Friday, April 13, 2007

12/04 Nguyên nhân khiến Trường Sa là tâm điểm mâu thuẫn


12 Tháng 4 2007 - Cập nhật 10h12 GMT
 

Bản đồ khu vực
Trường Sa nằm giữa Việt Nam và Philippines
Suốt tuần qua Việt Nam và Trung Quốc đã lời qua tiếng lại về dự án xây dựng đường ống khí đốt do tập đoàn Anh BP xây dựng ngoài khơi biển Đông.

Tâm điểm của vụ việc là quần đảo Trường Sa - Spratly Islands.
Việt Nam nói đây là lãnh hải của mình, còn Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội khai thác phần lãnh thổ trong vùng còn đang tranh chấp.
Đây là khu vực rộng khoảng 410.000 km2 nằm giữa Việt Nam và Philippines, bao gồm chừng 100 đảo nhỏ cùng đảo san hô, cắt ngang bằng một số tuyến hàng hải chính trên thế giới.

Giá trị kinh tế

Hồi thập niên 1960 người ta phát hiện thấy một số mỏ dầu và khí tạo niềm hi vọng về một khu dự trữ năng lượng, nhưng các tranh chấp gây khó khăn cho việc thẩm định trữ lượng khoáng sản.
Nơi đây cũng là một ngư trường giàu có mà hồi năm 1984 Brunei từng thiết lập vùng đánh bắt quanh rặng Luisa, mạn nam của quần đảo.
Hiện nay Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong khi Malaysia và Philippines đòi chủ quyền với một số phần trong khu vực này.
Các mâu thuẫn hiện nay thường truy ngược về những tài liệu hồi thập niên 1930, minh chứng bằng các loại bản đồ và thư tịch cổ.
Năm 1974 Trung Quốc chiếm Hoàng Sa - Paracel Islands, nằm ở phía bắc Trường Sa, và đóng quân cho đến nay bất kể sự phản đối của Việt Nam.
Năm 1988 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nổ ra một trận hải chiến ở rặng Johnson, gần Trường Sa, khiến 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng.

Tranh chấp các bên

Các khu đảo này không có thổ dân sinh sống, nhưng tin tức cho biết một số quân vũ trang của Trung Quốc, Malaysia, Philippins, Đài Loan và Việt Nam sinh sống trên khoảng 45 đảo nhỏ.
Trong vòng 5 năm trở lại đây các nước trong vùng bắt đầu xúc tiến một số hành động nhằm giải quyết mâu thuẫn, nổi bật là lễ ký kết hiệp ước giữa Trung Quốc và ASEAN tháng Mười Một năm 2002.
Các bên cam kết sẽ tạm ngưng tranh cãi về chủ quyền của Trường Sa để bớt căng thẳng.
Vào tháng Ba năm 2005 các tập đoàn dầu khí nhà nước của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam ký thỏa thuận biển trong vòng 3 năm, cho phép hợp tác đánh giá trữ lượng dầu và khí trong vùng biển đang tranh chấp.
Lần này, dự án ống dẫn khí của BP dự trù sẽ tốn khoảng 2 tỷ USD, vận chuyển gas từ các mỏ dầu ngoài khơi vào đất liền qua chặng đường dài chừng 400km.
Mỏ dầu Mộc Tinh nằm ở Block 05.3 và Hải Thạch ở Block 05.2 nằm gần khu khí Nam Côn Sơn, dự án hợp tác giữa BP và PetroVietnam.

No comments:

Post a Comment