Wednesday, January 19, 2011

19/01 Nghịch lý của Việt Nam : ngoài thẻ đảng, trong tư bản



Cứ 5 năm một lần, Việt Nam mới là một nước cộng sản, nhân dịp đại hội đảng. Phần lớn thời gian còn lại, Việt Nam chạy theo chủ nghĩa tư bản. Đó là nhận xét của một doanh nhân Pháp ở Hà Nội. Nhật báo Le Figaro trích dẫn câu nói này trong bài viết nhân ngày bế mạc Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11.
Năm 2011 cũng đánh dấu 25 năm chính sách đổi mới. Nhân dịp này, nhật báo Le Figaro nhìn lại quá trình phát triển Việt Nam. Theo Florence Compain, đặc phái viên của tờ báo từ Hà Nội, nghịch lý của Việt Nam hiện giờ vẫn là : một chế độ cộng sản nhưng với bản chất tư bản. Đảng cộng sản Việt Nam hiện có khoảng 3,6 triệu đảng viên, tương đương với 10% số dân ở độ tuổi lao động. Nhưng đa số người dân chỉ nghĩ tới chuyện kinh doanh làm ăn. Trong mắt họ, sự thành đạt được đo với 3 tiêu chuẩn : tậu nhà mới, mua xe hơi và cho con đi du học ở nước ngoài.
Tờ báo đơn cử một ví dụ để minh họa cho sự hình thành nhanh chóng của một tầng lớp mới giàu lên nhờ kinh doanh. Hiệu thời trang đắt tiền Louis Vuitton của Pháp có khoảng 200 cửa hiệu trên thế giới, trong đó có gần 40 gian hàng ở Nhật Bản, và chỉ có một cửa hiệu Vuitton duy nhất là ở Hà Nội, nằm trên đường Ngô Quyền. Nhưng nếu tính theo diện tích cửa hàng, hiệu Vuitton ở Hà Nội lại đứng đầu về mặt doanh thu và số hàng được bán.
Theo Le Figaro, tại Việt Nam, chạy theo đồng tiền đã trở thành một môn thể thao, nếu không nói là một ‘‘nỗi ám ảnh quốc gia’’. Đối với các nhà tư bản đỏ, có thẻ đảng viên ở trong túi là một cách để làm giàu dễ dàng hơn. Theo ông Benoit de Tréglodé, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, các cuộc đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ đảng chủ yếu là để giành lấy quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế.
Về phía người dân Việt Nam, theo Le Figaro, hầu hết nghĩ đến chuyện làm ăn kiếm tiền và tuyệt đối không đụng tới chuyện chính trị. Họ hầu như không bao giờ bày tỏ chính kiến miễn là chính quyền duy trì một sự tăng trưởng đều đặn, giúp cho đời sống kinh tế đi lên. Tờ báo trích dẫn họa sĩ Đào Anh Khánh cho rằng : chính sách đổi mới đã cứu giúp đảng và nhà nước, các nhà lãnh đạo đã biết thích ứng với tình hình, khi để cho dân chúng thoải mái làm giàu…giờ đây, không ai còn tin vào chủ nghĩa cộng sản. Nếu có tin, thì chỉ là giả vờ.
Tự do kinh doanh không đi đôi với tự do ngôn luận. Theo ông Matthieu Salomon, đại diện ở Hà Nội của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), chính quyền duy trì gọng kềm kiểm soát, không để cho các nhà ly khai hay đối lập một không gian hay khoảng trống nào cả. Ngoại trừ trường hợp của một số nhà trí thức và nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Võ Thị Hảo không ngại bày tỏ chính kiến qua các bài viết hay trang blog, đa số còn lại thì ít khi nào mà dám chất vấn chính quyền.
Theo Le Figaro, làm giàu nhưng phải giữ im lặng dường như là chuyện thường tình ở Việt Nam, nơi mà người dân thuộc vào hàng lạc quan nhất thế giới, nơi mà thăm dò dư lụân cho thấy, giới trẻ thích nhà tỷ phú Bill Gates nhiều hơn là Bác Hồ.
Hồ Cẩm Đào đến Mỹ trong thời kỳ ‘‘đóng băng’’
Liên quan đến Trung Quốc, hầu hết các báo Pháp hôm nay đều nhắc đến chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tờ báo công giáo La Croix chạy tựa “Hoa Kỳ tiếp đón chủ nợ”. Theo tờ báo thì món nợ công của Hoa Kỳ hiện đã lên đến hàng ngàn tỷ đô la. Trong đó có đến 850 tỷ đô la thuộc về Trung Quốc tức khoảng 20% các khoản nợ mà Hoa Kỳ vay từ các nước ngoài. Do vậy, hồ sơ kinh tế và tiền tệ sẽ là trọng tâm của chuyến viếng thăm này.
Tờ báo Les Echos đăng tít : trị giá của đồng yuan được đặt vào bàn cân của Washington. Theo tờ báo, bằng mọi cách, Hoa Kỳ sẽ phải nỗ lực thuyết phục Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ, nhưng Bắc Kinh đủ khôn ngoan để không nhượng bộ trước áp lực. Trung Quốc chỉ tăng giá đồng yuan theo nhịp độ và nhất là theo ý muốn của mình chứ không phải để chiều lòng ai cả. Theo chuyên gia kinh tế Michael Pettis, mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là biến đồng yuan thành một đơn vị tiền tệ quốc tế ngang hàng với đồng đô la Mỹ.
