Monday, December 19, 2011

19/12 VND đã bị định giá quá cao?


KIM NGÂN
19/12/2011 09:09 (GMT+7)
pictureVND đã liên tục bị định giá cao trong 3 năm đầu của thập kỷ vừa qua và tiếp tục xu hướng đó trong 3 năm gần đây với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước - Ảnh: Reuters.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Một công trình nghiên cứu đã lật lại việc định giá VND trong những năm qua, độ sai lệch của tỷ giá và tác động của nó đối với sức cạnh tranh trong xuất khẩu.

Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả Vũ Quốc Huy, Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Hải Đăng với chủ đề “Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000 - 2011: Các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu”.

Nghiên cứu trên được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách Kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP); vừa được hoàn thiện và công bố sáng nay (19/12).

Một nội dung chính với những kết luận đáng chú ý trong nghiên cứu này là sự lên giá của đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ trong khoảng thời gian một thập kỷ qua.

Cụ thể, kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, tỷ giá danh nghĩa có xu hướng tăng trong toàn bộ thập kỷ vừa qua và tăng mạnh hơn từ 2008 đến nay. Xu hướng theo thời gian được ước lượng cho thấy mức độ mất giá là khoảng 0,4%/quý trong giai đoạn 2000 - 2007 nhưng đã tăng lên mức 1,8%/quý trong giai đoạn tiếp theo từ đầu năm 2008, tương đương với mức tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, tỷ giá thực lại có biến động khác biệt. Nó tăng nhẹ vào giai đoạn quý 1/2000 đến quý 3/2003 với xu hướng thời gian bằng 0,75%. Đồng Việt Nam sau đó đã có xu hướng tăng giá mạnh thực tế trong giai đoạn quý 4/2003 đến quý 4/2008 với tốc độ 1,5%/quý. Đồng thời, khoảng cách giữa hai tỷ giá ngày càng mở rộng đặc biệt là trong giai đoạn 2008 - 2010.

So với năm 2000, chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2010 đã tăng tới xấp xỉ 123% trong khi CPI của Mỹ chỉ tăng 26,7% trong cùng giai đoạn. Tỷ giá danh nghĩa giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ chỉ tăng xấp xỉ 30,4%. Do vậy, nếu lấy năm 2000 làm gốc thì đồng Việt Nam đã lên giá thực tế xấp xỉ 25,9%. Thậm chí nếu tính cả lần phá giá 9,3% vào tháng 2/2011, tình hình cũng không được cải thiện do tỷ lệ lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2011 đã lên đến 13,29% so với tháng 12/2010.

Đến hết năm 2010, đồng USD cũng đã mất giá khá nhiều so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhưng mặc dù cùng lên giá theo chiều hướng chung, nhưng đồng Việt Nam vẫn lên giá nhiều hơn so với các đồng tiền ở châu Á như Đô la Singapore, đồng Won Triều Tiên, Ringgit Malaysia và Nhân dân tệ.

“Sự lên giá thực của đồng Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới”, nhóm nghiên cứu nhìn nhận.

Theo giới thiệu của nhóm tác giả, trong công trình trên, lần đầu tiên ở Việt Nam mức độ sai lệch về tỷ giá (exchange rate misalignment) được đưa ra dựa trên một mô hình kinh tế lượng tương đối đơn giản và đã được thử nghiệm để tính toán mức độ sai lệch tỷ giá cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Và kết quả ước lượng tỷ giá thực hữu hiệu dài hạn và tính toán độ sai lệch của tỷ giá cũng đã khẳng định một thực tế là đồng tiền của Việt Nam đã liên tục bị định giá cao trong 3 năm đầu của thập kỷ vừa qua và tiếp tục xu hướng đó trong 3 năm gần đây với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước. Xen giữa hai giai đoạn này là giai đoạn mà đồng tiền bị định giá thấp nhưng không ổn định và có lúc bị lệch tới 20% trước khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra.

Nhóm tác giả cho rằng kết quả đó cần phải kiểm tra thêm, bao gồm cả các phân tích độ nhạy cảm của việc lựa chọn mô hình và các biến số. Tuy nhiên, kết quả này đã cho thấy có rất nhiều vấn đề trong cách mà Chính phủ và Ngân hàng Trung ương điều hành chính sách tỷ giá.

