Thursday, December 1, 2011

CON CHÁU HOÀI-ÂM HẦU HÀN TÍN


vinhquybaito

Một gia tướng trung nghĩa của họ Hàn, đem dứa con nhỏ của Hàn Tín chạy trốn về phía Nam, mai danh, ẩn tích, đổi thành họ Vi (một nửa chữ Hàn) sống lẫn lút ở vùng biên giới Việt Hoa. 


Đến đời nhà Trần, họ Vi lúc đó làm Tù Trưởng ở động Lĩnh Nam, lại bị quân sĩ của Chiêu văn Vương Trần Nhật Duật kéo đến chinh phạt. Binh đơn, tướng thiểu Tù Trưởng Vi Đạt bị tấn công cả bốn mặt, một lần nữa, lại phải đội đứa con thơ là Vi Thành mới lên ba tuổi ở sau lưng, rồi nhảy lên mình ngựa, đánh phủ trùng vây, chạy về lánh nạn ở Ngòi Xảo, phó mặc gia quyến cho sự rủi may, của cơn binh lửa phũ phàng. 

Sống giản dị chung đụng với thổ dân trong một túp lều siêu vẹo ở Ngòi Xảo, Tù Trưởng Vi Đạt ban ngày phải đai con trên lưng vào rừng lấy măng tìm gỗ quý, cũng như trăm ngàn người khác ở địa phương này, tối về, hai cha con lại hú hý với nhau ở bên bếp lửa, cuộc sống của viên Tù Trưởng thất thế, như vậy, cũng gọi là tạm yên. Năm Vi Thành lên bảy tuổi, ông Vi Đạt ngoài việc dạy học chữ, còn bắt Thành phải tập luyện cả võ nghệ, hy vọng sau này, con trai sẽ trở nên hữu dụng, văn võ toàn tài. Đất sơn cước hiếm nhân tài, ông Vi Đạt phải tự đảm nhiệm lấy công việc dạy bảo con trai, và do đó một số dân cư sở tại cũng nô nức cho con em đến nhà ông Vi Đạt, để nhờ ông dạy chữ, dạy võ. 

Một buổi kia, chợt có một lão hành khất cùi đến xin ăn ở các nhà trong vùng Ngòi Xảo. Thấy ông lão mặt mũi sần sùi, ngón tay bị cụt, bàn chân lỡ loét, gớm ghiếc, ruồi nhặng bu chung quanh, mỗi khi xê dịch, tiếng vo ve nổi lên rào rào như đàn ong vỡ tổ. Trẻ con chạy theo ở tít xa xa, vỗ tay hò reo chế diễu, còn người lớn thì ghê tởm nếu không đưa tay bịt mũi, khạc nhổ thì cũng lãng đi chỗ khác, chớ không dám đến gần. Vì vậy, ông lão đi đến đâu, cũng bị xua đuổi, không một ai chịu bố thí cho một chút gì, khiến ông lão đói khát quá, lã đi nằm co quắp trên nền miếu Sơn Thần, cơ hồ không còn đủ sức gượng dậy, để lê bước đi nơi khác nữa khi bị tuần đinh đến hạch hỏi, đòi bắt giải lên quan Châu Bắc Quang để đưa về nhà thương Vòi ; một bệnh xá chuyên trị những người cùi, sống riêng biệt trong một khu vực rộng mông mênh, có hàng rào giây kẽm gai ngăn cách với thế giới bên ngoài. 

Thuở ấy, thiên hạ ghê tởm, kinh sợ bệnh hủi hơn tất cả mọi chứng bện nan trị khác ! Cứ thấy ai mắc phải bệnh ấy, là người ta đi báo quan đến bắt đem nhốt trong nhà thương Vòi ở Bắc Giang để điều trị. Lão hành khất nằm ở miếu Sơn Thần mỗi ngày một thêm yếu đuối, trước còn lăn lộn rên la thành tiếng, sau hình như đói khát quá cơ thể suy nhược quá độ, đến nổi lão chỉ nằm co quắp, thoi thóp thở chờ chết. Mấy bô lão thổ dân và viên Chánh Tổng sở tại bàn luận với nhau, rồi nhất định cho trai tráng trong bản khiêng lão bỏ ra ngoài thung lũng ở cách xa đấy chừng hai dặm đường, để tránh trách nhiệm, vừa sợ quan trên quở trách là có người mắc bệnh hủi đến quanh quẩn trong vùng, mà không chịu đi báo, vừa ngại bị tốn kém, lôi thôi, phải chôn cất cho kẻ xấu số, nếu lão hành khất không còn đủ sức chống chọi với tử thần. Đúng lúc ấy, ông Vi Đạt đi săn về, vai vác con nai tơ, lưng đeo cung tên, lầm lũi đi ngang miếu Sơn Thần, thấy viên Chánh Tổng đang đứng sai phái mấy thanh niên trong bản đem võng ra khiêng lão hành khất bỏ ngoài thung lũng, một nơi nổi tiếng là nhiều hổ báo, lợn rừng thường về phá phách ngô khoai của dân cư sở tại và bắt các gia súc đem vào núi sâu ăn thịt. 

