Thứ Sáu, 26/11/2010 | 10:07
Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader
Cập nhật tháng 11/2010:
Chiến lược đầu tư 2010: Ngành mía đường
(Vietstock) – Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy, P/E và P/B forward cho năm 2010 của các doanh nghiệp trong ngành đường chỉ vào khoảng 4.19x và 1.17x. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi nhu cầu đường vào cuối năm và giá đường đang tăng cao.
DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG ĐƯỜNG THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Giá đường thế giới biến động mạnh và có xu hướng đi lên trong thời gian tới.Giá đường tăng cao kỷ lục vào đầu năm 2010 và duy trì đà tăng mạnh trong quý 1, đạt mức cao nhất 771 USD/tấn. Giá đường sau đó giảm mạnh trong quý 2 về mức thấp nhất 633 USD/tấn. Giá đường đã liên tục tăng trong quý 3, giảm mạnh vào đầu quý 4 nhưng xu hướng đi lên vẫn tiếp diễn cho đến tháng 11/2010.
Sản lượng đường thế giới giảm gần 5 triệu tấn trong niên vụ vừa qua. Thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng xấu đến vụ mùa và hoạt động vận chuyển như lũ lụt tại Pakistan, hạn hán tại Nga, rắc rối tại cảng của Braxin… đã khiến sản lượng đường thế giới trong niên vụ vừa qua sụt giảm gần 5 triệu tấn. Nhu cầu tăng cao từ phía Trung Quốc, trong khi khi triển vọng nguồn cung được dự báo sẽ khan hiếm trong vụ 2010/11.
Không chỉ Việt Nam mà ở các nước tiêu thụ nhiều đường trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ... đang tiếp tục nhập khẩu thêm đường để dự trữ, khiến giá đường chưa ngừng gia tăng và có khả năng tiếp tục xu hướng tăng giá trong thời gian tới.
Trong nước, tình trạng thiếu mía nguyên liệu ngày càng gay gắt. Giá mía nguyên liệu tại Hậu Giang hiện lên đến 1,150,000 đồng/tấn. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long năm nay chỉ trồng 48,000 ha, tức giảm 24,000 ha so năm 2007. Do năng suất không cao nên sản lượng cả vụ ước chỉ đạt 3.2 triệu tấn, không đủ cung cho các nhà máy đường đang vào vụ hoạt động, đã làm tái diễn tình trạng thiếu mía nguyên liệu. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở khu vực Tây Nguyên, miền Trung do thời tiết không thuận lợi, hầu hết các vùng trồng mía đều giảm năng suất và sản lượng.
Dự báo năm 2011 Việt Nam sẽ nhập khẩu 300,000 tấn đường. Bộ Công Thương dự báo sản lượng đường sản xuất trong nước năm 2011 xấp xỉ đạt 1 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 1.3 – 1.4 triệu tấn. Tính đến ngày 15/10/2010 cả nước đã có 10 nhà máy đường đi vào sản xuất, sản lượng mía đạt 301,000 tấn, ép được 21,000 tấn đường, thấp hơn cùng kỳ năm trước 14,200 tấn. Do vậy, ước tính trong năm 2011, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 300,000 tấn đường.
Giá đường trong nước thấp hơn giá đường nhập khẩu. Lượng đường tồn tại kho các nhà máy tính đến ngày 15/10/2010 là 25,700 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 13,700 tấn. Nguyên nhân là do cùng thời điểm này năm trước có lượng đường nhập khẩu bổ sung. Hiện nay, giá đường nhập khẩu cao hơn giá đường trong nước nên các doanh nghiệp được cấp quota không nhập khẩu mà vẫn mua trong nước.
Các nhà máy đường đang vào vụ ép mía, nhưng giá đường vẫn ở mức cao.Ngày 17/10/2010, đường tinh luyện RE bán buôn tại các nhà máy ở mức 18,500 – 18,800 đồng/kg, đường RS từ 17,300 – 17,800 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường dao động 19,500 – 22,000 đồng/kg tuỳ loại. Như vậy, giá đường tăng 27% so cùng kỳ năm 2009 và tăng 3,2% so đầu năm. Trước đó, giá đường năm 2009 đã tăng 60 – 80% so với năm 2008.
QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ
Giá đường trong nước tiếp tục đứng ở mức cao chủ yếu do giá đường thế giới tăng cao và có hiện tượng các nhà máy canh theo giá đường thế giới, trong đó có đường nhập lậu. Nếu cộng thuế nhập khẩu và các chi phí, giá thành về đến Việt Nam xấp xỉ 18,000 đồng/kg. Giá đường nhập lậu hiện đang ở mức tương đương.
Tình trạng thiếu đường trong nước sẽ tiếp tục diễn ra, khi mức cung tăng không nhiều và không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá đường trong nước bị chi phối nhiều bởi các nhà máy và người tiêu dùng dường như không có “quyền lực thương lượng”.
Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm nên đầu tư vào các cổ phiếu ngành đường trong thời gian này. Trong thời gian tới, giá đường trong nước vẫn tiếp tục xu hướng tăng, dù có thể giảm nhẹ do lượng cung tăng dần khi đi sâu vào mùa vụ mía đường.
Các doanh nghiệp mía đường vẫn có lợi nhuận tích cực nhờ giá mía đang ở mức cao và đang đi vào mùa vụ cao điểm sử dụng trong các dịp Noel, Tết. Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4/2010 và quý 1/2011.
Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy, P/E và P/B forward cho năm 2010 của các doanh nghiệp trong ngành chỉ vào khoảng 4.19x và 1.17x. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi nhu cầu đường vào cuối năm và giá đường đang tăng cao.
Những doanh nghiệp có hàng tồn kho thành phẩm lớn, vùng nguyên liệu ổn định, có các chỉ số tài chính cơ bản tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn trong giai đoạn cung không đủ cầu, giá đường biến động lớn, định giá chứng khoán đang rẻ như hiện nay.
Triển vọng của các công ty trong ngành mía đường trong ngắn hạn tỏ ra khá hấp dẫn. Tuy vậy, trong trung và dài hạn nên có quan điểm thận trọng đặc biệt sau mùa vụ Tết.
CTCP Đường Ninh Hòa (HoSE: NHS): Lượng tồn kho thành phẩm của NHS chỉ còn 14.5 tỷ đồng vào ngày 30/09/2010, giảm nhiều so với mức 136.9 tỷ đồng vào ngày 30/06/2010. Đây là một bất lợi của NHS trong bối cảnh giá đường vẫn duy trì ở mức cao. Trong quý 4, NHS sẽ tập trung vào sản xuất và không tiếp tục tiêu thụ sản phẩm. Hiện công ty chưa có “ý định” điều chỉnh kế hoạch năm. Do vậy, trong quý 4/2010, doanh thu của NHS có thể không cao như các quý trước.
NHS vừa thống nhất nâng mức cổ tức năm 2010 từ 20% lên 40%, trong đó 15% bằng tiền và 25% bằng cổ phiếu. Đây là mức cổ tức khá hấp dẫn trong thời điểm giá cổ phiếu đang rẻ như hiện nay.
EPS dự phóng cho năm 2010 của NHS khá cao đạt 15,032 đồng/cp, tương ứng với P/E forward 2010 ở mức 2.44 lần.
CTCP Sản xuất Thương mại Thành Thành Công vừa thông báo sẽ chào mua công khai 2,248 triệu cổ phiếu NHS, tăng tỷ lệ sở hữu lên 51%. NHS vẫn chấp nhận bị thôn tính bởi Thành Thành Công với mục đích sẽ giúp nâng cao sản lượng tiêu thụ và thương hiệu của NHS.
CTCP Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS): LSS là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong ngành đường Việt Nam với hơn 10% thị phần. Ngoài ra, LSS có vùng nguyên liệu ổn định với gần 20,000 ha được trồng ở 11 huyện miền núi và trung du Thanh Hoá là vùng đất tốt để trồng mía và ít bị cạnh tranh bởi các loại cây khác.
Giá thu mua mía ở miền Bắc thấp nhất trong nước, giúp giá thành phẩm đường củaLSS thấp hơn đa số nhà máy khác, tạo lợi thế cạnh tranh cao.
Hàng tồn kho thành phẩm của LSS đạt 89 tỷ đồng tại ngày 30/09/2010, lớn nhất so với các công ty trong ngành đang niêm yết, là yếu tố thuận lợi cho lợi nhuận quý 4 khi mà giá đường vẫn trong xu hướng tăng cao.
CTCP Đường Biên Hòa (HoSE: BHS): Lượng tồn kho thành phẩm còn khá cao với gần 78 tỷ đồng là lợi thế lớn của BHS trong quý 4/2010.
Ngoài ra, BHS có phân xưởng tinh luyện đường riêng tại Biên Hoà giúp công ty có thể sản xuất đường tinh luyện quanh năm, cung cấp sản phẩm ngay cả trong “những đợt sốt giá đường”. BHS có thể chủ động nguồn cung cấp cho nhà sản xuất và người tiêu thụ trong thời điểm cung không đủ cầu như hiện nay.
Tỷ suất sinh lời trên doanh thu của BHS khá thấp ở mức 6% so với các công ty trong ngành trung bình khoảng 22%. Vào quý 4/2010, BHS sẽ bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và đi vào sản xuất đường thô với sản lượng khoảng 20,000 tấn. Điều này sẽ hỗ trợ BHS gia tăng tỷ suất sinh lợi cho công ty.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010
Phòng Nghiên cứu Vietstock
No comments:
Post a Comment