Từ đó, có những câu hỏi được đặt ra. Có phải sự sai lệch về tỷ giá này là kết quả của các hành động có chủ ý nhằm một mục đích chính sách nào đó hay không, và các cơ quan chức năng có nhận biết được sự sai lệch về tỷ giá và có biện pháp nào để giảm bớt sự sai lệch này hay không? Ảnh hưởng của sự sai lệch tỷ giá đối với một số chỉ số kinh tế là như thế nào?

Đó là những câu hỏi dành cho các nhà quản lý, và điều quan trọng như trong câu hỏi trên là họ có nhận biết được sự sai lệch về tỷ giá hay không. Còn điểm mà nhóm tác giả tập trung là những tác động của nó, cũng như của tỷ giá nói chung đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, và tác động của nó phụ thuộc vào cả hai yếu tố: sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu.

Kết luận trên có thể không hoàn toàn mới nhưng nó tái khẳng định khả năng sử dụng công cụ tỷ giá trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Nhiều mặt hàng Việt Nam đã có lợi thế xuất khẩu như dệt may, giày da, đồ gỗ, thiết bị điện tử có phản ứng tích cực đối với việc giảm giá đồng Việt Nam. Tuy nhiên, việc có nên sử dụng công cụ tỷ giá trong bối cảnh hiện nay hay không cần phải tính toán đến các yếu tố và mục tiêu khác trong nền kinh tế. Bởi những lo ngại về tác động bất lợi của giảm giá đồng Việt Nam đến lạm phát, khả năng trả nợ, tình hình tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến nợ nước ngoài là những lo ngại chính đáng, cần được xem xét…
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Nghĩa
    14:04 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/12/2011
    Xuất khẩu tăng tốt qua tất cả các năm với đầu vào có cả yếu tố cấu thành từ trong nước và nước ngoài thế thì cớ gì phải phá giá đồng tiền Việt Nam. 

    Để giảm thâm hụt thương mại có thể sử dụng đến các chính sách công nghiệp, thuế... chứ không phải cứ phá giá đồng Việt Nam.
  • pvd
    14:02 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/12/2011
    Nhóm nghiên cứu: “Sự lên giá thực của đồng Việt Nam làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới”. 

    Khái niệm “giá thực của đồng Việt Nam” trong đánh giá của nhóm nghiên cứu nên hiểu là “giá cả - giá thực tế” của VNĐ trong thị trường nội địa, sau khi đã chịu ảnh hưởng của nỗ lực điều hành tỷ giá từ phía các chính sách điều hành tiền tệ trong nước. 

    Sự thực “giá thực của đồng Việt nam” chính là cái giá mà nhóm đã tính ra. Nó không cao, không thấp và luôn vận động tỷ lệ với tỷ số so sánh lạm phát thực tế giữa nền kinh tế Việt nam so với lạm phát của nền kinh tế có đồng tiền đối ứng. 

    Tỷ giá thị trường sát với tỷ giá thực là cơ sở để giao thương kinh tế bình đẳng lành mạnh giữa các nền kinh tế. Tuy nhiên nhằm đạt mục đích cạnh tranh, các nhà nước thường chủ động tác động đến tỷ giá làm tăng hoặc giảm giá đồng tiền của mình như một chiến thuật. 

    Trung quốc dùng biện pháp giữ giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để khuyến khích xuất khẩu. Hàng Trung quốc rẻ, người tiêu dùng Mỹ được lợi nhưng các nhà sản xuất Mỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Trung quốc chấp nhận thiệt về giá nhưng nhờ đó mà xuất siêu sang Mỹ. Xuất siêu nghĩa là của làm ra: dùng ít, dành bán rẻ thu tiền về tích lũy cho nền kinh tế. Thực chất đây là một cách “thắt lưng buộc bụng” hữu hiệu cho các nền kinh tế nghèo, phải cố làm nhiều hàng, bán hàng rẻ ra ngoài và cố ngắng tiết kiệm tiêu dùng bên trong. 