Báo Libération phân tích quan hệ Mỹ-Trung trong một bài viết chiếm nguyên một trang báo với tựa đề : “Hồ Cẩm Đào đến Mỹ trong thời kỳ đóng băng”. Theo Libération, vào thời tổng thống Clinton quan hệ Mỹ Trung thuộc vào hàng ‘‘đối tác chiến lược’’, giờ đây nói theo ngôn ngữ ngoại giao chỉ còn là ‘‘quan hệ hợp tác xây dựng’’. Các mối bất đồng giữa hai bên bao trùm mọi lãnh vực từ trị giá đồng yuan cho đến chích sách bảo hộ mậu dịch, từ vấn đề Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội cho đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Đó là chưa kể đến các hồ sơ như nhân quyền hay kiểm duyệt thông tin trên mạng internet. Ngay vào lúc khởi đầu chuyến viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào, tờ báo Global Times của Trung Quốc đánh giá trong bài xã luận là để sưởi ấm quan hệ : Washington phải chính thức tuyên bố là Trung Quốc không phải mà cũng sẽ không bao giờ là kẻ thù của nước Mỹ.
Về điểm này, Libération hỏi vặn lại : nếu muốn Mỹ làm như vậy, thế thì Trung Quốc phải cam kết gì đây ? Theo tờ báo, ông Hồ Cẩm Đào được tiếp đón trọng thể với tư cách của nguyên thủ cường quốc thứ hai trên thế giới. Ông sẽ có hai bữa ăn tối với tổng thống Obama, nhưng tất cả những cái bắt tay niềm nở trước ống kính truyền hình hay trước phóng viên nhiếp ảnh vẫn không che giấu được một điều : hai cường quốc đang có thái độ nghi kỵ nhiều hơn là tin tưởng lẫn nhau.
Đứng về phía Hoa Kỳ, có nhiều tiếng nói cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc cũng như chính sách tiền tệ của Bắc Kinh làm suy yếu hẳn mô hình kinh tế Mỹ. Điều đó có nguy cơ dẫn đến một cuộc “chiến tranh lạnh kiểu mới”. Còn về phía Trung Quốc, nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ chỉ hành động nhằm mục đích hạn chế thế lớn mạnh của Bắc Kinh và chính cũng vì thế mà nuôi dưỡng tinh thần dân tộc ở Hoa Lục.
Đối với Libération, sự kiện ông Obama tiếp đón ông Hồ Cẩm Đào không chỉ mang hình ảnh của người vay gặp chủ nợ mà còn hàm chứa một nghịch lý : ông Obama giải Nobel Hoà bình năm 2009 lại gặp ông Hồ Cẩm Đào, người bỏ tù ông Lưu hiểu Ba, Nobel Hoà bình 2010.
Ngân hàng Trung Quốc phát triển mạng lưới họat động
Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde nhắc đến việc các tập đoàn nước này đang tăng cường mạng lưới hoạt động đầu tư tài chính trên thế giới. Mục tiêu trước mắt là để tô điểm hình ảnh và nâng cao uy tín. Kế đến nữa là để thỏa mãn các nhu cầu của Bắc Kinh, đặc biệt là trong lãnh vực nguyên liệu và năng lượng.
Lần đầu tiên, ngân hàng ICBC của Trung Quốc mở cùng lúc nhiều chi nhánh tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý, tăng cường thêm cho hai văn phòng đặt sẵn tại Đức và Anh. Theo Le Monde, cũng như ngân hàng này, nhiều tập đoàn và công khác của Trung Quốc đang kết nối một mạng lưới để nâng cao hiệu quả và mở rộng địa bàn hoạt động. Về phần mình, Le Figaro trích dẫn Financial Times và văn phòng tư vấn Boston Consulting Group (BCG), cho biết là trong 2 năm vừa qua các ngân hàng Trung Quốc không những củng cố vị thế tại Tây Âu mà còn hoạt động rất mạnh tại các nước đang phát triển.
Hai ngân hàng nhà nước Trung Quốc là China Development Bank và Exim Bank đã cho các nước này vay 110 tỷ đô la, tức là còn hơn cả Ngân hàng Thế giới. Bù lại, Bắc Kinh thường tìm cách giành lấy những hợp đồng quan trọng tại các nước mượn tiền của mình. Ví dụ như khi Bắc Kinh cam kết cho quần đảo Bahamas vay 2,7 tỷ đôla đầu tư vào một dự án du lịch, Trung Quốc lại tạo điều kiện dễ dàng để cho các tập đoàn của mình giành lấy hợp đồng xây dựng. Bắc Kinh đặc biệt ưu ái các nước giàu tài nguyên : Trung Quốc sẵn sàng viện trợ phát triển theo kiểu cho vay tín dụng, đổi lấy quyền khai thác dầu hỏa hay các nguồn nguyên liệu.
Theo RFI

No comments:

Post a Comment