Friday, September 16, 2011

16/09 Chính thức xử lý ngân hàng vượt trần lãi suất


▪  THÙY DUYÊN
16/09/2011 05:47 (GMT+7)
 
Đây là lần đầu tiên vi phạm trần lãi suất bị xử lý kể từ khi cơ chế trần được áp dụng vào tháng 3/2011.
Ngân hàng Nhà nước chính thức xử lý hai ngân hàng thương mại do đã vi phạm quy định về trần lãi suất huy động VND.

Ngày 14/9, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 119/QĐ-TNI về việc xử lý vi phạm huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Tây Ninh.

Theo đó, quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc đối với ông Nguyễn Thái Hậu, Giám đốc DongA Bank Tây Ninh.

Ngày 15/9, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng đã có văn bản số 7235/NHNN-TTGSNH yêu cầu DongA Bank kiểm điểm nghiêm túc trong việc chỉ đạo điều hành trong toàn hệ thống về việc chưa chấp hành nghiêm quy định về mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam theo Thông tư 02/2011/TT-NHNN và Chỉ thị số 02/CT- NHNN, để xảy ra trường hợp huy động tiền gửi tiết kiệm VND vượt trần lãi suất 14%/năm tại chi nhánh trên.

Chánh Thanh tra yêu cầu ngân hàng này có quyết định xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân liên quan tại chi nhánh Tây Ninh vì đã có hành vi vi phạm Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 7/9/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, DongA Bank không bố trí chức vụ quản lý, điều hành đối với ông Nguyễn Thái Hậu, nguyên Giám đốc DongA Bank chi nhánh Tây Ninh tại chính DongA Bank trong thời hạn 3 năm; xử lý đối với bà Lâm Thị Minh Ánh, nguyên Trưởng phòng kế toán DongA Bank chi nhánh Tây Ninh bằng hình thức buộc thôi việc.

Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 14/9/2011, DongA Bank không được mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra ngân hàng này phải có văn bản cam kết thực hiện nghiêm túc Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 7/9/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ đối với hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng, đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các đồng thuận đã cam kết với Hiệp hội Ngân hàng.

Thời hạn DongA Bank hoàn thành thực hiện các kiến nghị, chấn chỉnh sau kiểm tra, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) trước ngày 30/9/2011.

Liên quan đến hiện tượng vượt trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) báo cáo, tại Agribank chi nhánh Ba Đình, tỉnh Thanh Hóa, ngày 9/9/2011, bà Nguyễn Thị Thủy gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng, số tiền 1 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm, chi nhánh này không chi thêm cho khách hàng này bất kỳ khoản chi nào, nhưng bà Bùi Thị Sáu là cán bộ tín dụng đã tự ý dùng tiền cá nhân tặng quà cho khách hàng với số tiền mặt 1 triệu VND, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank.

Agribank đã chủ động quyết định kỷ luật cán bộ có liên quan, cảnh cáo, chuyển công tác khác, hưởng bậc lương thấp hơn đối với bà Bùi Thị Sáu; cảnh cáo, chuyển công tác khác, hưởng bậc lương thấp hơn đối với bà Nguyễn Thị Huyền, cán bộ kế toán Agribank Ba Đình; khiển trách đối với ông Giám đốc Agribank Ba Đình và Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.

Còn tại Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng chi nhánh Agribank Sài Gòn, ngày 9/9/2011 đã xảy ra trường hợp cam kết chi thêm ngoài mức lãi suất tiền gửi bằng VND theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Agribank đã quyết định kỷ luật các cán bộ, nhân viên có liên quan: cách chức Phó giám đốc Phòng giao dịch đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan; cảnh cáo Giám đốc Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng; khiển trách đối với ông Võ Việt Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh Sài Gòn.

Như vậy, đến thời điểm này, hai trong số 7 tổ chức tín dụng có “dấu hiệu” vi phạm quy định trần lãi suất được công bố trước đó đã chính thức có kết luận là vi phạm và bị xử lý. Trước đó, một số trường hợp khác như Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã được kết luận là không vi phạm quy định.
 
Thảo luận (17 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Chu Văn Sếp 15:02 (GMT+7) - Thứ Bảy, 17/9/2011
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Ngân hàng. Vì vậy thông tư và Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước phải được các Ngân hàng thương mại tuân thủ, vi phạm phải bị xử lý là đương nhiên. Việc xử lý như trên cũng là việc Ngân hàng Nhà nước phải làm.

