Thursday, December 1, 2011

01/12 Không nên “cực đoan” với doanh nghiệp Nhà nước


NGUYÊN HÀ
01/12/2011 14:04 (GMT+7)
pictureÔng Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Ảnh: Hải Hà.











































Thừa nhận vai trò của doanh nghiệp tư nhân, song cũng không nên đặt vấn đề cực đoan về doanh nghiệp nhà nước. Quan điểm này được Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang đưa ra trong cuộc trao đổi với VnEconomy, khi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang là câu chuyện được đề cập ở nhiều diễn đàn với đa chiều quan điểm.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa bế mạc cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu tập hợp kiến nghị của nhiều chuyên gia về tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó có đặt vấn đề “muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước triệt để, cần thay đổi quan điểm về vai trò then chốt của khu vực này”. Ông có đồng tình?





Tại kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa bế mạc cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu tập hợp kiến nghị của nhiều chuyên gia về tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó có đặt vấn đề “muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước triệt để, cần thay đổi quan điểm về vai trò then chốt của khu vực này”. Ông có đồng tình?


Tôi thấy đó là quan điểm đổi mới và cần phải hướng tới cái đó, vì hiện nay các thành phần kinh tế khác chiếm 60% nguồn lực xã hội tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách đều cao, thì mình phải thừa nhận vai trò của họ.

Vì, nếu cứ nhấn mạnh mãi vào kinh tế nhà nước, thì câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để đánh giá doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo? Khi mà nguồn lực, tạo việc làm, nộp ngân sách đều không lớn hơn khu vực khác.

Tuy nhiên, cũng không nên đặt vấn đề cực đoan là xóa bỏ vai trò chủ đạo của lực lượng này. Vì khi đó phải đưa thành phần doanh nghiệp khác lên vị trí chủ đạo thì không được, không công bằng. Vì cũng sẽ có câu hỏi đặt ra là liệu thành phần doanh nghiệp khác đã đủ điều kiện để thực hiện vai trò chủ đạo chưa?

Cũng theo tài liệu của Ủy ban Kinh tế thì các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp Nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung đang làm thâm hụt ngân sách nhà nước ở quy mô lớn. Đồng thời, đang góp phần tạo nên những bất cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế. Ông nghĩ, nên nhìn nhận thế nào về năng lực thực sự của doanh nghiệp nhà nước?

Đánh giá một cách tổng thể, thì doanh nghiệp nhà nước có cái được và không được. Cái được thì đây là công cụ của nhà nước tham gia vào điều hành kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nhà nước. Khi xảy ra mất cân đối về cung cầu như năng lượng, sắt thép…, ai sẽ đóng góp vào việc đảm bảo cân đối? Chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới làm được thôi.

Tuy nhiên hiện nay thì doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu nguồn lực lớn, song đóng góp chưa tương xứng. Đó là vấn đề cần được đánh giá khách quan và phải xử lý để lực lượng này có đóng góp tương xứng với nguồn lực.

Trên diễn đàn Quốc hội thì việc độc quyền của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu và điện vẫn luôn được mổ xẻ. Theo ông thì đây có phải là vấn đề cần được “xử lý” rốt ráo không?

Vấn đề này thì tôi có cách nhìn khác một chút. Đặt vị trí là một người tiêu dùng thì mình bao giờ cũng muốn sử dụng các mặt hàng này với giá rẻ nhất. Nên khi doanh nghiệp nhà nước lỗ mà giá xăng dầu hay điện có lợi thì dân cũng ủng hộ.

Tuy nhiên mặt trái ở đây là không phản ánh đúng chi phí vào giá thành sản xuất, và nhà nước phải dùng ngân sách để bù lỗ. Nên giá rẻ thì mới ổn về mặt tiêu dùng thôi, chứ nói mà để nền kinh tế phát triển bền vững thì chưa phải.

Nói độc quyền thì cũng oan cho ngành điện, bởi họ đang độc quyền vì không ai làm. Nhà nước tăng giá điện thì dân kêu, vì thế chi phí giá thành cao hơn giá bán nhưng không được tăng giá bán. Giá bán thấp lỗ nên không ai làm. Độc quyền đó không phải do bản thân ông điện, mà do giá thành chưa hợp lý. Nếu đời sống cao lên, dân chấp nhận giá cao hơn, thì điện sẽ không độc quyền nữa.

Tất nhiên cũng có thể người ta đặt câu hỏi là giá thành đúng chưa, có thể anh quản lý không tốt làm cho giá thành cao, hay anh lấy lợi nhuận để trang trải chỗ lỗ khác, nếu thế thì không được.

Nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã kiến nghị cần xóa bỏ mọi ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước. Đã từng nhiều năm ở doanh nghiệp nhà nước (trước đây ông Quang là Giám đốc Công ty Xi măng Hoàng Mai - PV), ông nghĩ sao về kiến nghị này?

