Wednesday, April 11, 2007

11/04 VN tham gia sáng kiến an ninh vùng


11 Tháng 4 2007 - Cập nhật 14h40 GMT

Giáo sư Carl Thayer
Khoảng 60 quốc gia đồng ý tham gia PSI
Việt Nam mới đây vừa tham gia một diễn đàn tại châu Á Thái Bình Dương mang tên Sáng kiến phổ biến an ninh, viết tắt tiếng Anh là PSI.

Đây là một tổ chức không chính thức với sự tham gia của nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ, một số nước châu Âu, Úc, Nhật, New Zealand và Singapore, nhưng Trung Quốc không tham gia.

Hoa Kỳ muốn Việt Nam tham gia các hoạt động chống khủng bố trên không và trên biển nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lậu vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại hàng bất hợp pháp.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc châu nhận định về việc Việt Nam tham dự Diễn đàn này như sau:

GS Carl Thayer: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào hoạt động kiểu như thế này. Trung Quốc từ chối tham gia PSI và nói rằng hoạt động của PSI là bất hợp pháp do vậy Việt Nam đã ra dấu cho thấy vị thế độc lập của mình bằng việc làm này.
Nhưng chúng ta cần phân biệt giữa việc tham dự Diễn đàn và việc ký tên vào tuyên bố chung với nguyên tắc cấm các hoạt động quân sự bất hợp pháp của PSI mà chỉ những thành viên nòng cốt như Hoa Kỳ và các nước đồng minh chính của họ tham gia.
Có tới khoảng 60 quốc gia đồng ý tham gia PSI nhưng với những hoạt động rất khác nhau, từ tham dự Diễn đàn như thế này tới những hoạt động phối hợp hành động.

BBC: Vậy theo ông liệu Việt Nam sẽ có tham gia nhiều hơn trong các hoạt động của PSI không hay chỉ dừng lại ở mức tham dự Diễn đàn như thế này thôi?

GS Carl Thayer: Tôi cho rằng Việt Nam sẽ tham gia nhưng chỉ ở mức rất thấp thôi vì việc tham gia này là hoàn toàn tình nguyện. Việt Nam có bờ biển dài mà một trong những mục tiêu của PSI là vị thế chủ quyền. Việt Nam đồng ý với nguyên tắc này và cũng muốn biết ai hay tàu thuyền nào đang đi qua vùng lãnh thổ của mình và có quyền lên kiểm soát những tàu thuyền đáng ngờ đó.
Nói một cách khác thì mức độ tham gia này khẳng định thêm chủ quyền tại những vùng lãnh thổ mà Việt Nam nhận chủ quyền. Ngoài ra Việt Nam sẽ được lợi nhờ việc chia sẽ thông tin tình báo từ các cường quốc có các trang thiết bị hiện đại khi họ tham gia vào các hoạt động này.

 Việt Nam đã ám chỉ rằng sự đóng góp của họ sẽ rất rất nhỏ, có thể chỉ bao gồm đóng góp các toán quân y.
Giáo sư Carl Thayer

BBC: Vậy theo ông tại sao Việt Nam lại không muốn tham gia quá sâu vào các hoạt động của PSI, liệu có phải vì không muốn tỏ ra quá gần với Hoa Kỳ hay lo ngại sự bất bình của Trung Quốc?

GS Carl Thayer: Việt Nam không thể tham gia sâu hơn về mặt kỹ thuật vì Việt Nam không có khả năng, như Việt Nam không có các tàu có khả năng hoạt động ở vùng biển sâu và có thể đi rất xa bờ, hay không có các phương tiện liên lạc bằng tiếng Anh v.v. do vậy chỉ có thể tham gia ở mức thấp.
Việt Nam không thể tham gia vào các hoạt động như lên kiểm soát các tàu thuyền bị cáo giác mang vũ khí hủy diệt hàng loạt, vốn là một trong những mục tiêu của PSI. Nhưng vì Việt Nam đang tìm cách trở thành thành viên không thường thực của Hội đồng bảo an LHQ được dự trù biểu quyết vào tháng 11 tới đây, vì thế tôi cho rằng Việt Nam đang cố đóng một vai trò có tính chiến lược lớn hơn.

BBC: Khi trở thành thành viên không thường trực thì Việt Nam sẽ phải đóng góp trong các nghĩa vụ bảo vệ hòa bình thì liệu với khả năng quân sự của mình, Việt Nam sẽ có thể đóng góp những gì?

GS Carl Thayer: Việt Nam đã ám chỉ rằng sự đóng góp của họ sẽ rất rất nhỏ, có thể chỉ bao gồm đóng góp các toán quân y. Một lần nữa trình độ tiếng Anh, các trang thiết bị tương thích với các nước thành viên khác của UN chính là khó khăn của Việt Nam.
Tuy nhiên Việt Nam sẽ tham gia vào các hoạt động kiểm soát an ninh của PSI để khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại vùng lãnh thổ mà họ nhận là của mình, như một hình thức phủ đầu không để nước khác làm việc đó và để chứng tỏ họ tham gia, giám sát và tuân thủ các nguyên tắc của quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

 Việt Nam đang rất thận trọng trong việc cân bằng các hoạt động của mình trong việc tuần tiễu Vịnh Bắc bộ.
Giáo sư Carl Thayer

BBC: Như vậy có nghĩa là nếu tham gia thì Việt Nam sẽ chỉ tham gia trên vùng lãnh thổ của mình chứ không vượt ra ngoài phạm vi đó?

GS Carl Thayer: PSI đề nghị các quốc gia muốn tình nguyện tham gia vào một loạt các hoạt động. Một trong những hoạt động này là có khả năng đáp lên các tàu thuyền, tiến hành theo dõi kiểm soát trên hải phận của mình, báo cho biết các hoạt động tình nghi, và khi nhận được tin tình báo có hoạt động của tàu thuyền khả nghi thì lên tàu kiểm soát và cầm giữ các tàu này khi cần thiết.
Do vậy mức độ tham gia của VN sẽ là dưới hình thức đó. Một điều cần nói thêm là Việt Nam đã tham gia hoạt động kiểm soát phối hợp với Trung Quốc tại Vịnh Bắc bộ từ trước khi quyết định tham dự Diễn đàn PSI, vì thế Việt Nam đang rất thận trọng trong việc cân bằng các hoạt động của mình trong việc tuần tiễu Vịnh Bắc bộ và việc đồng ý tham gia phối hợp với Mỹ trong hoạt động của PSI.

BBC: Trung Quốc đã dùng yếu tố chống khủng bố để đàn áp bất đồng chính kiến tại nước họ, vậy theo ông điều này liệu có xảy ra với Việt Nam hay không?

GS Carl Thayer: Kể từ sau vụ 11/9 Việt Nam đã hợp tác rất tích cực với Hoa Kỳ trong lĩnh vực tình báo và các hoạt động khác nhắm vào các tổ chức khủng bố. Trên thực tế Việt Nam đã dựa vào đó kết tội hầu như bất kỳ một nhà bất đồng chính kiến nào tội khủng bố và quay ra nói với Hoa Kỳ rằng họ phải kiểm soát, giới hạn hoạt động của những người này từ chính nước Mỹ.
Vì thế Việt Nam rất sẵn lòng đóng góp trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, chống rửa tiền v.v. Họ làm việc rất tích cực và tuân thủ các đòi hỏi của LHQ trên phương diện này.


No comments:

Post a Comment