Tôi rất ngạc nhiên khi mọi người lại vỗ tay tán thưởng một công việc đương nhiên phải làm trong phạm vi trách nhiệm của một cơ quan Nhà nước. Không lẽ họ lại có lựa chọn khác à?
Dương Đức Anh 18:29 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Hoan hô Thống đốc đã làm quyết liệt trong vấn đề này để chấn chỉnh kỷ cương, lấy lại lòng tin của khối doanh nghiệp nói riêng và nhân dân nói chung với các chính sách của NHNN.
Đình Bảo 18:11 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Tôi thấy chả có gì đáng mừng cả. Nó chỉ chứng tỏ một điều duy nhất: NHNN đang thiếu một công cu thị trường hữu hiệu để hạ lãi suất nên đành thay thế bằng các biện pháp hành chính của thời bao cấp.
TP 16:57 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Đây có hẳn là một dấu hiệu tốt hay không phải còn chờ xem.

Cũng giống như trước đây, cũng từng có lần thực hiện biện pháp mạnh nhưng rồi cũng thôi. Liệu đây là một hành động mang tính liên tục hay chỉ xoa dịu dư luận.

Hy vọng đây sẽ là dấu hiệu tốt.
Q.Tiến 16:54 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Tôi thấy chẳng có gì là hay cả. Quản lý bằng biện pháp hành chính là bước đi thụt lùi. Trước mắt thì thấy tốt đẹp nhưng hậu quả sẽ khôn lường!
Ngô Văn Tuấn 14:32 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Theo tôi thì nên áp trần lãi suất cho vay thì tốt hơn hết, không cần tốt nhiều nhân lực để kiểm soát, kiểm tra.

Nếu anh áp trần cho vay 20%/năm, lãi suất huy động 14%/năm thì các ngân hàng được hưởng chêch lệch 6%, 15% thì được hưởng 5%, 16% thì được hưởng 14%...

Tất cả ngân hàng đều cạnh tranh với nhau, nếu anh huy động lãi suất cao thì anh hưởng lãi suất chêch lệch thấp, tuỳ theo các ngân hàng lượng sức khoẻ của mình mà đưa ra lãi suất huy động theo sức khỏe hiện tại tính thanh khoản của mình.
Minh Thanh 13:46 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Hãy thẳng thắn, mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng cho lĩnh vực sản xuất-kinh doanh là đúng, quyết tâm làm việc của Thống đốc là đáng ghi nhận nhưng giải pháp thực hiện thì chưa ổn.

Xin nhớ lại, trong chính sách tiền tệ chúng ta đã từng “nút” “đầu vào” lãi xuất, đã từng “thắt” đầu ra, đã từng bao lần “đồng thuận” lãi xuất, bao lần ép tỷ giá ngoại tệ, nhưng kết quả rất nghèo nàn, bởi vì thực chất cách thức điều hành của chúng ta nặng về mệnh lệnh hành chính.

Như cách làm hiện nay chúng ta sẽ phải đặt cảnh sát theo dõi lãi xuất tại mỗi chi nhánh ngân hàng, chúng ta sẽ biến hoạt động kinh doanh ngân hàng bình thường thành nơi điều tra-xét hỏi-theo dõi –tố giác...

Nên nhớ không thể giải quyết những khó khăn kinh tế thị trường bằng giải pháp hành chính. Tôi còn nhớ thời “bao cấp”… đói lắm, chúng ta đã từng ngăn sông, cấm chợ, cấm vận chuyển lương thực giữa các vùng nhưng không thu được kết quả tích cực, mà ngược lại nảy sinh thêm nhiều tiêu cực trong xã hội như nạn buôn lậu, nạn mãi lộ, phe tem phiếu...

Nạn thiếu đói của VN cuối cùng chỉ giải quyết được qua việc giải phóng tư duy, xóa bỏ HTX, trả ruộng đất cho nông dân.

Bài học đó bây giờ cần thiết để nhắc nhở đừng nhắc lại sai lầm quá khứ. Mọi cấm đoán “trần”, “sàn” lãi suất , mọi “đồng thuân” lãi suất đều không có tác dụng mà còn có thể tạo nên những rắc rối.
Nguyenkim 13:22 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Những tín hiệu đáng mừng từ phía Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua thật sự rất đáng hoan nghênh, Thống đốc Bình đang giữ lời hứa, đang làm mạnh tay.

Tuy nhiên con đường tiếp theo sẽ không hề dễ dàng, hy vọng tân Thống đốc và NHNN sẽ nỗ lực đến cùng. Chúng ta mong chờ một thị trường tài chính ổn định hơn trong tương lai gần!
Vinh 12:35 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Mục tiêu hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất là một định hướng đúng, vì doanh nghiệp không thể hoạt động hiệu quả với chi phí vay cao như hiện nay.

Tuy nhiên việc hạ lãi suất huy động liệu có làm giảm lãi suất cho vay hay không?

