kịch bản kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, nguồn vốn đầu tư công giảm khá mạnh. Vậy đâu là những giải pháp để nhằm giải quyết khó khăn trong huy động nguồn lực phát triển cho Việt Nam trong 5 năm tới, thưa Bộ trưởng?

Việc giảm tỷ lệ tổng mức đầu tư từ mức trên 40% GDP trong 5 năm trước xuống còn 33-35% trong 5 năm tới ở cả 2 kịch bản phát triển là một mức giảm quá lớn trong khi nền kinh tế vẫn chưa thay đổi tư duy đầu tư dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Đây sẽ là thử thách rất lớn đối với Chính phủ nhất là trong khi cơ chế huy động nguồn vốn tư nhân vẫn còn chưa rất khó khăn. Nhưng khó khăn thì vẫn phải làm vì nếu không thì chúng ta không thể giải quyết được vấn đề lạm phát, vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô hay phát triển bền vững.

Vì vậy vấn đề phân bổ sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển giữa trung ương và địa phương, trong đó trung ương định hướng lĩnh vực đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư vào những công trình trọng điểm để tránh làm phân tán nguồn lực. Nguồn này ít đi thì việc phải sử dụng tốt nguồn vốn này là rất quan trọng để tháo gỡ nút thắt trong chính sách phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, vấn đề thể chế hóa huy động nguồn lực, phân bổ nguồn ngân sách... cũng rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của hiệu quả đầu tư.

No comments:

Post a Comment