Saturday, June 4, 2011

“Nhí nhố” tới đâu là ... đủ?



(TT&VH) - Newton bị chê là “học dốt như… củ cà rốt”, Edison hát ông ổng bài Đời tôi cô đơn, Bill Gates và Einstein xuất hiện kèm theo những “huỵch, ặc, bốp, haha, keke”... Dù bán rất chạy, bộ truyện tranhNhững nhân vật biến đổi thế giới vẫn tạo nên những tranh luận trái chiều về cách tiếp cận và khai thác của mình.

Những nhân vật biến đổi thế giới (Công ty sách Đông A và NXB Dân trí ấn hành) là bộ truyện tranh về 4 thiên tài Edison, Newton, Einstein và Bill Gates. Từ tiểu sử và cuộc đời thật của những nhân vật này, hàng loạt chi tiết được nhóm tác giả sáng tạo và “ghép” thêm để mạch chuyện được thuần nhất theo ngôn ngữ truyện tranh, đồng thời tạo ra sự hài hước, dí dỏm cho phù hợp với nhu cầu của những bạn đọc nhỏ tuổi.

Dù khiến câu chuyện hấp dẫn hơn nhưng liệu cách tiếp cận này có gây hiệu ứng ngược - khi mà một số ý kiến từ báo giới tỏ ra lo ngại về việc những độc giả nhí sẽ lẫn lộn giữa câu chuyện thật và phần “hư cấu” trong những bộ truyện tranh này? 

“Cách làm này không hề mới” 
Ông Trần Đại Thắng
Ông Trần Đại Thắng, giám đốc Công ty sách Đông A và cũng là người tham gia biên soạn bộ sách này, cho biết:
 - Một số kiến thức trong Những nhân vật biến đổi thế giới có thể đã được các độc giả nhỏ tuổi biết đến khi học ở trường, ở các nguồn sách vở chính thống hay từ các bậc phụ huynh. Vì vậy, bộ sách này được biên soạn nhằm cung cấp những kiến thức phổ thông ấy qua một con đường khác: hài hước, dí dỏm và hợp với nhu cầu của trẻ em hiện nay. Song song với cách tiếp cận vui vẻ này, chúng tôi vẫn “thả một cái mỏ neo” để câu chuyện không trượt đi qua xa bằng việc cung cấp tiểu sử sơ lược về mỗi nhân vật được đề cập và các chi tiết có thật trong sự nghiệp, cuộc đời của họ cho độc giả. 

Theo chúng tôi được biết, trên thế giới và tại Việt Nam, cách làm này không hề mới. Thậm chí, ngay một số tờ báo hiện nay cũng có những chuyên đề tranh hài hước theo kiểu “tân cổ giao duyên”, cổ tích @, mượn xưa nói nay... 

* Ưu và nhược điểm của cách tiếp cận này, theo ông?

- Khi làm sách, chúng tôi đã thăm dò rất nhiều độc giả nhỏ tuổi. Các em đều than rằng sự căng thẳng ở trường học bây giờ đã là quá đủ, và lý do tìm tới truyện tranh cũng xuất phát từ tâm lý muốn thư giãn muốn “đổi không khí”. Bởi thế, nếu viết một cách “nghiêm chỉnh” về chuyện lập trình của Bill Gates hay thuyết tương đối của Einstein bằng những con số hoặc những gạch đầu dòng kiến thức, tôi e rằng các em nhỏ sẽ chán và không còn muốn biết những danh nhân đó là ai, làm gì, có những công trình nào. 

Ngược lại, nếu cần tìm nhược điểm, cũng có thể một số em nhỏ sẽ hiểu lầm rằng mấy ông bác học này ngoài đời cũng luôn “nhí nhố” như trong truyện. Nhưng tôi tin, việc tiếp xúc với rất nhiều nguồn kiến thức như hiện nay sẽ giúp các em dễ điều chỉnh nhận thức của mình. Và, có lẽ nhiều bậc phụ huynh cũng sẽ đồng ý với tôi rằng đọc những bộ truyện tranh thế này còn hơn rất nhiều so với để các em chơi game hoặc tiếp xúc với một số bộ truyện tranh hầu như không có tính giáo dục. 

Đảm bảo tính hài hước, nhưng vẫn chặt chẽ 

* Thực ra, từ năm 2003, NXB Kim Đồng cũng đã thực hiện phiên bản truyện tranh của Những người khốn khổ, Napoleon, Đồi gió hú... theo cách thức này. Và giống như trường hợp của Những nhân vật biến đổi thế giới, bộ sách này cũng đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận về việc “hài hước” hay “bóp méo tác phẩm”. Theo anh, cách tiếp cận vấn đề theo kiểu “nhí nhố hóa” của truyện tranh có cần đặt ra một giới hạn để không đi quá xa? 

- Sẽ là sai lệch, nếu các đồng nghiệp tại NXB Kim Đồng biến Napoleon thành... phiên bản của Mr. Bean, hay để Jean Valjean trong Những người khốn khổ có tính cách của... Lucky Luke. Nhưng khi đọc các bộ truyện này, tôi không thấy điều đó. Còn với bộ sách của Đông A, ngoài việc chú thích rõ ràng về những “thông tin thật” như đã nói, chúng tôi đặc biệt “né” việc để những nhân vật nhỏ tuổi gọi nhau bằng “mày - tao” hoặc lạm dụng những câu thoại tràn lan theo kiểu “chết mày nè” hay “cho mày biết nè”... 

Nhìn chung, thử thách lớn nhất khi làm bộ sách này là việc đảm bảo tính hài hước nhưng vẫn chặt chẽ về nội dung. 
Khi nhà bác học Einstein sinh ra và biết nói chậm, bố mẹ ông động viên nhau: biết đâu nó giống ông Thánh Gióng bên Việt Nam thì sao? (trích từ bộ Những nhân vật biến đổi thế giới)


* Tự đánh giá, ông thấy bộ sách Những nhân vật biến đổi thế giới đã làm được điều ấy chưa? 

- Trên thị trường, bộ sách của chúng tôi được độc giả nhỏ tuổi quan tâm và bán khá tốt. Cách đây chừng một tháng, một đơn vị xuất bản tại Đài Loan có qua Việt Nam và xem bộ sách này. Họ khá hào hứng, đề nghị mua bản quyền để chuyển dịch Những nhân vật biến đổi thế giới, thậm chí là còn “xui” chúng tôi viết thêm để bổ sung vào đó vài cuốn nữa. 

Tất nhiên, với một số ý kiến chưa tán thành, chúng tôi sẽ lắng nghe và cùng nghĩ cách điều chỉnh dần trong những cuốn sách tiếp theo nếu còn tiếp tục khai thác hướng đi này. Với những người làm sách đang mày mò tìm thị trường như chúng tôi, những lời góp ý đều cần được trân trọng! 

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
H.N(thực hiện)

No comments:

Post a Comment