Hạ lãi suất huy động sẽ dẫn tới việc người dân rút một phần tiền để đầu tư vào các kênh đầu tư khác, chủ yếu sẽ bao gồm vàng và ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản.

1. Vàng và ngoại tệ: Nhiều người sẽ đầu tư vào đây do không tin tưởng ở đồng nội tệ và tính thanh khoản cao của vàng và ngoại tệ, trong trường hợp này quốc gia sẽ mất ngoại tệ để nhập vàng, việc này sẽ gây sức ép lên tỷ giá, do đó sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá nguyên vật liệu, máy móc đầu vào và gây tác động bất lợi cho nền kinh tế.

2. Chứng khoán: Đây là một kênh đầu tư hấp dẫn tại thời điểm này do tính thanh khoản cao của chứng khoán. Việc đầu tư vào chứng khoán sẽ giúp giá chứng khoán đi lên.

Về bản chất tiền đầu tư vào chứng khoán được trực tiếp đưa vào sản xuất khi doanh nghiệp mở rộng và kêu gọi vốn, tuy nhiên tại giai đoạn cầm cự này thì việc mở rộng sản xuất sẽ ít doanh nghiệp thực hiện, do vậy phần tiền mà người dân đầu tư vào chứng khoán sẽ phần lớn nằm tại ngân hàng, điều này sẽ giúp lãi suất cho vay giảm.

3. Bất động sản: Đây là kênh đầu tư đòi hỏi vốn lớn và dài hạn, tại thời điểm này NHNN vẫn tiếp tục hạn chế cho vay bất động sản, do đó khả năng đầu tư vào đây không nhiều.

Như vậy để vốn đến được với doanh nghiệp sản xuất cần hạn chế tiền đầu tư vào vàng và ngoại tệ, khuyến khích đầu tư vào chứng khoán hoặc có cơ chế han chế bớt vốn bị nằm trong vàng và ngoại tệ để đưa vào sản xuất.

Ý tưởng NHNN giữ hộ vàng cho người dân là một ý tưởng hay, giả thiết người dân Việt Nam nắm giữ 500 tấn vàng, nếu NHNN giữ được 1/2 số vàng này (Tương đương với 250 tấn) và xuất ra nước ngoài 200 tấn, chỉ giữ lại 50 tấn dự phòng để hoàn trả lại cho người dân khi có nhu cầu, như vậy số vốn của 200 tấn vàng này thực chất đã được gián tiếp đầu tư ngược trở lại sản xuất thông qua hệ thống ngân hàng.

Như vậy nếu như trong một vài tháng tới lãi suất vay không hạ nhiệt, tỷ giá có biến động mạnh, NHNN cần có hành động giữ vàng cho người dân, việc chuẩn bị cần thực hiện ngay từ bây giờ.
Pham Nam 11:43 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Động thái trên của NHNN mặc dù hơn muộn nhưng dẫu sao cũng là một chủ trương đúng nhằm thiết lập lại trật tự hoạt động của các ngân hàng, lấy lại niềm tin của khách hàng rất đáng hoan nghênh.
Alibaba 11:25 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Rất đồng tình ý kiến trên.
Quoc Dat 10:56 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Rất ủng hộ quan điểm và biện pháp xử lý cụ thể của NHNN, của Thống đốc NHNN mới nhận chức để lập lại trật tự,kỷ cương trong điều hành hoạt động của thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên Thống đốc cần phải duy trì liên tục, thường xuyên các biện pháp giám sát và xử lý thì các NHTM mới biết sợ và không dám vi phạm.
Mr Chuyen 10:21 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Cảm ơn thống đốc Nguyễn Văn Bình, thực hiện chặt chẽ chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ đem lại kết quả đúng với định hướng đề ra. Như vậy những công dân như chúng tôi mới có thể an lòng và có kế hoạch cá nhân theo những chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước đề ra, tránh tình trạng nói 1 đằng làm 1 nẻo.
Long hn 10:15 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Rất đáng hoan nghênh, đây là tín hiệu tốt cho thị trường tài chính Việt Nam ngày càng sạch hơn.
Tuan 08:59 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Hoan nghênh việc xử lý kiên quyết của NHNN đối với các TCTD vi phạm trần lãi suất. NHNN nên tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nữa để đưa thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trở lại bình thường.
David Tran 08:56 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Một động thái tốt, sẽ là một tiền lệ tốt cho việc chấn chỉnh nền kinh tế.
Thùy 07:33 (GMT+7) - Thứ Sáu, 16/9/2011
Thống đốc Bình đã giữ lời. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước rất đáng hoan nghênh!

No comments:

Post a Comment