    (Đồng Tệ bị chủ ý đè xuống thấp hơn đồng Đô khiến Mỹ dù có nền sản xuất công nghệ cao vẫn phải chịu thua Trung quốc trong cạnh tranh thương mại. Đồng VNĐ lại còn định giá cao hơn cả Đô nữa hèn chi hàng của Trung quốc chẳng tràn lan thị trường Việt. Không hẳn vì dân Việt “sính ngoại” đâu. Nhiều phần vì hàng ngoại quá rẻ, vào WTO, hàng rào thuế quan bỏ, hàng ngoại còn có cơ rẻ hơn nữa!) 

    Sự thực chính phủ không thể quyết định được tỷ giá mà chỉ có nền kinh tế mới quyết định được tỷ giá. Về cơ bản lạm phát quyết định tỷ giá: lạm phát ổn định thì tỷ giá ổn định, lạm phát giảm thì tỷ giá giảm và ngược lại. 

    Khi lạm phát tăng, tỷ giá thực tăng. Thường là các nhà điều hành tiến hành bình ổn sao cho tỷ giá tăng đều đặn để chống sốc cho các DN KDSX. Bằng không hoặc kéo tỷ giá xuống dưới tỷ giá thực, hoặc làm ngược lại. 

    Nếu kéo tỷ giá xuống dưới tỷ giá thực (nâng giá đồng nội địa) thì hàng hóa ngoại nhập nói riêng, hàng hóa nói chung sẽ có vẻ rẻ hơn. Người dân ít ấn tượng thấy mức độ trầm trọng của lạm phát, do đó cách này thường được người dân tán thưởng hơn. Tuy nhiên nền kinh tế sẽ phải chấp nhận duy trì một khoản hao tổn dự trữ ngân sách để bù đắp cho phần giá trị được nâng lên của đồng tiền nội địa (mua ngoại tệ đắt, bán ngoại tệ rẻ). Nếu lạm phát kéo dài, khả năng nâng đỡ đồng nội tệ của ngân sách cuối cùng sẽ tới lúc cạn kiệt, nhiều hệ lụy tất yếu sẽ xảy ra. 

    Ngược lại. Nếu nâng tỷ giá lên trên tỷ giá thực (hạ giá đồng nội địa) thì áp lực lạm phát đề nặng xuống đời sống nhân dân, trước hết là người nghèo. Do giá cả đắt đỏ, người dân buộc phải tự điều tiết giảm chi tiêu. Nhưng các nhà KDSX nội địa lại xu hướng gia tăng xuất khẩu (do đồng ngoại tệ có giá cao, xuất khẩu rễ kiếm lợi nhuận hơn!). Do vậy xu thế hồi phục kinh tế, giảm lạm phát sẽ có điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên cách này sẽ tác động rất lớn đến dư luận xã hội và tạo áp lực lớn đối với nhà điều hành kinh tế. Các nhà điều hành đương chức rất khó vượt qua áp lực này. 

    Khủng hoảng kinh tế thế giới thường lan tỏa như dịch bệnh là vì các nước lạm phát tràn lan, không đồng đều. Khi một nền kinh tế có vấn đề lập tức quan hệ tỷ giá giữa các cặp tiền đồng trở nên bất ổn. Tiền bất ổn thì thị trường hàng hóa hỗn loạn, dẫn đến sản xuất kinh doanh mất chủ động, thậm trí tê liệt. Thế là tất cả cùng khủng hoảng! 

    Để thị trường thế giới ổn định, sớm hay muộn lạm phát và chính sách tiền tệ cũng sẽ không còn là “việc riêng” của mỗi quốc gia nữa. Khi nào cộng đồng quốc tế có được những công ước chung về giám sát lạm phát các nước thành viên và hệ thống các nguyên tắc thiết lập các cặp tỷ giá tiền tệ chặt trẽ thì câu chuyện “chiến tranh tiền tệ” mới được giải quyết hiệu quả. Chế độ bản vị phi vàng mới được hoàn thiện đầy đủ.
  • 24Nha.com
    10:39 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/12/2011
    Nếu nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa cho nền kinh tế Việt Nam mà ta tự có, hoặc nhập khẩu với số lượng vừa phải thì việc tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu sẽ là thật sự tốt. Tuy nhiên như nền kinh tế của ta tất cả nguyên vật liệu để sản xuất cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều phải nhập khẩu, thì tỷ giá cao sẽ là con dao hai lưỡi - lợi bất cập hại - hậu quả là lạm phát luôn ở mức cao và khó có thể kéo xuống thấp.
  • Anh Duc
    06:57 (GMT+7) - Thứ Ba, 20/12/2011
    Đồng ý với Khiêm. Kết quả của nghiên cứu không có gì mới mẻ, cũng không đưa có được hàm ý chính sách gì nhiều cho các nhà làm chính sách. Thế mới thấy giữa nghiên cứu và thực tiễn còn có khoảng cách lớn.
  • Việt Hùng
    17:20 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/12/2011
    Việc phá giá VND khó có thể thực hiện được vì như thế sẽ đẩy lạm phát lên cao nữa. Kinh tế Việt Nam đang ở vào thế 1 cổ 2 tròng: tròng lạm phát và tròng giá trị VND cao. 