Nói doanh nghiệp Nhà nước được quá nhiều ưu đãi là không đúng. Vay vốn thì lãi suất cũng như thế, chi phí đầu vào cũng mua theo cơ chế thị trường, mua than, mua điện thì các loại hình doanh nghiệp đều như nhau, bán ra thì cũng giá thị trường...

Chỉ có một số ưu đãi là doanh nghiệp nhà nước khi cần vốn thì vay vốn ngân hàng dễ hơn, vì ông ngân hàng bao giờ cũng muốn cho doanh nghiệp nhà nước vay vì không sợ mất vốn. Vì nợ là nợ của nhà nước, nếu không may có xảy ra chuyện gì thì khuyết điểm cũng không lớn như cho tư nhân vay.

Như vậy thì ưu đãi trong quá trình điều hành thôi, chứ không phải do thể chế và do luật pháp đặt ra, nói là ưu đãi bằng văn bản thì không có.

Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang nhận được khá nhiều đề xuất, góp ý đa chiều. Với kinh nghiệm từ quá trình công tác tại doanh nghiệp nhà nước, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thế nào cho hiệu quả thì vẫn đang thì là câu hỏi. Song theo tôi thì phải trên nguyên tắc là tạo ra hệ thống luật pháp, thể chế làm sao để tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trên một sân chơi.

Thứ hai là nguồn lực nhà nước có hạn, nên lĩnh vực kinh doanh nào mà các thành phần khác làm được thì nhà nước nên thoái vốn, nhường cho họ, để tập trung vào lĩnh vực mà họ không làm được. Vì khi doanh nghiệp khác tham gia đầu tư thì họ vẫn tạo ra công ăn việc làm và đóng thuế.

Nguyên tắc thứ ba là nếu nhà nước có tiền thì phải xác định đầu tư vào đâu để hiệu quả không thấp hơn các thành phần khác, tránh như hiện nay cùng lĩnh vực nhưng hiệu quả thấp hơn.

Theo tôi phải dựa vào ba nguyên tắc như thế.

Ông có thể nêu ví dụ lĩnh vực nào nhà nước đang ôm mà không cần ôm nữa?

Nhiều, nhiều, nhiều lắm.

Xin ví dụ cụ thể đi ạ?

Ta nên tính đến lĩnh vực nhà nước phải ôm, như quốc phòng hay doanh nghiệp công ích... Vì ở đây nếu tính đủ chi phí thì  dịch vụ cao quá, dân không chịu được, còn các lĩnh vực kinh doanh khác mà hiệu quả không cao thì thoái vốn.

Có không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về lợi ích nhóm sẽ là lực cản trong quá trình tái cấu trúc này, còn ông thì sao?

Tôi cũng có nghe nói, nhưng khi tôi làm doanh nghiệp thì có lẽ ở tầm quá bé, nên chưa bị áp lực nào của lợi ích nhóm.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Trung Võ
    17:27 (GMT+7) - Thứ Năm, 1/12/2011
    Tôi cho rằng không cần thiết phải nhấn mạnh ngành nào có vai trò chủ đạo. Cái cần là tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
  • An Bình
    17:26 (GMT+7) - Thứ Năm, 1/12/2011
    Nhà nước nắm luật pháp thì lúc nào mà chẳng chủ đạo. Điều cần không phải giữ nhiều hàng hóa để chủ đạo mà cần sự tín nhiệm, sự minh bạch, pháp luật công bằng và thực thi công lý quản lý kinh tế đầy đủ. Đó mới chính là chủ đạo của nhà nước.
  • Phạm Ngọc Phú
    15:14 (GMT+7) - Thứ Năm, 1/12/2011
    Tôi không cho rằng chỉ có doanh nghiệp Nhà Nước mới có thể đảm bảo cân đối cung cầu của thị trường.


    Ở hầu hết các nước không cần doanh nghiệp Nhà Nước, nhưng cung cầu thị trường của họ vẫn được đảm bảo, thậm chí còn tốt hơn nước ta. Vấn đề thời sự của công cuộc cải cách nền kinh tế hiện nay là cần xem lại vai trò kinh tế của Nhà Nước.


    Nhà Nước có cần phải làm kinh doanh không khi Nhà Nước là cơ quan quyền lực, giữ vai trò trọng tài của thị trường? Thứ hai là cần khắc phục tình trạng vô chủ tại doanh nghiệp Nhà Nước, khi không rõ ai, cơ quan nào đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp Nhà Nước.


    Thứ ba là doanh nghiệp Nhà Nước có rất nhiều hạn chế trong cạnh tranh, ví dụ như không có khả năng tích tụ, tập trung vốn. Thứ bốn là doanh nghiệp Nhà Nước rất dễ lẫn lộn giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh, điều đó rất dễ tạo ddiều kiện cho tham nhũng
    .

No comments:

Post a Comment