Wednesday, August 17, 2011

17/08 ĐBQH chuyên trách là một vinh dự, nhưng cũng là trọng trách lớn

21:40 | 17/08/2011
ĐBQH chuyên trách là một vinh dự, nhưng cũng là trọng trách lớn, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA LÊ NAM chia sẻ. Và nhiệm vụ rất quan trọng của ĐBQH chuyên trách là làm sao tạo điều kiện tốt nhất và bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH cũng như mỗi ĐBQH trong Đoàn thực hiện tốt trách nhiệm trước cử tri và nhân dân.
Là đại biểu chuyên trách ở địa phương, theo anh sẽ có thuận lợi và khó khăn gì trong hoạt động?
 ĐBQH Lê Nam: Được bầu làm Phó trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh Thanh Hóa và là ĐBQH chuyên trách, với tôi, đây là một vinh dự, nhưng cũng là trọng trách lớn. Tôi cho rằng với ĐBQH chuyên trách, nhiệm vụ rất quan trọng của đại biểu là làm sao tạo điều kiện tốt nhất và bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH cũng như mỗi ĐBQH trong Đoàn thực hiện được trách nhiệm cũng như lời hứa trước cử tri và nhân dân. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất cũng là thách thức của mỗi ĐBQH và nhất là đối với ĐBQH chuyên trách.
- Trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Với vai trò ĐBQH chuyên trách anh nhìn nhận việc thực hiện mục tiêu này như thế nào  ?
ĐBQH Lê Nam: Như chúng ta biết, Thanh Hóa là tỉnh lớn, có 3 vùng miền núi, trung du; đồng bằng và biển, dân số có thể nói là đông so với các tỉnh trong cả nước. Với hơn 3,4 triệu dân - tiềm năng về nguồn lao động, nguồn tài nguyên hết sức dồi dào. Nhưng Thanh Hóa hiện nay vẫn là một tỉnh nghèo so với tiềm năng vốn có. Trước thực trạng đó, trong những năm qua, đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương giải pháp và đặc biệt là sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh đề ra mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ để cho Thanh Hoá có những bước đột phá trong phát triển KT - XH. Tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương giải pháp.Thứ nhất là tăng cường quảng bá làm cho các nhà đầu tư, ở trong nước và nước ngoài hiểu rõ hơn, quan tâm hơn đến tiềm năng, thế mạnh và các khả năng phát triển kinh tế, khả năng đầu tư của tỉnh. Thứ hai, là tỉnh xây dựng các hệ thống đầu tư, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình kinh tế trọng tâm. Đó chính là căn cứ để các nhà đầu tư có cơ sở, nghiên cứu các bước đầu tư vào Thanh Hóa được thuận lợi. Thứ ba, là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng nghiệp vụ của cán bộ làm công tác tại bộ phận một cửa liên thông để bảo đảm cho thủ tục đầu tư của các nhà đầu tư vào Thanh Hóa được nhanh nhất, thuận lợi nhất, nhất là chống được các biểu hiện suy thoái, tiêu cực gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Thứ tư, làm thật tốt công tác vận động nhân dân ủng hộ các chủ trương của tỉnh nhất là thông qua việc giải phóng mặt bằng. Điều này, có thể nói Thanh Hóa đã thực hiện rất tốt, đặc biệt là việc hoàn thành giải phóng mặt bằng khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Nếu thực hiện hoàn chỉnh khu kinh tế Nghi Sơn và hiện nay dự án khu lọc hóa dầu hàng tỷ đô la, hay là nhà máy nhiệt điện… thì đó sẽ là tiền đề, là động lực để Thanh Hóa cất cánh trong những năm tới.
Tôi cho rằng việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù mới được triển khai trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã có những bước đi, có những kết quả cụ thể. Tôi tin rằng mục tiêu này sẽ có kết quả tốt trong thời gian tới.
- ĐBQH sẽ tham gia giải quyết những vấn đề chính sách  kinh tế, xã hội, an sinh... vậy vấn đề cải thiện cuộc sống của người dân ở địa phương theo anh cần có chính sách gì?
 ĐBQH Lê Nam: Hiện nay, Thanh Hóa có hơn 1 triệu đồng bào các dân tộc sinh sống trên hơn 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh. Với diện tích, số dân lớn như vậy nhưng những hộ đói nghèo vẫn tập trung lớn nhất ở các vùng này. Trong những năm qua, với các chính sách của Đảng, nhà nước và chính sách của tỉnh mong muốn làm sao nhanh chóng, giải quyết, thu hẹp diện đói nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân. Thanh Hóa đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước như thực hiện có hiệu quả Chương trình 30a của Chính phủ, chương trình KT - XH miền núi. Đó là những việc đã thực hiện và thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn còn rất nhiều công việc phải tiếp tục thực hiện để giảm nghèo bền vững, để phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Trong đó, có mấy nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm như miền núi cần phải gắn việc bảo vệ và phát triển rừng với kinh tế lâm nghiệp. Nếu như quan tâm đúng mức và phát triển kinh tế lâm nghiệp thì sẽ có tác động đến xóa đói giảm nghèo, phát triển KT - XH miền núi và làm cho đời sống của người dân miền núi ngày càng tốt hơn.
- Với vai trò là Phó trưởng đoàn ĐBQH, anh có thể cho biết, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tham gia Kỳ họp thứ Nhất QH Khóa XIII quan tâm tới những vấn đề gì?
ĐBQH Lê Nam: Trong Kỳ họp thứ Nhất này, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tập trung vào những vấn đề cơ bản là vấn đề nhân sự trong đó có nhân sự nhà nước, nhân sự QH, nhân sự Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng quan tâm một số chính sách khác liên quan đến phát triển KT- XH, ví dụ như những chính sách về miễn giảm các loại thuế cho các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân. Bên cạnh đó là tập trung vào vấn đề đánh giá về tình hình phát triển KT- XH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và tập trung tham gia làm tốt, khẳng định các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu KT - XH 6 tháng cuối năm 2011… Và có thể nói, đến giờ phút này, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cũng như mỗi ĐBQH trong Đoàn đã đóng góp hết sức trách nhiệm vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng số một của kỳ họp lần này, góp phần tạo nên thành công của Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XIII. 
- Xin cám ơn anh!
Hà An thực hiện

No comments:

Post a Comment