    Muốn đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện hiện nay chỉ còn một con đường duy nhất là chấp nhận qui luật đào thải của thị trường, sớm thanh lọc (hoặc tái cấu trúc) các doanh nghiệp yếu. Các doanh nghiệp còn lại phải cố gắng làm sao cho sản phẩm hoặc dịch vụ có chất lượng cao hơn mà giá vẫn không tăng thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu và cạnh tranh trên trường quốc tế được. Tuy nhiên việc này không thể một sớm một chiều. 

    Các bước đầu tiên là Nhà nước cố gắng ổn định và giữ vững vĩ mô, tái cấu trúc /đổi mới doanh nghiệp, xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng trong nước (hiện Trung Quốc và Mỹ đang đẩy mạnh chiêu bài này), trong nước vận động nhân dân dùng hàng Việt Nam, có chính sách (thuế, tín dụng) hỗ trợ các tối đa các doanh nghiệp có sức cạnh tranh tốt và làm các mặt hàng xuất khẩu (không dưới dạng tài nguyên thiên nhiên thô).
  • Trương Thiện Khiêm
    12:13 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/12/2011
    Tôi chưa thấy thuyết phục lắm vì chưa rõ mô hình và các biến số được lựa chọn để tính toán một cách “tương đối đơn giản” khi tính toán mức độ sai lệch tỷ giá, ví dụ trong đó đã có tính đến tác động của năng suất lao động, tác động của giá tài nguyên và lao động… hay chưa, hay chỉ chú ý đến chỉ tiêu CPI…? 

    Tôi nghĩ khi tính toán “chính sách tỷ giá” các nhà hoạch định chính sách đã có cân nhắc các yếu tố mà tác giả đã nêu. Các nhà nghiên cứu của ta thường quen “phân tích” mà quên “tổng hợp”. Thực tế là trong cả giai đoạn nghiên cứu đã có thời kỳ đồng Việt Nam bị đánh giá thấp, mặc dầu các tác giả coi đó là “không ổn định và có lúc bị lệch tới 20% trước khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra.” 

    Tôi cho rằng chúng ta thiếu chính sách nâng cao sức cạnh tranh bằng tăng năng suất lao động mà chủ yếu là đổi mới công nghệ, phương pháp sản xuất, sản phẩm, quản trị… Các nhà sản xuất vẫn thiên vào kinh doanh “chộp giật”, đâu tư nhất thời, cơ hội… nên như bạn Nhat Dinh nói: “Hầu như không còn mặt hàng nào mà sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, từ que tăm, cân muối cho đến xe hơi.” là vậy.
  • Nhat Dinh
    09:25 (GMT+7) - Thứ Hai, 19/12/2011
    Thật khó thuyết phục mọi người là VND vốn đang yếu lại được định giá quá cao. Nhưng đấy là sự thật mà nhiều cấp quản lý đang cố tình lờ đi. Đây có thể là công trình nhìn nhận nghiêm túc đầu tiên mặc dù các nhà kinh tế và ngân hàng đã có những nhận định tương tự từ năm 2007. 

    Tác động của VND mạnh đến xuất khẩu có thể không rõ bằng tác động của hàng nhập khẩu đến sản xuất nội địa. Hầu như không còn mặt hàng nào mà sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, từ que tăm, cân muối cho đến xe hơi.

No comments:

Post a Comment