Ông Vi Đạt nghĩ đến cảnh hoạn nạn của mình năm nào, giọt lệ anh hùng bất giác tuôn rơi tầm tả, động lòng thương kẻ tuổi cao, tác lớn, không may bị sa cơ lỡ bước, gần phơi gửi xương nơi đất khách, liền đặt con nai xuống, chạy vội vào trong miếu, trước vẻ mặt ngơ ngác của các bô lão đất Ngòi Xảo. Không quản ngại mùi hôi tanh nhức óc, máu mũ đầm đìa, ông già họ Vi dơ cao chiếc khăn bịt đầu phất ngang một cái mạnh, để xua đuổi những đàn ruồi nhặng bay vo vo như tiếng sáo diều ở chung quanh lão hành khất, rồi ngồi bệt xuống nền miếu, sờ ngực nạn nhân, mím môi, lắng tai nghe ngóng. Thấy toàn thân lão hành khất vẫn còn hơi nóng, mạch vẫn còn thoi thóp đập đều, mặc dầu rất yếu, ông Vi Đạt mừng rỡ, vội đứng phắt lên, đến gần viên Chánh Tổng, tha thiết yêu cầu cho mình được đem nạn nhân về nhà chạy chữa. Viện cớ câu cửa miệng : " cứu nhất nhân, đắc vạn phúc " để kích thích lòng bác ái, từ bi của hương chức sở tại, ông Vi Đạt tin tưởng rằng các bô lão sẽ vui lòng cho phép ông gánh giúp họ gánh nợ mười đời ấy, nhưng không ngờ ông bị thất vọng hoàn toàn, vì viên Chánh Tổng cương quyết đuổi lão hành khất ra khỏi vùng Ngòi Xảo, sợ để lão ở quanh quẩn trong bản, sẽ gây nguy hại cho cả dân cư sở tại. Lỡ ra quan Châu biết thì họ tránh sao khỏi sự quở trách ? Ông Vi Đạt tha thiết nói thế nào, họ cũng không chịu nghe, khiến cho ông già họ Vi tức bực quá không còn biết làm cách gì để cứu mạng lão hành khất. Nghĩ đi, nghĩ lại mãi, sau ông Vi Đạt phải đem con nai cho người bạn vẫn đi săn với mình, để nhờ làm thịt rồi muối mặn, để dành ăn dần dần, còn ông thì hăng hái đứng chờ, đi theo lão hành khất cho đến cùng, chớ ông không nở bỏ rơi người bạc số, mắc nạn giữa đường. Sở dĩ ông Vi Đạt dám có ý định táo bạo ấy, là vì ông sinh sống ở vùng này từ lâu, biết rõ địa dư đồi núi, chỗ nào có hang có động, nơi nào có quán, có miểu, nên ông đoán được rằng, nếu bọn trai tráng khiêng lão hành khất đem bỏ ra ngoài thung lũng thì gần đấy có cái nhà mồ bỏ hoang không biết từ bao giơ, tuy siêu vẹo, tiều tụy, song tạm thời cũng có thể che mưa tránh nắng được trong cơn gấp rút này. Nghĩ thế rồi, ông chạy vội về nhà, đem thằng con trai là Vi Thành đến gửi một người hàng xóm, rồi thu xếp quần áo với mấy món cần dùng, đi theo lão hành khất. Quả nhiên các việc đã xảy ra đúng như sự dự đoán của ông Vi Đạt. Ngay sau khi hai thanh niên trong bản cuốn võng, đem về Ngòi Xảo phục lệnh viên Chánh Tổng, ông Vi Đạt cố nâng lão hành khất vào nhà mồ, chỉ ở cách đấy chừng ba mẫu ruộng. Sinh trưởng miền rừng rậm núi cao, ông Vi Đạt rất thạo về tính dược các loại cây cỏ, vẫn được dân cư địa phương dùng chửa các chứng bệnh hiểm nghèo, nên vừa thu xếp yên ổn nơi ăn chốn ở cho hai người, họ Vi liền chạy vào rừng, tìm thuốc chửa bệnh cho lão già hủi. Thuốc gia truyền tuy rất giản dị nhưng lại cực kỳ hiệu nghiệm, nên chỉ ba ngày sau đó, lão hành khất đã tỉnh táo, nói năng, cử động được. Vả lại, lão hành khất vốn bị đói khát, khổ cực quá độ, sức khoẻ suy giảm nhanh chóng, khiến chứng bệnh hoành hành dữ dội đến ngất lịm đi, bề ngoài giống in người đang hấp hối. Nhưng sự thực, tình trạng lão không đến nổi nào ! Phần nhờ các phương thuốc gia truyền, phần được sự săn sóc chu đáo, tận tâm của ông Vi Đạt, lão hành khất có cơm ăn, thuốc uống đầy đủ, nên chẳng bao lâu đã đi lại được một mình, không còn phải dìu giắt như mấy hôm trước nữa. Trong thời gian ấy, ông Vi Đạt vẫn thỉnh thoảng về Ngòi Xảo thăm con. Vi Thành tuy nhỏ song vốn là con nhà tướng, được rèn luyện quyền cước, tập tành võ nghệ từ khi mới chập chửng biết đi, nên mạnh dạn phi thường, một mình dám cầm thanh mả tấu, đi sâu vào rừng núi lấy măng để đem về đổi gạo giúp đở cho nhà một phần nào, giải quyết sinh kế gia đình. Từ hôm được thân phụ đem gửi ở nhà hàng xóm, Thành nhớ bố, thuờng cứ lần mò tìm đến nhà mồ thăm cha, sau giờ học, mặc dầu đã bị ông Vi Đạt cấm đoán nghiêm ngặt. Ông chỉ sợ con trai gặp thú dữ ở dọc đường, hay rủi ro bị lạc lối thì khốn.

No comments:

Post a Comment